Đặng Văn Hòa - Tổng đốc đầu tiên của Hà Nội

- Thứ Hai, 10/09/2018, 16:35 - Chia sẻ
Ngày 9.9, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Đặng tộc Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Sử học Việt Nam... tổ chức hội thảo khoa học về Đại thần Đặng Văn Hòa (1791 - 1856), nhằm tôn vinh công lao của vị Tổng đốc Hà Nội đầu tiên.

“Nguyên lão tứ triều” nhà Nguyễn

Cụ Đặng Văn Hòa sinh ngày 25 tháng 6 năm Tân Hợi (1791), quê làng Bác Vọng, huyện Quảng Điền, sau nhập tịch làng Thanh Lương (nay là xã Hương Xuân), huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế. Theo TS. Nguyễn Hữu Tâm, Viện Sử học, trong các văn bia và tư liệu cổ, ông được ghi dưới tên Đặng Văn Thiêm: Đặng Văn Thiêm là con trưởng của Trung phụng Đại phu Đặng Quang Tuấn và Phan Thị Hãn, khi nhỏ có tên là Đặng Văn Hòa, sau này con trai thứ của ông là Đặng Huy Cát (1832 - 1899) lấy Công chúa Tĩnh Hòa, con gái thứ 34 của vua Minh Mệnh, nên đã xin đổi từ Văn Hòa sang Văn Thiêm. Khi Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn bộ Đại Nam thực lục từ Đệ nhị kỷ, quyển XXII thuộc triều Minh Mệnh (1820 - 1840) đến Đệ tứ kỷ quyển XVIII thuộc triều Tự Đức (1848 - 1884) đã có 203 đoạn viết về giai đoạn ông làm quan dưới đời Nguyễn, từ chức Lang trung bộ Binh thăng lên Thiêm sự bộ Binh triều Minh Mệnh năm 1823 đến khi ông qua đời dưới triều Tự Đức vào năm 1856 và được đưa vào thờ tại Đền Hiền Lương năm 1858, đều với tính danh Đặng Văn Thiêm.

Sinh trưởng trong một nếp nhà thi thư, ngay khi còn nhỏ, Đặng Văn Hòa (Đặng Văn Thiêm) đã được phụ thân là Trung phụng Đại phu vốn là một thầy giáo làng, chú tâm bồi dưỡng kiến thức Nho học toàn diện. Thông minh, lại cộng thêm đức tính chăm học, với vốn tri thức đã được trang bị, cho nên ông đã tham gia khoa cử và đỗ đạt khá sớm. Năm Gia Long thứ 12 (1813), tức khi 22 tuổi, ông đỗ Hương cống vào kỳ thi Hương đầu tiên được tổ chức dưới triều Nguyễn. Chức vụ ông được giao sau khi đăng khoa là Tri huyện Hà Đông, Quảng Nam năm 1819.


Toàn cảnh hội thảo

Từ khi làm quan cho đến lúc giã từ dương thế, ông đã có gần 40 năm phụng sự cho 4 đời vua triều Nguyễn từ Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị đến Tự Đức. Ông đã làm quan trên nhiều lĩnh vực, từng đảm nhậm Thượng thư 5 bộ gồm: Binh, Công, Hình, Hộ, Lễ, ba lần tham dự Viện Cơ mật của ba triều vua Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức, Chủ khảo Trường thi Hương Nghệ An, Quan Giám khảo thi Hội, làm Kinh diên giảng quan cho các nhà vua và Thái tử, tham gia xây dựng nhiều công trình kiến trúc lớn ở Hà Nội và Kinh thành Huế, soạn và dựng bia Võ công, Tổng tài Quốc sử quán, Tổng vựng sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, in sách Tứ thư Ngũ kinh, duyệt bộ Thiệu Trị văn quy, sưu tầm thơ dân gian biên soạn sách Nam thổ anh hoa lục…

Ngoài ra, Đặng Văn Hòa cũng là người tham gia chế tạo thuyền máy chạy hơi nước, đạn liên châu, xây dựng pháo đài ở Quảng Nam… Có thể khẳng định trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế nông nghiệp, đê điều, thủy lợi, hình luật, văn hóa, giáo dục…, ông đều hoàn thành chức trách được giao phó. Khi mới ở độ tuổi tam thập, ông đã được triều thần tín nhiệm cử làm Tham hiệp Thanh Hoa, vua Minh Mệnh có nói: “Thiêm thì làm việc được đấy, nhưng vì tuổi còn ít”. Nhưng khi được trao chức, chỉ trong vòng hai năm, ông đã được các sử thần hạ lời khen: “Thiêm ở chức 2 năm, chăn nuôi dạy dỗ dân được phải lẽ, nên thưởng kỷ lục 2 thứ” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Liệt truyện, tập 3, trang 420 - 421). Các vua Thiệu Trị, Tự Đức rất nhiều lần nhận được các bản tâu sớ cùng những biện pháp giải quyết của ông về tình hình xã hội, phương pháp trị nước… và đều châu phê đồng ý.

