Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024)

Mãi nặng tình với Tây Bắc

- Thứ Bảy, 04/05/2024, 07:04 - Chia sẻ

Dù phải chống gậy và việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, cụ ông Nguyễn Tiến Năng (96 tuổi) vẫn trở về thăm lại dải đất Tây Bắc - nơi mà 70 năm trước, ông đã gắn bó cùng anh em trong đội thanh niên xung phong. Chính dải đất này là nơi đã ghi dấu sự cống hiến thời tuổi trẻ nhiệt huyết của ông và đồng đội, trong đó, nhiều người đã mãi mãi nằm lại.

Hồi ức về những năm tháng hào hùng

Cách đây chưa lâu, nguyên Phó Đội trưởng Đội 34 thanh niên xung phong (TNXP) tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, nguyên trợ lý Thủ tướng Phạm Văn Đồng Nguyễn Tiến Năng, cùng đoàn cựu TNXP Việt Nam đặt chân đến Điện Biên trong hành trình về nguồn và tổ chức các hoạt động an sinh xã hội. Trở lại mảnh đất 70 năm trước đã gắn bó với mình, bao ký ức một thời gian khó dưới mưa bom, bão đạn góp sức làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lại ùa về trong ông.

Cựu thanh niên Nguyễn Tiến Năng ngày trở lại thăm Điện Biên
Cựu thanh niên Nguyễn Tiến Năng ngày trở lại thăm Điện Biên

Cựu TNXP Nguyễn Tiến Năng bồi hồi nhớ lại những năm tháng đó, năm 1953, khi đang là Bí thư Huyện đoàn huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa), ông cùng hàng nghìn thanh niên Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tình nguyện đăng ký lên đường theo chủ trương tuyển TNXP của Trung ương. Sau khi tập kết tại Thanh Hóa, ông được cấp trên giao trọng trách làm Phó Đội trưởng Đội 34 TNXP. Học xong điều lệ đoàn TNXP, 2 đội 34 và 40 nhận lệnh lên đường đi Tây Bắc. Theo biên chế, mỗi đội có 20 đại đội TNXP với tổng số gần 8.000 người.

 “Lúc đấy không biết Tây Bắc như thế nào, cũng chẳng biết mình sẽ làm nhiệm vụ cụ thể gì, nhưng nhận lệnh là ai cũng lên đường với khí thế rất hăng hái. Chúng tôi xác định sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì vì dân tộc mà Đảng, Bác Hồ giao phó…". Cứ thế, ông Năng cùng đội hình TNXP gần 8.000 người, gánh theo lương thực, thực phẩm xuyên rừng, đêm đi, ngày nghỉ.

Ông Năng kể: Lần đầu tiên thấy ngợp về rừng vì càng đi thì rừng càng trùng trùng điệp điệp và lạnh buốt. 40 đại đội lần lượt đi, rải rác, vừa đi vừa mở đường, cả mấy tháng mới đến nơi. Tết Giáp Ngọ 1954, 40 đại đội ăn Tết rải từ Mộc Châu lên đến Tuần Giáo, đường 13 đến phà Tạ Khoa, Yên Bái. Sau đó, 2 đội TNXP nhận lệnh phục vụ Chiến dịch Trần Đình với nhiều phần việc: Tải thương, tải đạn, bảo vệ lương thực, làm kho, bảo vệ kho... Và nhiệm vụ chính, quan trọng nhất là bảo đảm giao thông thông suốt lên Điện Biên Phủ.

Ông Năng hồi tưởng: lúc đó, dù tất cả chúng tôi đều không biết mật danh Trần Đình là ai, chiến dịch gì, nhưng đều cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ. Đến khi ta nổ súng mở màn chiến dịch, thì máy bay địch bắn phá ác liệt, quyết cắt đứt đường vận chuyển của ta cho tiền tuyến, nhất là các đoạn: Đèo Chẹn, phà Tạ Khoa, đèo Pha Đin... Đặc biệt là “cuống họng” ngã ba Cò Nòi, nơi các phương tiện đều phải đi qua để vào mặt trận. Chúng thả hàng trăm tấn bom các loại, gồm bom nổ, bom napan, bom bướm... Có ngày, địch dùng 69 lượt máy bay B26, B29 ném tới 300 quả bom, có đợt địch đánh liên tục 2 đến 3 tuần.

