Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022: Tạo dựng thương hiệu trong đời sống văn hóa

- Thứ Năm, 01/12/2022, 21:03 - Chia sẻ

Đại diện cho 1.364 thí sinh vào vòng chung khảo trên tổng số hơn 1,2 triệu thí sinh dự thi tại gần 7.800 trường học, cơ sở đào tạo trên cả nước đã có mặt tại Nhà hát Lớn Hà Nội chiều 1.12 trong Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022.

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc: Tạo dựng thương hiệu trong đời sống văn hóa -0
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy và các đại biểu trao giải cho 2 Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022 

Cuộc thi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, là một trong những hoạt động triển khai Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tới dự có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Hoàng Thị Hoa; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ.

Tầm vóc mới, diện mạo mới, không khí mới

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Đoàn Quỳnh Dung, sau 4 lần tổ chức, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc đã trở thành thương hiệu trong đời sống văn hóa, cho hoạt động khuyến đọc, được học sinh, sinh viên trong cả nước hưởng ứng sôi nổi, góp phần lan tỏa tình yêu đọc sách, phát huy trí tưởng tượng, sự sáng tạo và chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm, kế hoạch hành động phát triển văn hóa đọc phù hợp với các lứa tuổi và các đối tượng khác nhau. Năm 2022, cuộc thi hướng người đọc tới việc lựa chọn những cuốn sách tạo động lực thúc đẩy trách nhiệm của mỗi cá nhân với đất nước.

Đây là lần đầu tiên chủ đề “Khát vọng phát triển đất nước” được đưa vào cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc. Đại diện Ban giám khảo cuộc thi, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, chủ đề này mang đến một tầm vóc mới, diện mạo mới, không khí mới cho cuộc thi, và theo đó đã đạt được những kết quả mới đáng trân trọng và tiếp tục là tiền đề cho những hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách kế tiếp.

Thành công của cuộc thi còn thể hiện sự quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội. Nhiều địa phương đã thực sự quan tâm, sáng tạo trong tổ chức và có chính sách động viên, khích lệ thí sinh dự thi. Ý nghĩa hơn cả, cuộc thi đã thực sự trở thành một sân chơi, một diễn đàn để các em chia sẻ về kinh nghiệm đọc sách một cách hiệu quả.

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc: Tạo dựng thương hiệu trong đời sống văn hóa -0
Không gian trưng bày các tác phẩm dự thi 

Bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh, tại cuộc thi, vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc đã được các thí sinh truyền tải đến cộng đồng qua việc giới thiệu những cuốn sách thể hiện sự khát khao được sống đẹp, rèn luyện, cống hiến, xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp và ngày càng phát triển. Các bài dự thi phong phú về thể loại, đa dạng về hình thức thể hiện và sự công phu, nghiêm túc. Nhiều bài dự thi được các em viết tay với nét chữ rất đẹp, trang trí, minh họa đẹp mắt. Một số bài thi sử dụng song ngữ Anh - Việt và ngôn ngữ ký hiệu, nhiều clip có chất lượng nội dung, kĩ thuật, mỹ thuật, tạo hiệu ứng tốt đối với người xem.

Nhiều bài dự thi thể hiện sự xuất sắc trong ý tưởng, cách chọn cuốn sách chia sẻ và thể hiện sức sáng tạo, trí tưởng tượng tuyệt vời của thí sinh, tạo sự bất ngờ cho Ban Giám khảo. Một số mô hình, kế hoạch xây dựng kĩ năng đọc cho cá nhân và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đã được triển khai có hiệu quả trong thực tiễn, bắt đầu từ những việc tưởng chừng như rất nhỏ quanh các em. Lòng nhân ái, vị tha đã được hình thành và nuôi dưỡng từ việc đọc sách. 

