Trước thềm hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Cần hệ thống chính sách đồng bộ, rõ ràng và đột phá

- Thứ Năm, 21/12/2023, 06:55 - Chia sẻ

Dù có nhiều tiềm năng, lợi thế và đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận thời gian gần đây, nhưng con đường vươn tầm thương hiệu công nghiệp văn hóa Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, thách thức, cần có hệ thống chính sách đồng bộ, rõ ràng và đột phá.

Thiếu “bột” để “gột” nên hồ

Trong hai thập niên vừa qua, công nghiệp văn hóa được nhìn nhận, đánh giá như là một trong những chiến lược phát triển toàn diện và bền vững ở nhiều quốc gia; không chỉ nhằm khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa, mà còn phát huy bản sắc dân tộc, củng cố “sức mạnh mềm” của mỗi quốc gia; tại Việt Nam, qua triển khai “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, các ngành này đang dần được coi là một động lực, vừa trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế và xã hội, vừa góp phần vào hiệu quả của các can thiệp phát triển.

Theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP, sau 3 năm triển khai Chiến lược, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp doanh thu khoảng 8.081 tỷ USD, tương đương với 3,61% GDP.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, thời gian qua, những thay đổi về thể chế đã tạo sự bứt phá của một số ngành như du lịch văn hóa, điện ảnh, thời trang… trong việc trở thành một ngành kinh tế và tạo nên nhân tố thúc đẩy thị trường văn hóa phát triển. Nhưng đối với một số ngành, việc chuyển đổi từ tài nguyên mềm thông qua lựa chọn các thành tố phù hợp tạo nên chuỗi giá trị sáng tạo, sản xuất sản phẩm và dịch vụ văn hóa có khả năng thu hút, hấp dẫn, lôi cuốn thị trường văn hóa trong và ngoài nước như một dạng chuyển hóa thành công của sức mạnh mềm chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Một tiết mục trong show diễn thực cảnh
Một tiết mục trong show diễn thực cảnh. Nguồn: daidoanket.vn

Thực tế, Việt Nam có quy mô dân số 100 triệu người là thị trường tiêu thụ tiềm năng sản phẩm và dịch vụ văn hóa nội địa, nhưng các khảo sát thực tế cho thấy ngoài khởi sắc về doanh thu điện ảnh, du lịch văn hóa, thời trang, sức tiêu dùng của người Việt đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa vẫn ưu ái hàng “ngoại” nhiều hơn hàng “nội”. Trong khi đó, các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam về cơ bản chất lượng chưa đồng đều, thiếu sự độc đáo, tính ứng dụng chưa cao và hạn chế trong cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa. Điều này khiến cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam chưa thể hiện được năng lực cạnh tranh, thu hút trên thị trường nội địa và quốc tế, chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa ngày càng cao và đa dạng của người dân trong nước.

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn nhận định, các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam xuất hiện khá đầy đủ như mỹ thuật, âm nhạc, thiết kế, điện ảnh, thủ công mỹ nghệ, kiến trúc, thời trang… Tuy nhiên, tất cả đều là những lĩnh vực rất cục bộ, tư duy liên kết, liên ngành còn rất yếu, chưa nói mỗi lĩnh vực sáng tạo còn rất nhiều vấn đề nội tại, ở mức độ phát triển khá thấp, thiếu tư duy chuyên nghiệp liên tục cập nhật với khu vực và thế giới.

“Điều quan trọng và cốt yếu nhất là thiếu sự đầu tư vào văn hóa nói chung cũng như những chuyên ngành sáng tạo nói riêng. Chúng ta đang thiếu “bột” để có thể “gột” nên các món hồ” - nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn nhấn mạnh.

Tạo xung lực mới trong chính sách phát triển

Văn hóa hiện diện ở các cấp độ vô cùng đa dạng. Các nền văn hóa khác nhau sẽ có những cách thức khác nhau nhằm đạt được mục tiêu khác nhau trong chiến lược phát triển văn hóa. Nhưng có mẫu số chung trên bản đồ văn hóa thế giới là những quốc gia chuyển hóa tốt nhất nguồn tài nguyên văn hóa thành sức hấp dẫn, cạnh tranh của các ngành công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với các trụ cột phát triển luôn có tiền đề vững chắc cho sự phát triển và hội nhập quốc tế, đồng thời có khả năng ứng phó hiệu quả trước những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đặt ra trong quá trình phát triển.

Từ những kinh nghiệm quốc tế phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Phương Hòa góp ý: cần có hệ thống giải pháp đồng bộ, toàn diện, đồng thời có tính đột phá nhằm tạo xung lực mới trong chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện đồng bộ thể chế gắn kết chính sách phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo trong tổng thể chính sách phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.

Bên cạnh ban hành các bộ luật mới hoặc sửa đổi, cập nhật các luật trong lĩnh vực văn hóa, để tạo môi trường thuận lợi cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, cần ban hành, sửa đổi và thực thi đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, thuế, công nghệ thông tin và truyền thông… bảo đảm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo cũng được hưởng lợi. Tăng đầu tư cho văn hóa, sử dụng các công cụ tài chính, ưu đãi thuế, thu hút các nguồn lực, xây dựng và mở rộng thị trường văn hóa, tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo.

Cùng ý kiến, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho rằng, điểm mấu chốt trong quá trình triển khai các hoạt động của nền kinh tế sáng tạo và công nghiệp văn hóa là có chính sách rõ ràng để thu hút nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ tham gia, đặc biệt là điều chỉnh công cụ thuế như nhiều nước phát triển đã tiến hành để các dự án từ nhỏ tới lớn có cơ hội được thực hiện. Vấn đề mấu chốt này nhiều lúc chính là điểm nghẽn dẫn tới không thu hút được sự quan tâm mang tính phổ quát của nền kinh tế, cả người sáng tạo và thị trường chưa tìm được tiếng nói chung.

Bên cạnh đó, có các giải pháp chuyên nghiệp hóa trong từng lĩnh vực, từng ngành sáng tạo; hiện đại hóa quy trình kết nối, gắn kết các yếu tố chủ chốt của nền công nghiệp văn hóa, từ con người sáng tạo văn hóa, sản phẩm sáng tạo với hệ thống hỗ trợ từ pháp lý, kỹ thuật công nghệ, không gian tiếp cận, quảng bá truyền thông, tổ chức vận hành. Lấy người sáng tạo, sản phẩm sáng tạo làm trung tâm, đồng thời lấy việc thúc đẩy thưởng thức, tiêu thụ của chính người dân bản địa làm mục tiêu để hành động…

Thảo Nguyên
#