Cà phê phin

Như Quỳnh - chưa bao giờ cũ

- Chủ Nhật, 29/05/2022, 06:44 - Chia sẻ

Vẻ đẹp của Nết trong bộ trang phục truyền thống của liền chị quan họ với đôi mắt lá răm lúng liếng bước ra từ cánh cổng làng để dự hội Lim - với tôi đã trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng của điện ảnh Việt Nam. 

Tối 27.5, đúng giờ khai mạc "Tuần phim Việt Nam" tại Lavelle (TP. Hồ Chí Minh) thì trời đổ một cơn mưa lớn. Thế nhưng cơn mưa đó không ngăn được những khán giả mộ điệu điện ảnh đến để thưởng thức lại bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam một thời: "Đến hẹn lại lên" và gặp lại chị Nết ngoài đời.

Bộ phim diễn ra trong không gian ấm cúng của Lavelle, mặc cho tiếng mưa rả rích bên ngoài. Một cảm giác thật lạ và thật lãng mạn khi xem lại những thước phim cổ điển đã ra đời gần nửa thế kỷ trong một đêm mưa. 

Thế rồi khi bộ phim kết thúc bằng hình ảnh Nết với giọt nước mắt lăn ra bên khóe mà miệng vẫn nở nụ cười hạnh phúc, đứng dưới sân ga tiễn anh Hai Chi lên đường ra mặt trận thì đèn bật sáng, và chị Nết xuất hiện, cứ như bước ra từ màn ảnh sau một hành trình dài gần 50 năm. Đó thực sự là một khoảnh khắc đẹp mà chắc hầu hết khán giả có mặt tại đây đều bất ngờ, trong đó có tôi. Chị Nết vẫn ở đó, vẫn đẹp, một vẻ đẹp nhuần nhị của người phụ nữ đất Kinh Bắc. Một vai diễn đã trở thành biểu tượng, gắn liền với sự nghiệp điện ảnh kéo dài gần 5 thập kỷ của nữ diễn viên tài năng Như Quỳnh.

Suốt gần nửa thế kỷ qua, Như Quỳnh đã đóng nhiều bộ phim, không thể kể hết. Từ những bộ phim kinh điển của thời điện ảnh cách mạng như Ngày lễ thánh, Mối tình đầu, Hà Nội mùa chim làm tổ, đến những bộ phim của các đạo diễn quốc tế như Đông Dương (đạo diễn Pháp Régis Wargnier, thắng giải Oscar phim nước ngoài hay nhất năm 1993); phim của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng như Xích lô (thắng giải Sư tử vàng tại LHP Venice 1994), Mùa hè chiều thẳng đứng...; cho đến các bộ phim của những đạo diễn sau này như Chuyện của Pao (Nguyễn Quang Hải), Chơi vơi (Bùi Thạc Chuyên) và rất nhiều phim truyền hình khác không thể kể hết mà gần đây nhất là bộ phim "Hương vị tình thân".

Nguồn: ITN

Như Quỳnh gần như là diễn viên Việt Nam duy nhất xuyên qua được các giai đoạn, các trào lưu khác nhau của điện ảnh Việt Nam mà ở thời kỳ nào chị cũng nhập cuộc được và có vai diễn để đời. Dường như không có gì làm khó được chị cả. Nhưng cho dù đóng phim gì đi nữa, lột xác đến mấy đi nữa (như hai phim của Trần Anh Hùng), ta vẫn thấy một Như Quỳnh đậm tính nữ với hình tượng người phụ nữ Việt xuyên suốt. Một hình tượng mà ngay từ bộ phim thứ 2, lúc chị mới 20 tuổi là "Đến hẹn lại lên", với vai Nết, cô thiếu nữ làng quan họ chịu nhiều truân chuyên, đã được xác lập như một hình mẫu phụ nữ Việt thuần khiết và nguyên bản nhất. 

Mà nói như đạo diễn Phan Đăng Di là Nết dường như đứng ra khỏi dòng chảy thời cuộc hay tính tuyên truyền của nội dung bộ phim, để giữ cho mình một hình tượng xuyên suốt, một vẻ đẹp bất biến với thời gian. Quả thực, xem lại bộ phim đôi chỗ thấy cũ, thấy đã lỗi thời, nhưng nhân vật chính của bộ phim vẫn quyến rũ người xem bằng sự nguyên bản đó. Vẻ đẹp của Nết trong bộ trang phục truyền thống của liền chị quan họ với đôi mắt lá răm lúng liếng bước ra từ cánh cổng làng để dự hội Lim - với tôi đã trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng của điện ảnh Việt Nam. 

 Nhà biên kịch Trần Minh thì nhận xét Nết có lẽ là vai diễn thể hiện vẻ đẹp nữ quyền sớm nhất trong điện ảnh Việt. Quả vậy, cho dù là một cô gái quê yếu đuối bị thời cuộc xô đẩy, nhưng trong những khoảnh khắc mang tính quyết định, Nết đều tự mình lựa chọn con đường cho chính mình, mà không để kẻ khác can thiệp hay thao túng. Nết là một nàng Kiều hiện đại hơn và mạnh mẽ hơn, ít nhất là trong việc lựa chọn hạnh phúc cho chính mình. 

Tất nhiên, phần chia sẻ nhiều cảm xúc nhất đến từ nhân vật chính - nghệ sĩ  Như Quỳnh về bộ phim làm nên tên tuổi chị, và về hành trình gần nửa thế kỷ làm nên sự nghiệp của chị. Chị kể có những khán giả phương Tây, khán giả ta xem Đông Dương, xem "Mùa hè chiều thẳng đứng" tìm đến quán cà phê của chị ở Bát Đàn chỉ để được gặp chị ngoài đời. 

Tôi cũng là một trong số đó. Gần 20 năm trước, hồi còn ở Hà Nội, lâu lâu, tôi lại ghé quán cà phê của Như Quỳnh ở Bát Đàn, nằm trong khu phố cổ, chỉ được mong ước một lần gặp được Nết ngoài đời, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy chị. 

Cho tới lúc Nết bước ra từ màn ảnh, ngồi sát cạnh tôi để trò chuyện với khán giả về vai diễn "để đời" của mình. Khoảnh khắc đó, tôi thấy điện ảnh và cuộc đời thật gần nhau. 

Có lẽ đó là lý do mà tôi vẫn luôn yêu điện ảnh.

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm