Festival Huế 2024 - Hành trình văn hóa hội nhập và phát triển

- Thứ Năm, 09/05/2024, 18:05 - Chia sẻ

Dấu ấn của Festival Huế 2024 không chỉ tôn vinh di sản văn hóa Huế mà còn là bức tranh đa sắc mở ra hành trình hội nhập quốc tế, khẳng định vị thế của Huế trên bản đồ văn hóa thế giới.

Xứng tầm bản sắc

“Chúng tôi xem Festival Huế là món quà và cũng là sản phẩm du lịch, qua đó tạo thương hiệu cho Huế. Trong nỗ lực phấn đấu trở thành Thành phố Festival mang tầm quốc gia và quốc tế đặc trưng của Việt Nam, Festival Huế 2024 tiếp tục mang tới những hoạt động văn hóa đặc sắc, hấp dẫn bởi tính truyền thống, ấn tượng và nhân văn”. Đây là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương tại họp báo quốc tế Festival Huế 2024, chiều 9.5, tại Hà Nội.

Festival Huế 2024 - Hành trình văn hóa hội nhập và phát triển -0
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu tại họp báo quốc tế Festival Huế 2024 chiều 9.5, tại Hà Nội. Ảnh: Quốc Anh

Với chủ đề Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Festival Huế 2024 kế thừa thành quả của các kỳ festival trước. Chuỗi lễ hội theo định hướng bốn mùa được tổ chức trải dài trong năm, bao gồm các lễ hội truyền thống từ cung đình, dân gian, tôn giáo đến nghệ thuật đương đại, hướng đến sự tham gia của cộng đồng, nhân dân và du khách.

Điểm nhấn của Festival Huế 2024 là Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế, diễn ra từ 7 - 12.6. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, điều mới lạ trong Tuần lễ này là tập trung khai thác, sử dụng hiệu quả các công trình, kiến trúc trong Đại nội Huế.

Như không gian Điện Kiến Trung, vừa được trùng tu với vẻ đẹp tuyệt mỹ từ kiến trúc, cảnh quan và trang trí, là sân khấu chính của các chương trình nghệ thuật khai mạc, chương trình âm nhạc "Đối thoại Trịnh Công Sơn - Tình yêu tìm thấy”, chương trình nghệ thuật khép lại Tuần lễ…

Hay lễ hội ánh sáng với công nghệ 3D Mapping trên nền tảng chất liệu di sản của Thái Bình Lâu và vườn Thiêu Phương nhằm tạo ra không gian đa chiều, giàu tính trải nghiệm…

“Đặc biệt, Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vừa ghi danh “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” trong danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngày 8.5). Đây là bước quan trọng trong bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa Huế nói riêng di sản văn hóa Việt Nam nói chung, đồng thời góp phần đưa Huế ngày càng xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của Việt Nam. Đây cũng chính là một dấu ấn nổi bật trước thềm Festival Huế, góp phần khẳng định giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế”, ông Nguyễn Văn Phương nói.

Giao thoa văn hóa Việt Nam và thế giới

Khai thác di sản văn hóa Huế, đặt di sản văn hóa Huế trong mối tương quan, cộng hưởng với di sản, văn hóa của các vùng miền và của quốc gia trên thế giới cũng là điều Festival Huế 2024 hướng tới.

Festival Huế 2024 - Hành trình văn hóa hội nhập và phát triển -0
Điểm nhấn của Festival Huế 2024 là Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế, diễn ra từ 7 - 12.6

Xuyên suốt Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 là hàng chục chương trình biểu diễn và hoạt động hưởng ứng của 12 đoàn và nhóm nghệ thuật đến từ 7 quốc gia (Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc), nhằm đem đến những trải nghiệm đa sắc màu về văn hóa, nghệ thuật trong tương quan hội nhập, hợp tác quốc tế. Yếu tố quốc tế này chính là một trong những điều làm nên giá trị đặc sắc của Festival Huế suốt những năm qua.

Như lễ hội ánh sáng do Viện Pháp tại Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế tổ chức. Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ: “Kể từ lần hợp tác kỳ lễ hội đầu tiên năm 1999, 24 năm qua, chúng tôi luôn đồng hành cùng UBND Thừa Thiên Huế tôn vinh giá trị di sản văn hóa. Trong Festival Huế năm nay, lễ hội ánh sáng lấy cảm hứng từ chất liệu di sản Huế và công nghệ hiện đại phương Tây được kỳ vọng đưa du khách bước vào một cuộc dạo chơi ảo diệu và đầy chất thơ”.

Với những hoạt động tôn vinh, kết nối di sản, Festival Huế đã mở ra cơ hội ý nghĩa đối với văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam. Nhận định như vậy, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng chỉ ra năm ý nghĩa của Festival Huế. Thứ nhất, đề cao các giá trị di sản, văn hóa, đề cao việc bảo tồn, tôn vinh, phát huy giá trị di sản, thúc đẩy gắn kết vì hòa bình phát triển dân tộc. Thứ hai, tiếp tục tôn vinh văn hóa Huế, nơi hội tụ di sản được UNESCO ghi danh. Thứ ba, Festival Huế không chỉ quảng bá văn hóa Huế mà còn quảng bá, lan tỏa văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc, đa dạng, phong phú. Thứ tư, Festival Huế có ý nghĩa quan trọng tạo ra cơ hội thúc đẩy hợp tác, giao lưu, kết nối văn hóa giữa Việt Nam và thế giới. Thứ năm, Festival Huế là sự kiện thúc đẩy bảo tồn, phát huy giá trị di sản, thúc đẩy du lịch.

“Với những ý nghĩa đó, chúng ta tiếp tục kỳ vọng vào thành công của Festival Huế 2024 đóng góp vào hành trình bảo tồn, tôn vinh và phát triển giá trị văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng tin tưởng.

Thái Minh
#