Giới trong điện ảnh Hoa ngữ và văn hóa đại chúng Nhật Bản

- Thứ Năm, 07/03/2024, 18:30 - Chia sẻ

Buổi nói chuyện tháng Ba của dự án “Người trẻ và giới” tập trung vào vai trò của phụ nữ với tư cách vừa là người kiến tạo, vừa là đối tượng bị/được kiến tạo trong điện ảnh Hoa ngữ và văn hóa đại chúng Nhật Bản.

Chương trình do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Japan Foundation và Nam Thi House tổ chức, vào 9h ngày 9.3, tại Nam Thi House, số 152 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P. Bến Nghé, Q1, TP. Hồ Chí Minh. Các diễn giả khách mời tham dự chương trình gồm TS. Alisa Freedman (Trường ĐH Oregon) và TS. Phan Thu Vân (Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh). Điều phối là TS. Nguyễn Thị Minh (Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh).

Giới trong điện ảnh Hoa ngữ và văn hóa đại chúng Nhật Bản -1

Căn tính là một khái niệm (bị/được) kiến tạo trong xã hội thông qua nhiều yếu tố như tuổi tác, tình trạng kinh tế, sở thích cá nhân, và đặc biệt là giới. Phụ nữ trong xã hội của các nước Á Đông vốn đã chịu nhiều ảnh hưởng bởi tư tưởng phụ quyền và Khổng giáo, bắt đầu từ thời kỳ phong kiến. Trong xã hội hiện đại, họ sẽ phải giành lại quyền kiến tạo bản thân, kiến tạo văn hóa, đồng thời chịu sự kiến tạo của góc nhìn nam giới ra sao? Điện ảnh và văn hóa đại chúng với tư cách là các lĩnh vực của sáng tạo văn hóa thể hiện những điều này như thế nào? 

Thông qua buổi trò chuyện, giao lưu, diễn giả sẽ giúp người tham dự tìm hiểu các cách miêu tả, trình hiện giới trong điện ảnh và văn hóa đại chúng ở một số nước Đông Á (Nhật Bản, Trung Quốc), cũng như cách thức phụ nữ tham gia vào các tiến trình này. Từ đó, khán giả có thể tìm về thực tiễn xã hội Việt Nam để có cách ứng xử và hành động phù hợp, giúp trao quyền cho phụ nữ, xây dựng xã hội bình đẳng hơn.

Tại chương trình, TS. Alisa Freedman từ Trường ĐH Oregon, học giả Fulbright sẽ trình bày về những phụ nữ quyền lực đã vượt qua trở ngại góp phần tạo nên những hình thức văn hóa đại chúng nổi tiếng nhất tại Nhật Bản. Tác giả sẽ cho thấy phụ nữ Nhật đã đối mặt với những lựa chọn khác nhau như thế nào trong công việc và gia đình cũng như khả năng tiếp cận giáo dục và việc làm so với người thuộc những giới tính khác - mà khó khăn của họ xuất phát từ luật pháp, tập quán xã hội, phương thức kinh doanh và nhiều yếu tố khác.

TS. Phan Thu Vân sẽ nói về đề tài “Nhân vật nữ trong các tác phẩm điện ảnh Hoa ngữ của đạo diễn Lý An từ góc nhìn nghiên cứu giới”. Hơn 30 năm trong nghề, đạo diễn Lý An đã đạo diễn 14 phim điện ảnh, trong đó có 5 phim Hoa ngữ là Thôi thủ (Pushing hands) (1991), Hỷ yến (The Wedding Banquet) (1993), Ẩm thực nam nữ (Eat Drink Man Woman) (1994), Ngọa hổ tàng long (Crouching Tiger, Hidden Dragon) (2000), và Sắc, giới (Lust, Caution) (2007).

Hầu hết phim của Lý An đều khắc họa những nhân vật nữ Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan đậm tính sâu sắc và độc đáo. Diễn giả sẽ tập trung phân tích các nhân vật nữ này, để thấy được nhận thức về giới của đạo diễn Lý An và những thử nghiệm của ông trong xây dựng hình tượng nữ.

Chuỗi sự kiện booktour “Người trẻ và giới” do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phối hợp với các đơn vị trường ĐH và THPT trên cả nước, bao gồm nhiều hoạt động đa dạng, như bài giảng công cộng, bàn tròn thảo luận và không gian tương tác giữa học sinh, sinh viên với chuyên gia về các vấn đề giới và nữ quyền. Khán giả sẽ được nói lên trăn trở, băn khoăn về bản thân, gia đình và xã hội để tất cả cùng nhau tìm ra câu trả lời. Ngoài ra, chuỗi chương trình mong muốn góp phần thúc đẩy sự trao đổi và thực hành về bình đẳng giới, ủng hộ văn hóa đọc trong người trẻ cũng như độc giả trên toàn quốc.

Hà Hương
#