Đặc sắc Tết té nước của đồng bào Lào tại Điện Biên

- Chủ Nhật, 14/04/2024, 21:43 - Chia sẻ

Ngày 14.4, tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, đã diễn ra Lễ Bun Huột Nặm (Tết té nước) với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa của người Lào sinh sống ở đây.

z5347917051268_b08eafb381071d60119414dbfb87099a.jpg -1
Bà con thực hiện nghi thức xin nước

Bun Huột Nặm là tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Lào, được cộng đồng bản Na Sang 1 phục dựng và tổ chức từ năm 2015 vào ngày 13 - 15.4 hàng năm. Đây không chỉ là biểu tượng của tinh thần đoàn kết và mừng năm mới, mà còn là lời cầu nguyện của bà con dân tộc Lào cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và sức khỏe dồi dào cho mọi người.

Với nhiều nghi thức, hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, Tết té nước của người Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017.

Tết té nước của đồng bào Lào tại Điện Biên -0
Nghi thức buộc chỉ cổ tay cầu may

Lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô lớn hơn, nằm trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024 và hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Các hoạt động truyền thống như lễ cúng, buộc chỉ cổ tay cầu may, múa lăm vông và các trò chơi dân gian... đã diễn ra sôi nổi, thu hút sự tham gia của cả người dân địa phương cũng như du khách trong và ngoài tỉnh.

Tại lễ hội còn có 21 gian hàng giới thiệu nông sản của Điện Biên; đặc trưng văn hóa dân tộc Lào ở xã Núa Ngam và huyện Điện Biên; sản phẩm thủ công, nông sản của đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Nùng, Thái… trên địa bàn.

Tết té nước của đồng bào Lào tại Điện Biên -1

Tết té nước của đồng bào Lào tại Điện Biên -2
Lễ hội thu hút sự tham gia của cả người dân địa phương và du khách

Việc khôi phục và tổ chức Lễ hội Bun Nuột Hặm hàng năm là một hoạt động trong nỗ lực định hướng phát triển du lịch gắn với văn hóa trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung, huyện Điện Biên nói riêng.

Ông Nông Quang Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội cho biết: “Chúng tôi xác định phát triển du lịch gắn với văn hóa truyền thống. Muốn phát triển du lịch văn hóa thì phải chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, dựa vào đội ngũ nghệ nhân có kinh nghiệm, truyền lại cho các thế hệ sau. Bên cạnh đó, quảng bá, giới thiệu mô hình du lịch gắn với văn hóa bản sắc dân tộc để góp phần phát triển kinh tế, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới”.

Thu Trang
#