Ông Năng cho biết thêm, ban đầu TNXP chưa hiểu biết gì về các loại bom, nên nhiều người bị thương và hy sinh. Để hạn chế thương vong, đội phá bom được thành lập, các đại đội cũng lập tổ phá bom. Tại các đơn vị, bộ đội công binh huấn luyện phá bom cho TNXP. Riêng khu vực ngã ba Cò Nòi bố trí 5 - 6 đại đội. Hàng ngày phải đối mặt với bom đạn, hy sinh, nhưng các thành viên đều quyết tâm phải phá được bom để khôi phục mặt đường trong thời gian sớm nhất. Cả “đại quân” chỉ với xà beng, cuốc, xẻng, xe cút kít, đòn gánh, tấm đan... cùng lao động dũng cảm. Cứ địch thả bom xong, TNXP lại vào rà phá, làm đường, thường chỉ 5 - 6 tiếng là khôi phục cơ bản để xe đi lại.

Tháng 3.1954 là thời điểm quân Pháp đánh phá ác liệt nhất cũng là lúc bắt đầu vào mùa mưa, các con đường đều ngập ngụa bùn lầy, nên việc lấp hố bom rất khó khăn. TNXP phải lấy đất khô từ xa chuyển về. Dù gian khổ, hiểm nguy nhưng TNXP vẫn luôn làm việc hối hả bằng sự đoàn kết, tương trợ nhau vượt khó với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì chiến thắng. Có lẽ đây là những ngày hào hùng mà bi tráng nhất của ông Năng và lực lượng TNXP. Khi Chiến dịch Trần Đình (Chiến dịch Điện Biên Phủ) thắng lợi, ông Năng và Đội TNXP 34, 40 tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ khôi phục cầu đường. Thời gian sau thì hành quân đi Lai Châu làm đường lên biên giới Ma Lù Thàng trong thời gian 3 năm...

Thôi thúc trở về

Có lẽ vậy, mà ngay sau ngày trở lại Điện Biên, dù đã thấm mệt, nhưng ông Năng vẫn cùng người cháu đón xe lên thăm đồng đội đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TNXP xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Chính nơi đây cũng là “nhà” của gần 100 TNXP đã hy sinh để mở đường biên giới.

Ông Nguyễn Tiến Năng (hàng thứ 2) cùng các cựu TNXP Việt Nam, dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1
Ông Nguyễn Tiến Năng (hàng thứ 2) cùng các cựu TNXP Việt Nam, dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1

Chia sẻ với phóng viên, cựu TNXP Nguyễn Tiến Năng cho biết: “Với tôi, trở về Sơn La, Điện Biên, Lai Châu như về nhà của mình. Bao nhiêu anh em, đồng đội của tôi đã ngã xuống vì mảnh đất này. Tôi còn sống, còn có thể đi được thì về thăm họ”.

Trước khi chia tay, người cựu TNXP ấy vẫn bày tỏ niềm trăn trở khi hàng trăm đồng đội của mình đã ngã xuống, gửi thân mình lại dải đất Sơn La, Điện Biên, Lai Châu góp sức làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vang dội, đánh đuổi giặc xâm lược, góp công mở đường làm đổi thay đời sống bà con đồng bào các dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ông Năng cũng bày tỏ mong thế hệ sau hiểu về lịch sử và mãi ghi nhớ công lao của họ. Bao nhiêu đồng đội hy sinh không tìm thấy hài cốt, nhiều phần mộ không xác định được danh tính, mong rằng tại Ngã ba Cò Nòi làm bia khắc tên những TNXP đã nằm lại nơi này. Tại đèo Pha Đin hoặc ngã ba Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) cũng có bia nhắc nhớ sự kiện lịch sử, công lao của các TNXP...

Bài và ảnh: THÙY BIÊN