Duyên nợ với Hà Nội

Trải nhiều trọng chức tại triều đình Nguyễn và các địa phương trong cả nước, đặc biệt Đặng Văn Hòa đã có một thời gian dài 14 năm với hai lần nắm giữ trọng trách Tổng đốc Hà Nội - Ninh Bình, có nhiều cống hiến quan trọng cho vùng đất Kinh đô ngàn năm văn vật của Việt Nam. Theo nhà nghiên cứu Phùng Hoàng Anh, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, từ năm thứ 9 đời Minh Mạng, cụ Đặng Văn Hòa đã có duyện nợ đặc biệt với Hà Nội, lúc bấy giờ còn mang tên Bắc Thành. Ông giữ nhiều chức vụ quan trọng: Tham tri Binh tào và Hộ tào tại Bắc Thành, quyền Tổng trấn Bắc Thành, được cử làm chủ khảo khoa thi hương Mậu Tý (1828) trường Bắc Thành.

Năm 1831, khi vua Minh Mạng phân khu vực hành chính cấp tỉnh, Bắc Thành Thăng Long đổi thành tỉnh Hà Nội, đã bãi bỏ chức Tổng trấn, và bổ nhiệm Đặng Văn Hòa làm Tổng đốc Hà Nội - TS. Đinh Công Vỹ, Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết. Ngay sau khi nhậm chức, ông đã cho vẽ ngay bản đồ Hà Nội, mở rộng đường thiên lý từ Hà Nội đến Phú Xuyên, và dựng trường thi Hà Nội ở khu vực Thư viện Quốc gia ngày nay. Năm 1835, ông được thăng Thái tử Thiếu bảo, hàm Thượng thư bộ Binh, giữ chức Tổng đốc Hà Nội - Ninh Bình, kiêm Hữu đô ngự sử Viện đô sát. Thương dân vất vả, ông xin triều đình bỏ thuế vải, thuế dầu thắp, mở rộng tịch điền... Từ khi thành lập tỉnh Hà Nội, triều đình đã bỏ chức Đê chính, nhưng ông vẫn quan tâm đặc biệt đến đê điều, có kế hoạch giao từng đoạn đê cho các địa phương duy tu bảo vệ.


Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, cụ Đặng Văn Hòa chỉ có nguyên lý căn bản nhất: Vị dân chi kế, mang lại lợi ích cho nhân dân

Tháng 3.1839, cụ Đặng Văn Hòa được triệu về Kinh đô Huế làm Thượng thư bộ Công kiêm phụ trách Viện Hàn lâm, tham gia Viện Cơ mật. Trải qua nhiều cương vị, đến  mùa thu năm 1846, ông tiếp tục được điều ra Bắc, làm Tổng đốc Hà Nội - Ninh Bình... 17 năm gắn bó với miền Bắc, Đặng Văn Hòa được sĩ phu Bắc Hà kính phục, dân chúng kính yêu, ngưỡng mộ. Ngoài ra, ông còn lần lượt làm quan ở Nam Định, Hưng Yên, Bình Định - Phú Yên, Gia Định - Biên Hòa...

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: Cụ Đặng Văn Hòa làm quan bốn triều, đi khắp nơi từ Bắc chí Nam, gánh vác nhiều cương vị khác nhau, và cuối cùng chỉ có nguyên lý căn bản nhất: Vị dân chi kế, mang lại lợi ích cho nhân dân. Để vinh danh cụ, bên cạnh những công trình đã được nghiên cứu, cần tăng cường tổ chức sưu tầm hiện vật, tư liệu, xuất bản, đồng thời kiến nghị đặt tên đường phố Đặng Văn Hòa không chỉ ở Hà Nội mà cả ở những nơi ông đã có đóng góp, để ghi nhớ công lao của ông với nhân dân, đất nước.

Đại thần Đặng Văn Hòa là người có công với nhiều di tích Hà Nội. Năm 1837, ông cho sửa Khuê Văn Các ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Năm 1838, trước cảnh chùa Diên Hựu đổ nát, ông quyên góp tiền thập phương để sửa chữa tiền đường, hành lang tả hữu, gác chuông và tam quan... Ngày ấy, nhà cửa Hà Nội thường làm bằng tre gỗ, ông đã cho sắp xếp lại đường phố. Mỗi khi nhà dân bị cháy, ông cưỡi voi đốc thúc binh lính và cùng dân chữa cháy, lại tổ chức cứu trợ ngay cho các gia đình bị nạn, nghiêm cấm nha lại không được tơ hào đồng tiền bát gạo của dân. Năm 1838, ông xin lập miếu Hỏa thân ba gian ở thôn Yên Nội, huyện Thọ Xương (nay ở 30 phố Hàng Điếu). Tại đây còn bút tích của Đặng Văn Hòa với bốn chữ “Vị dân chi kế”. Hằng năm, tại đền có tổ chức lễ tế Hỏa thần vào mùa xuân và mùa thu. Hằng ngày, tại đền có đánh chuông thờ thần, cũng nhằm nhắc nhở nhân dân đề phòng hỏa hoạn...

Bài và ảnh: Ngọc Phương