Hiểu thêm về nhạc và văn trong tín ngưỡng thờ Mẫu

- Chủ Nhật, 05/05/2024, 14:05 - Chia sẻ

Ngày 4.5 đã diễn ra tọa đàm ra mắt sách “Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn” của nhà nghiên cứu âm nhạc Lê Y Linh.

Hiểu thêm về nhạc văn trong tín ngưỡng thờ Mẫu -0
Tác giả Lê Y Linh và khách mời tại tọa đàm ra mắt sách sáng 4.5

Chia sẻ tại tọa đàm, tác giả cho biết, trăm năm có thể hiểu là trong vòng một thế kỷ, thế kỷ XX, ở đây giới hạn là năm 1990. “Cái sự trăm năm ấy cũng không phải tình cờ, mà nó được dựa trên những quan sát khoa học, những tài liệu tìm được, những kỳ điền dã bền bỉ, những năm dài đi theo đạo, theo lễ. Là trăm năm để hiểu được ngọn ngành, để biết văn cổ các cụ hát như thế nào, để hiểu tại sao qua bao năm chiến tranh khó khăn mà nghi lễ vẫn còn kiên cường tồn tại...”, Lê Y Linh giải thích.

Tác giả đã dành gần 40 năm gặp gỡ, đàm đạo, trao đổi với nhiều đồng nghiệp, giáo sư, nhà nghiên cứu, đệ tử, cung văn… để hiểu về gia tài nhạc, văn và lễ tứ phủ được tiền nhân để lại. Đặc biệt từ phân tích âm nhạc, tác giả đã góp phần giải mã về phương pháp cấu trúc diễn biến của nghi lễ, quy chiếu sang hệ thống tứ phủ và văn, từ quy trình kiến tạo điện thần tới ngôn từ nhà đạo, từ cách hát, cách nhịp đến cấu trúc âm nhạc và nghi lễ của một buổi hầu.

Hiểu thêm về nhạc văn trong tín ngưỡng thờ Mẫu -0
Cuốn sách “Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn” do NXB Hội Nhà văn liên kết với Tri thức Trẻ Books ấn hành

Cuốn sách gồm hơn 800 trang chia thành hai phần. Trong đó, ở phần một, tác giả đào sâu về ngôn ngữ âm nhạc và cấu trúc thực hành hầu bóng. Phần hai, tác giả cùng cộng sự sưu tầm và công bố di cảo gần 200 bản văn cổ của nghệ nhân Phạm Văn Kiêm. Phần di cảo này đã được nhà sưu tầm văn cổ Ngô Nhật Tăng tổ chức chú giải chi tiết, với sự hỗ trợ chuyên môn của hai nhà Hán Nôm học Lê Phương Duy và Kim Trung Linh (Bùi Quốc Linh).

Ngoài ra, các bản văn của nghệ nhân Phạm Văn Kiêm còn được đối chiếu với những bản văn cổ xuất bản bằng chữ quốc ngữ vào đầu thế kỷ XX, một giai đoạn then chốt trong sự biến thân của thực hành tín ngưỡng.

Trong sách có những hình ảnh các học trò của nghệ nhân Phạm Văn Kiêm vẽ trong những tập chép văn của thầy từ những năm 1970 và tranh dân gian Hàng Trống về đạo thờ Tứ phủ từ đầu thế kỷ XX.

Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn đã bao gồm những cuốn cổ văn, cảo thơm các cụ để lại, giúp lớp người sau hiểu hơn giá trị những cuốn văn thầy Kiêm trao gửi, những bài văn hầu được thu âm trong nghi lễ. Trăm năm trong cõi hát văn và hầu bóng ấy để trước đèn lần giở ngược cảo thơm một thế kỷ về trước. Và khi tìm được những cuốn văn cổ, phân tích các bản văn hầu, nghe văn thờ, so sánh giữa các nguồn, các bài... thì mới thật sự hiểu được", tác giả cho hay.

Tại tọa đàm, tác giả Lê Y Linh và các diễn giả cũng chia sẻ, bàn luận về vai trò của nhạc và văn trong tín ngưỡng hầu bóng, giá trị di sản sưu tập của nghệ nhân Phạm Văn Kiêm đang được kết nối với những người thực hành tín ngưỡng giai đoạn hiện nay... 

H.Sen
#