Ngoài những kết quả đáng ghi nhận, Ban giám khảo đánh giá cuộc thi còn một số tồn tại cần khắc phục. Đó là một số bài thi chọn sách chưa phù hợp với chủ đề cuộc thi, với lứa tuổi thí sinh. Cần có tính độc lập và ý tưởng cá nhân đối với những cuốn sách được giới thiệu, để tránh đi vào lối mòn, sự quen thuộc ở những cuốn sách đã được giới thiệu nhiều lần. Không nên phụ thuộc vào những tài liệu sẵn có hay quá chú trọng hình thức thể hiện cầu kỳ mà giản lược về nội dung. Một số bài thi vào vòng chung khảo cũng không đồng đều chất lượng ở hai phần thi, dẫn đến kết quả không cao…

Lan tỏa tình yêu sách và khát vọng cống hiến

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc: Tạo dựng thương hiệu trong đời sống văn hóa -0
Trao giải cho các cá nhân Giải A

Vinh dự được nhận 1 trong 2 giải thưởng Đại sứ Văn hóa đọc năm nay, em Nguyễn Thanh Mai, lớp 2A1, Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, Nam Định, hồ hởi cho biết, em bắt đầu đọc sách từ năm vào lớp 1. Tuy nhiên, sách đã đến với em từ rất sớm, khi em chưa biết chữ, chưa biết đọc. Từ chỗ nghe bố mẹ đọc nhiều lần, em dần yêu thích các cuốn sách, đặc biệt là các tập truyện dân gian Việt Nam, truyện khoa học.

Niềm yêu thích sách của Nguyễn Thanh Mai được mẹ em, chị Trần Hải Tú chia sẻ, ngay từ sớm chị đã cho con xem tranh ảnh trong các cuốn sách ảnh phù hợp với độ tuổi. Lâu dần, chị hướng dẫn cho con kể lại các cuốn sách đã được nghe đọc. Mai phát triển nhanh kỹ năng đọc và nói, vì vậy khi mới vào lớp 1, em đã sáng tác được một số tập truyện kể về những bạn nhỏ đáng yêu, ngộ nghĩnh trong cuộc sống; câu truyện em tự tưởng tượng về thế giới xung quanh. Mai đã tự nhận thức được những điều nên làm và ở mức độ nào đó, em đã hiểu hơn vai trò của cá nhân với gia đình, bạn bè và xã hội...

Cũng tiếp xúc với sách từ nhỏ, Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022 Huỳnh Thị Kim Thư, lớp 11B3, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP Mỹ Tho, Tiền Giang, khẳng định học được rất nhiều điều từ sách. "Sách không chỉ bổ ích cho em trong cuộc sống mà giúp em vượt qua nhiều thử thách. Thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, em chọn giới thiệu về cuốn sách "Muôn kiếp nhân sinh" của tác giả Nguyên Phong. Đọc xong cuốn sách, em cảm thấy yêu thương bản thân và cuộc sống xung quanh hơn; mong muốn lan tỏa các cuốn sách hay về triết học, văn hóa, tâm linh... tới bạn bè, để cùng các bạn có ý thức và trách nhiệm hơn trong cuộc sống hiện tại và tương lai".

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc: Tạo dựng thương hiệu trong đời sống văn hóa -0
Trao giải cho các tập thể xuất sắc tại cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022

Đánh giá cao cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Trần Đăng Khoa cho rằng, từ kết quả cuộc thi, có thể thấy sách chính là người thầy cần mẫn, chung thủy, đi với mỗi người suốt đời. Chỉ có sách mới mở ra những chân trời để chúng ta vươn tới. “Thật tuyệt vời khi Bộ Văn hóa, Thể thao va Du lịch tạo ra sân chơi này để hưởng ứng Ngày đọc sách mà Thủ tướng Chính phủ đã chủ trương. Cùng với đó, các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức cũng rất hưởng ứng, tạo cho cuộc thi ngày càng có sức lan tỏa. Tôi nhận thấy sự nhiệt huyết ở các thí sinh có mặt hôm nay, thấy được tình cảm, trách nhiệm, sự tự tin và khả năng truyền cảm hứng của các em khi thể hiện về cuộc thi. Tôi tin rằng, cuộc thi này sẽ là một kỷ niệm đẹp và có ý nghĩa đối với các em"...

Ban tổ chức trao giấy chứng nhận và bằng khen cho 8 giải Nhất, 16 giải Nhì, 52 giải Ba, hơn 200 giải Khuyến khích và giải chuyên đề cho các bài thi xuất sắc nhất; 2 giải thưởng Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022 thuộc về em Nguyễn Thanh Mai, lớp 2A1, Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, Nam Định và em Huỳnh Thị Kim Thư, lớp 11B3, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP Mỹ Tho, Tiền Giang. Ngoài ra, một số Nhà xuất bản và Nhà sách có quà tặng cho các cá nhân và tập thể đạt giải.

Hương Sen
#