Nguyễn Việt Chiến: "Câu thơ như cát mỗi chiều"*

- Thứ Năm, 25/04/2024, 12:42 - Chia sẻ

Theo nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn, thơ Nguyễn Việt Chiến chứa sẵn những vùng xoáy suy tư, ngẫm nghĩ, những bình luận, cảm luận và nỗi day dứt cất lên tiếng nói của một nhà thơ yêu nước. 

“Tôi luôn bị ám ảnh bởi nỗi đau chiến tranh”

Tại tọa đàm ra mắt tuyển tập Nguyễn Việt Chiến - Thơ và trường ca sáng 25.4, nhà thơ tự bạch những suy ngẫm về thi ca: “Ở tuyển tập thơ này, trong khá nhiều bài thơ của tôi, những hình ảnh, cảm xúc và suy tư về các miền đất, miền người, các vùng quê, các miền ký ức di tích, các vùng văn hiến… chính là mạch chảy chủ đạo của thi hứng, thi ngôn, thi tứ của thơ ca tôi”.

Nguyễn Việt Chiến - Câu thơ như cát mỗi chiều -0
Nguyễn Việt Chiến bộc bạch về những trang thơ tại tọa đàm sáng 25.4

Nguyễn Việt Chiến sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, quê gốc ở vùng xứ Đoài. Hình bóng quê hương trở thành mạch nguồn cảm hứng trong thơ ông. Đặc biệt, ông chia sẻ trong thơ của mình luôn bị ám ảnh bởi nỗi đau chiến tranh và những nỗi bất hạnh của con người trong thời loạn lạc sinh ly, từ biệt trên đất nước điêu tàn vì đạn bom trong suốt gần nửa thế kỷ “Nam chinh Bắc chiến”.

Nhà thơ tự hỏi: Đấy phải chăng là nỗi buồn lớn nhất của thế hệ mình khi biết bao nhiêu người con của quê hương đã bị đốn gục ở cả hai đầu cuộc chiến như những nạn nhân bi đát nhất của chiến tranh?

Những người lính không tuổi tên/ Lẫn vào vô danh trận mạc/ Máu xương họ đã im lìm/ Thấm vào vô danh sỏi cát (…) Để rồi: Ngày mai trên xương máu ấy/ Gió đưa hương cỏ về trời/ Nỗi buồn vô danh ở lại/ Trên bùn đất mãi sinh sôi (bài Vô danh trận mạc).

Nguyễn Việt Chiến - Câu thơ như cát mỗi chiều -0
Tuyển tập "Nguyễn Việt Chiến - thơ và trường ca", do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành

“Những câu thơ trầm cảm viết về chiến tranh luôn thao thức trong tâm hồn tôi, những câu thơ day dứt, trằn trọc khiến tôi luôn bất an, những câu thơ không chịu yên ngủ dẫu cuộc chiến đã đi qua nhiều năm. Có thể đấy là một di chứng u uất của những vết thương vẫn còn rớm máu trong hồn người khi phải đi qua những năm tháng buồn thảm, tồi tệ nhất của đời mình trong chiến tranh”.

Nói như vậy, Nguyễn Việt Chiến chia sẻ, ông khắc họa nỗi đau chiến tranh với cái nhìn của một nhà thơ yêu nước, muốn được sẻ chia với những mất mát, đau thương của dân tộc mình.

Suy tư, cảm luận về đất nước

Nhìn lại hành trình thơ ca Nguyễn Việt Chiến, phải đến 40 tuổi, ông mới xuất bản tập thơ đầu tay Mưa lúc không giờ (1992). Giờ đây, sau 30 năm kể từ mốc khởi đầu, ông thực sự đã có một gia tài thơ ca bề thế, không chỉ vì số lượng tập thơ gối tiếp nhau ra đời.

Nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn nhận định, với Ngọn sóng thời gian, Cỏ trên đất, Những con ngựa đêm, Trăng và thơ đọc chậm, Hoa hồng không vỡ, Tổ quốc nhìn từ biển…, mỗi tập thơ, ít hay nhiều đều cho thấy Nguyễn Việt Chiến biểu đạt tiếng nói công dân ở những suy tư, ngẫm nghĩ, bình luận, cảm luận về đất nước, Mẹ - Tổ quốc, về sự vĩ đại mà gần gũi của tình giống nòi, đồng bào, của giá trị dấn thân tìm kiếm lẽ phải, hạnh phúc.

Nguyễn Việt Chiến - Câu thơ như cát mỗi chiều -0
Tọa đàm ra mắt tuyển tập "Nguyễn Việt Chiến - thơ và trường ca" nhằm làm sáng rõ phong cách thi pháp, tư tưởng nghệ thuật thơ ca Nguyễn Việt Chiến

“Cũng như thế hệ mình, Nguyễn Việt Chiến sớm rời ghế nhà trường để bước vào chiến trường. Những trải nghiệm ngắn ngủi nhưng khốc liệt của cuộc chiến, một mặt, hằn sâu vào ký ức người cầm bút như thực tế bỏng rát, mặt khác là căn cớ thúc đẩy vấn đáp nội tâm, vấn đáp xung quanh và bứt phá như một người phát ngôn, người bình luận”, nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn nói.

Tuyển tập "Nguyễn Việt Chiến - thơ và trường ca", do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, gồm 226 bài thơ và trường ca, chia thành 5 phần: Ga Hàng Cỏ dọc đường Nam bộ; Gặp Nguyễn Du trên sông đêm; Phố phái trong thơ; Biển khúc ngợi ca cái đẹp; Thời đất nước gian lao.

Bản thân Nguyễn Việt Chiến cũng tự nhận, càng về sau này, thơ ông nghiêng về phía khắc họa nỗi buồn của thời hậu chiến trong đời sống đô thị công nghiệp hóa đang làm tổn hại thiên nhiên và nghiền vụn thời gian sống, văn hóa của con người. Thơ ca cần có tiếng nói quan trọng, bởi lẽ, ông cho rằng “thơ ca là nền nghệ thuật chia sẻ với con người, là cuộc đối thoại của nhà thơ với thời đại của họ”.

Theo nhà nghiên cứu phê bình Văn Giá, Nguyễn Việt Chiến có một nội lực thơ vạm vỡ và thi triển nội lực này trên khá nhiều chủ đề: thế sự, sử thi, tâm linh, tình yêu hay một hình dung khác: phố và quê, đồng, rừng và biển, đảo và bờ, tôi và tha nhân, anh và em, con và mẹ… “Nội lực thi sĩ của Nguyễn Việt Chiến ở giai đoạn đầu bung lên thi ảnh ngôn rất đỗi tài hoa thanh tân, càng về sau càng trầm tụ những tự ngã phức tạp, mờ nhòe. Ở những phần thành công nhất trong giai đoạn sau, thơ Nguyễn Việt Chiến có sự rời chuyển từ thực tại sáng tỏ và được kiểm soát để đắm vào những vùng mờ bí ẩn không kiểm soát nổi. Lúc này, bài thơ lớn hơn chính con người tác giả. Những bài thơ có được sự vượt thoát như thế sẽ độc sáng và ám ảnh”.

____

* Câu thơ trong bài Cát đợi của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.

Thái Minh
#