Sẽ ban hành Nghị định về phát hành, phổ biến phim sử dụng ngân sách nhà nước

- Thứ Năm, 11/04/2024, 19:30 - Chia sẻ

Tại họp báo thường kỳ quý I của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 11.4, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, nghị định về phát hành và phổ biến phim do Nhà nước đặt hàng sẽ được ban hành trong năm nay. 

Thời gian qua, phim Đào, Phở và Piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn do Nhà nước đặt hàng trở thành "hiện tượng" phòng vé. Từ phía khán giả, nhu cầu xem phim này rất lớn nhưng phạm vi chiếu phim bị hạn chế ở một số cụm rạp. 

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, thời điểm đó, mặc dù nắm bắt được nhu cầu khán giả, song Cục Điện ảnh gặp khó khăn trong việc thỏa thuận với các đơn vị phát hành phim, bởi lẽ phim không có kinh phí để tuyên truyền, quảng bá. 

Sớm ban hành nghị định phát hành phim sử dụng ngân sách Nhà nước -0
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành phát biểu tại họp báo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

"Thời điểm đó, báo chí, dư luận đặt câu hỏi tại sao không đưa phim ra các rạp như CGV, Lotte... để trình chiếu. Những đơn vị này không đồng ý chiếu phim không lợi nhuận, trong khi chúng tôi phải tự thương lượng, chỉ ký hợp đồng với đơn vị nào đồng ý phương thức 100% doanh thu nộp thuế và nộp vào ngân sách nhà nước. Chúng ta không có quy định về chia tỷ lệ % cho phát hành phim do Nhà nước đặt hàng", ông Vi Kiến Thành chỉ rõ.

Cục trưởng Cục Điện ảnh phân tích có 3 lý do khiến phim Đào, Phở và Piano đạt doanh thu cao. Thứ nhất, đây là bộ phim tốt về nội dung tư tưởng, công tác dàn dựng, đạo diễn, đội ngũ diễn viên tham gia diễn xuất tròn vai.

Thứ hai, mặc dù phim không có kinh phí tuyên truyền nhưng nhận được sự ủng hộ của giới báo chí, truyền thông và cộng đồng mạng.

Thứ ba, phim phát hành đúng dịp nghỉ Tết, thị trường đã bão hòa các phim có nội dung tương tự nhau, khán giả muốn xem một bộ phim có nội dung khác đi. Thành công của phim cũng cho thấy giới trẻ Việt Nam vẫn rất quan tâm đến lịch sử đất nước, dân tộc.

Theo ông Vi Kiến Thành: "Không phải bộ phim nào cũng sẽ có đủ 3 yếu tố nói trên. Chưa kể, phim Nhà nước đặt hàng thường là phim về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, thiếu nhi. Những phim như thế không dễ thu hút khán giả, vì khán giả chủ yếu xem phim giải trí. Tuy nhiên, qua đó chúng tôi cũng rút ra nhiều vấn đề, nhất là về việc phát hành, phổ biến phim sử dụng ngân sách Nhà nước". 

Sớm ban hành nghị định phát hành phim sử dụng ngân sách Nhà nước -0
Dù không có kinh phí phát hành, bộ phim của đạo diễn Phi Tiến Sơn hiện vẫn đạt được doanh thu 21 tỷ đồng

Hiện nay, ngân sách sản xuất một bộ phim được xây dựng trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật quy định tại Quyết định số 2484/QĐ-BVHTTDL ngày 21.9.2021. Theo thống kê của Cục Điện ảnh, từ năm 2011 - 2022, ngân sách Nhà nước cấp cho đặt hàng sản xuất phim và tài trợ phổ biến phim trung bình là 65,6 tỷ đồng/năm.

Trong đó có 500 triệu đồng dành cho việc in các bản phim, tài liệu tuyên truyền phục vụ các tuần phim, ngày lễ lớn, làm phụ đề và in bản phim, tài liệu tuyên truyền phục vụ công tác giới thiệu phim Việt Nam ra nước ngoài. Khoản ngân sách này không dành cho việc quảng bá tác phẩm. 

Trên cơ sở các quy định hiện hành và yêu cầu từ thực tiễn, rất cần thiết phải có quy định pháp luật nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở điện ảnh phát hành, phổ biến phim do Nhà nước đặt hàng. 

"Cục Điện ảnh không có chức năng phát hành phim. Cục đã đề xuất giao Trung tâm Chiếu phim quốc gia làm nhiệm vụ phát hành phim Nhà nước đặt hàng, đồng thời đề xuất xây dựng Nghị định về phát hành, phố biến phim sử dụng ngân sách Nhà nước. Dự kiến Nghị định sẽ được ban hành trong năm 2024, qua đó tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến phát hành phim nói trên", Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nói. 

Thái Minh
#