Sân khấu xã hội hóa rất cần "bà đỡ"

- Thứ Ba, 04/10/2022, 06:07 - Chia sẻ

Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V vừa qua có sự tham gia của 5 vở diễn của các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập ở cả Bắc và Nam. Các đêm diễn đều nhận được sự ủng hộ tích cực từ khán giả Hà Nội. Tuy vậy, sân khấu xã hội hóa vẫn rất cần “bà đỡ” để đầu tư dàn dựng tác phẩm đúng định hướng.

Phục vụ khán giả là trên hết

Tại phía Bắc, duy nhất Sân khấu Lệ Ngọc tham gia với vở “Huyền tích chùa Một Cột”; trong khi phía Nam có các vở: "Án tình", Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh; “Đêm trước ngày hoàng đạo”, Sân khấu Cải lương mới Đại Việt; “Câu hát tìm nhau”, Sân khấu Sen Việt; “Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên”, Sân khấu Sen Việt phối hợp với Chi hội biểu diễn Nghệ thuật Thăng Long - Hội Sân khấu Hà Nội. 5 vở diễn của các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập đều nhận được sự ủng hộ tích cực từ khán giả Thủ đô.

Đêm diễn của Sân khấu Cải lương mới Đại Việt chật kín chỗ, Ban Tổ chức phải kê thêm ghế ở lối đi của rạp Đại Nam. Đây là lần đầu tiên Sân khấu Đại Việt tham dự Liên hoan nên đã đầu tư chỉn chu nhất cho vở diễn từ âm nhạc đến trang phục. "Tôi biết rằng cải lương lịch sử rất khó bán vé nên muốn tạo ra tác phẩm gần gũi, hấp dẫn khán giả. Tôi rất mừng vì vở diễn được đón nhận nhiệt liệt ở Hà Nội và thấy hy vọng vào những đêm diễn sắp tới tại TP. Hồ Chí Minh", soạn giả Hoàng Song Việt cho biết.

Vở diễn “Huyền tích Chùa Một Cột” của Sân khấu Lệ Ngọc mặc dù từng biểu diễn, song vẫn nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả và giới chuyên môn. Theo NSND Lệ Ngọc, “khi tham gia các liên hoan hay biểu diễn bán vé, chúng tôi đều hướng đến khán khả, phục vụ khán giả là trên hết. Cũng bởi chúng tôi là đơn vị nghệ thuật tư nhân, sống bằng đồng tiền của chính khán giả”.

Cảnh trong vở
Cảnh trong vở "Đêm trước ngày hoàng đạo" của Sân khấu Cải lương Mới Đại Việt, tham gia Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2022
Ảnh: HS

Thay đổi phương thức đầu tư

Hiện nay, các đơn vị nghệ thuật tư nhân không nhận được khoản hỗ trợ tài chính nào từ Nhà nước, phải tự đi thuê mặt bằng đặt trụ sở làm việc, thuê địa điểm biểu diễn. Các đơn vị luôn trong tình trạng thiếu kinh phí để dựng vở, tự bỏ tiền đầu tư, bán vé để bù đắp. Do đó, việc các đơn vị tự vận động để tham dự liên hoan rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, theo đạo diễn Nguyễn Thanh Hiệp, Trưởng Ban Lý luận phê bình, Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh, “về lâu dài khó đáp ứng tiêu chí Liên hoan nếu không chọn vở vừa có tính giải trí, vừa đúng định hướng chủ đề. Sân khấu xã hội hóa, vì vậy, rất cần “bà đỡ” để đầu tư dàn dựng tác phẩm đúng định hướng”.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Hiệp cho rằng, để có tác phẩm đỉnh cao, Nhà nước phải có chủ trương hỗ trợ bằng việc thay đổi phương thức đầu tư. “TP. Hồ Chí Minh có lợi thế là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, đã phát triển mô hình sân khấu xã hội hóa gần 30 năm. Vậy mà, từ 15 đơn vị xã hội hóa sân khấu giờ chỉ còn lại 5 sàn diễn kịch nỗ lực sáng đèn và một số sàn diễn cải lương. Tôi từng nghe chia sẻ về mức kinh phí đầu tư vở diễn luôn bị đội giá, hay việc các sân khấu không thể chắp vá cảnh trí, mỗi vở đều phải đầu tư mới, tiền thuê mặt bằng tăng giá… Điều này ảnh hưởng đến hình thức dàn dựng, khiến tác phẩm không tạo được hiệu ứng tích cực như mong muốn do thiếu nhiều phương tiện kỹ thuật hỗ trợ diễn xuất”.

Sau đại dịch, các sàn diễn xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, nhất là kinh phí dàn dựng vở. “Nếu giải quyết được kinh phí dựng vở, với mô hình đầu tư các tác phẩm được duyệt từ đề cương, theo chủ đề, tư tưởng, sẽ khắc phục áp lực đối với các ông bầu, bà bầu đang hoạt động theo mô hình xã hội hóa”, soạn giả Hoàng Song Việt đề xuất.

Muốn tồn tại, phải nghĩ khác, làm khác

Thời gian qua, sân khấu xã hội hóa phải tự thân vận động, tìm mọi cách thay đổi phương thức hoạt động. “Sân khấu tư nhân chỉ có thể tồn tại và phát triển bằng cách dựng vở không phải hay mà thật hay, thật mới lạ, thật hấp dẫn. Sân khấu Lệ Ngọc đã xây dựng các tác phẩm nghệ thuật nhắm tới công chúng nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi, với kịch mục phong phú về đề tài và đa dạng về thể tài, từ dân gian, dã sử đến đương đại… Như vở “Huyền tích Chùa Một Cột” từng được nhận xét không chỉ tìm về và tôn vinh sử Việt, mà còn thể hiện các bài học giàu tính nhân văn, nóng hổi tính thời sự”, NSND Lệ Ngọc khẳng định.

Xây dựng mô hình Sân khấu nhỏ Sen Việt tại trụ sở Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh, đạo diễn - NSƯT Lê Nguyên Đạt cũng luôn tâm nguyện phải lựa chọn hướng hoạt động phù hợp với loại hình, phong cách, lựa chọn phân khúc khán giả cho riêng mình, nhất là trong thời điểm đời sống sân khấu tại TP Hồ Chí Minh rất sôi động, nhiều sắc màu nhưng lại không ổn định. “Mục tiêu của tôi là tập trung cho công tác đào tạo, học hỏi các mô hình sân khấu xã hội hóa các vùng miền. Có thể chúng tôi tiếp tục lỗ và bù lỗ, nhưng tin rằng thời gian tới sẽ lời được nguồn nghệ sĩ, đạo diễn trẻ yêu thích cải lương. Họ sẽ tiếp nối, lấp đầy lỗ hổng về đội ngũ kế thừa của sân khấu truyền thống”.

Thực hiện 2 vở diễn tham gia Liên hoan lần này, trong đó vở “Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên” chỉ có một nghệ sĩ Hà Nội, còn lại là sự góp mặt của các nghệ sĩ TP. Hồ Chí Minh, NSƯT Lê Nguyên Đạt cho biết anh thích sự đột phá và gây cảm xúc khác biệt cho khán giả. Khi phối hợp phải luôn bảo đảm chuyên nghiệp và chuẩn từng chi tiết, khó hơn, áp lực hơn… nhưng thú vị hơn. "Bởi sân khấu muốn tồn tại thì cách nghĩ và làm nghề phải khác".

Hương Sen