Gìn giữ văn hóa dân gian của người Bru-Vân Kiều trên dãy Trường Sơn

- Thứ Hai, 08/04/2024, 19:20 - Chia sẻ

Ở huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) thời gian qua, có một câu lạc bộ tập hợp nhiều thế hệ người Bru-Vân Kiều cùng nhau gìn giữ và trao truyền hồn cốt của dân tộc mình cho đời sau.

Không để văn hóa truyền thống người Bru-Vân Kiều mai một

Tại huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), người dân vẫn thường lui đến hoặc được nghe về những câu ca, làn điệu và nghi thức truyền thống tại không gian sinh hoạt văn hóa ý nghĩa, nơi quy tụ cao niên, trung niên và cả những người trẻ. Đó là Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Bru-Vân Kiều xã Trường Xuân.

Được thành lập từ năm 2019, trải qua 5 năm hoạt động, CLB là kết quả cho nỗ lực kết nối, duy trì văn hóa của Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình, cũng như UBND xã Trường Xuân. CLB được xây dựng và phát triển nhằm mục tiêu phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống cho dân tộc Bru-Vân Kiều tại địa phương.

Gìn giữ văn hóa dân gian dân tộc Bru-Vân Kiều trên dãy Trường Sơn  -0
Không gian sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Bru-Vân Kiều tại xã Trường Xuân

Đặc biệt, theo Phó Chủ nhiệm CLB Hồ Nam, cơ cấu của không gian sinh hoạt văn hóa hướng đến việc hài hòa giữa các độ tuổi, bao gồm cao niên, trung niên và thanh niên, nhằm bảo đảm tính kế thừa và phát triển giữa lớp lớp các thế hệ.

Trong thời gian vừa qua, CLB sinh hoạt đều đặn vào mỗi 2 tháng, nhằm đánh giá quá trình hoạt động, đồng thời ôn lại các tiết mục biểu diễn văn hóa, văn nghệ dân gian. Tại đây, các thành viên cùng ôn lại và thực hiện nghi lễ trong các lễ hội, lễ cúng; tập luyện những làn điệu dân ca; cách chơi nhạc cụ truyền thống... CLB sẽ không chỉ là nơi để cộng đồng lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống, mà cũng để làm giàu thêm tình yêu với văn hóa, văn nghệ dân gian, giúp các thế hệ sau hiểu và tự hào về những giá trị được truyền giữ qua nhiều đời.

Phó Chủ nhiệm CLB Hồ Nam cho biết, các buổi sinh hoạt mỗi tháng đều mang đến không khí sôi nổi, đậm chất văn hóa cùng giá trị sâu sắc, thu hút cả những người trẻ trên địa bàn đến với nơi sinh hoạt văn hóa lành mạnh.

Được biết, ngoài sinh hoạt văn hóa, văn nghệ thường kỳ, các thành viên CLB còn tham gia biểu diễn tại lễ hội mừng cơm mới và lễ hội lấp lỗ, là nghi lễ của người dân trước khi vào mùa cày cấy. Bên cạnh đó, CLB còn tham gia nhiều sự kiện khác trong và ngoài xã, góp phần lưu giữ và vang danh giá trị truyền thống trên khắp địa phương.

Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

Người Bru-Vân Kiều là một trong nhiều dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Người dân vốn coi thần lúa là vị thần quan trọng nhất. Từ đó, xoay quanh các công đoạn cày cấy khi vào mùa, người Bru-Vân Kiều sẽ có nhiều nghi lễ cúng mùa vụ, như lễ trỉa lúa, lễ mừng cơm mới, lễ lấp lỗ,… Các giá trị văn hóa dân gian theo cuộc sống đời thường nhờ vậy mà thêm nhiều màu sắc và thêm phần ý nghĩa, thể hiện sự biết ơn của dân tộc Bru-Vân Kiều với trời đất, thần linh đã ban cho đồng bào mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Gìn giữ văn hóa dân gian dân tộc Bru-Vân Kiều trên dãy Trường Sơn  -0
Trình diễn lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều tại Bảo tàng tỉnh Quảng Bình

Việc thành lập nên CLB để duy trì những nét đẹp văn hóa, văn nghệ dân gian của đồng bào là nỗ lực lớn của các cấp, các ngành và địa phương, cũng như những người có tâm huyết với giá trị truyền thống. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển những giá trị ấy trong thời đại ngày nay cũng không tránh khỏi nhiều khó khăn.

Theo anh Hồ Nam, cản trở lớn nhất của CLB là kinh phí hoạt động: “Chúng tôi cũng mong có thêm sự động viên, khích lệ để bà con phấn khởi khi bỏ lỡ công việc tăng gia sản xuất, đến sinh hoạt tại CLB”. Bên cạnh đó, việc trang bị thêm các nhạc cụ mới, phục vụ tập luyện và biểu diễn cũng là nhu cầu chính đáng để hoạt động văn hóa, văn nghệ có thêm những gam màu mới.

Trong quá trình duy trì cộng đồng, những người đứng đầu CLB cũng gặp không ít khó khăn khi phát triển số lượng. “Các thành viên CLB kỳ vọng sẽ được tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các mô hình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian khác trên địa bàn tỉnh”, anh Hồ Nam cho biết.

Với mong muốn như vậy, từ nguồn kinh phí dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ 2021 - 2025, UBND xã đã mua sắm một số đạo cụ, trang phục cho các mô hình văn hóa, văn nghệ, để địa phương có thêm nhiều lớp tập huấn truyền dạy giá trị truyền thống cho thế hệ sau.

Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân Võ Thành Đồng cho biết, địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ CLB duy trì hoạt động và biểu diễn. Bên cạnh CLB, năm 2023, xã đã có quyết định thành lập Đội văn nghệ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn xã.

“Chúng tôi cũng kỳ vọng các giá trị văn hóa được bảo tồn, truyền dạy cho các thế hệ mai sau. Bởi những nghệ nhân đã lớn tuổi, không còn nhiều thời gian để nối giữ trọn vẹn các giá trị nhiều đời”, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân nhấn mạnh. 

Khánh Trinh
#