"Một bức tranh biếm họa hay có giá trị bằng ngàn câu chữ"

- Chủ Nhật, 30/06/2024, 15:02 - Chia sẻ

Từ quan sát thực tế, họa sĩ Lý Trực Dũng cho rằng biếm họa ở Việt Nam không còn không khí rầm rộ như cách đây khoảng chục năm. Báo chí vẫn đăng tranh biếm họa nhưng không còn sâu sắc, mang sức nặng như trước.

Tranh biếm họa ra đời từ những câu chuyện, hiện tượng chưa đẹp, chưa hay của cuộc sống được thể hiện qua cây bút và cái nhìn đầy tính công dân của những người họa sĩ. Đây là một dòng tranh không thể xem nhanh, dù thời gian sáng tác ra nó ngắn hơn rất nhiều so với những loại tranh khác. Cùng một bức tranh, mỗi người sẽ có cái nhìn, suy diễn và kết luận như là các góc nhìn khác nhau về hiện tượng, câu chuyện đó.

Tranh biếm họa đả kích chế độ bóc lột của thực dân, đế quốc đăng trên báo Le Paria tháng 5.1922 đã mở đầu cho thời đại tranh biếm họa ở Việt Nam.

Tính đến nay, tranh biếm họa ở Việt Nam đã có lịch sử gần 100 năm. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt đầu tiên có tranh biếm họa đăng báo. Những bức tranh đả kích chế độ bóc lột của thực dân, đế quốc được Người vẽ đăng trên báo Le Paria (Người cùng khổ) tháng 5.1922 đã mở đầu cho một thời đại tranh biếm họa ở Việt Nam.

Tuy sinh sau đẻ muộn so với thế giới, nhưng theo các nhà nghiên cứu, biếm họa Việt Nam đã bắt rễ, trở thành một nghệ thuật độc đáo, thú vị, đồng hành với lịch sử hiện đại. Biếm họa phát huy vai trò đặc biệt của mình, miêu tả những mặt tiêu cực của xã hội qua nét vẽ. Họa sĩ vẽ biếm họa khẳng định được sự can đảm, dám dấn thân, thể hiện tinh thần xây dựng và vì một xã hội tiến bộ, tốt đẹp hơn.

Là một họa sĩ hàng đầu về tranh biếm họa ở Việt Nam, họa sĩ Lý Trực Dũng cho rằng biếm họa là một vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, biếm họa là bộ môn nghệ thuật tạo hình luôn đóng vai trò tiên phong, được trân trọng sử dụng và đánh giá cao.

Từ đó đến nay, tranh biếm họa Việt Nam đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ. Biếm họa vẫn có vai trò nhất định nhưng không còn không khí rầm rộ như cách đây khoảng chục năm. Báo chí vẫn đăng tranh biếm họa nhưng không còn sâu sắc, mang sức nặng như trước nữa.

Một tác phẩm của họa sĩ Lý Trực Dũng

“Thời đổi mới, chúng ta để lại rất nhiều tranh biếm họa có giá trị lịch sử, giờ biếm họa ít được coi trọng, vẽ không có đất dùng, rất ít họa sĩ không sống được bằng nghề, một tranh biếm họa được trả 150 - 200 nghìn đồng, rất thấp. Về góc độ các cuộc thi tranh biếm họa, ngày trước có rất nhiều, là động lực khuyến khích các họa sĩ, bây giờ thì hầu như vắng bóng. Như giải biếm họa báo chí Việt Nam - cúp Rồng Tre là cuộc thi biếm họa toàn quốc đầu tiên ở Việt Nam, do Báo Thể thao & Văn hóa khởi xướng năm 2007. Trải qua 4 kỳ, giải bị ngắt quãng năm 2015 rồi được tổ chức lại năm 2019 và đến nay cũng đã bẵng đi 5 năm. Hay Báo Nhân dân Cuối tuần trước đây cũng có dành một trang biếm họa, song khoảng một năm nay, trang báo ấy cũng tạm dừng”, họa sĩ Lý Trực Dũng cho biết.

Nhiều ý kiến cho rằng, với sứ mệnh là đấu tranh để hoàn thiện xã hội, biếm họa, dù ở đất nước nào, thời đại nào vẫn phải đảm nhiệm vai trò quan trọng đó. Hơn nữa, trong bối cảnh xã hội hiện nay, tranh biếm họa càng phải vươn mình ra những mảng chủ đề và cách thể hiện khác nhau, để nêu lên những vấn đề đáng phê phán, đả kích, những sự kiện nóng hổi về văn hóa, xã hội, kinh tế… bằng cách nhìn táo bạo và sâu sắc.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt sứ mệnh của mình, biếm họa cần được đặt đúng vị thế, họa sĩ vẽ tranh biếm họa được khuyến khích, sống được bằng nghề. Theo họa sĩ Lý Trực Dũng, một mặt, các họa sĩ cần nâng cao bản lĩnh, dành tâm huyết, sáng tạo, rèn luyện tay nghề, định hình phong cách, góp tiếng nói tinh tế, sắc sảo. Mặt khác, Nhà nước, các tổ chức, cơ quan báo chí cần có thêm sân chơi (như triển lãm, cuộc thi…), tạo cú hích cho sự phát triển ngày một lớn mạnh của giới họa sĩ chuyên vẽ biếm họa…

“Bởi lẽ, một bức tranh biếm họa hay có giá trị bằng ngàn câu chữ. Biếm họa cũng như các bộ môn nghệ thuật khác như hội họa, điêu khắc, văn học, âm nhạc... xứng đáng được coi trọng”, họa sĩ Lý Trực Dũng nói.

Hải Đường
#