Bảo vệ sự trong sáng của niềm tin, tín ngưỡng, tôn giáo

- Thứ Hai, 15/08/2022, 06:22 - Chia sẻ

Đại diện các tổ chức tôn giáo đều khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời cho rằng khi Nghị định được ban hành, cần phối hợp tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để đông đảo người dân biết, hiểu, tránh vi phạm.

ĐBQH, Thượng tọa THÍCH ĐỨC THIỆN - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Điện Biên:

ĐBQH, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Ảnh: L.Hiển
Ảnh: L.Hiển

Tín ngưỡng, tôn giáo là niềm tin, sự tôn kính. Thực hành niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo là thể hiện đời sống văn hóa, đạo đức xã hội. Để gìn giữ những giá trị tốt đẹp truyền thống văn hóa, giá trị đạo đức, bảo vệ sự trong sáng của niềm tin, tín ngưỡng, tôn giáo thì rất cần có những quy định chi tiết, cụ thể những điều được làm, không được phép làm trong các ứng xử, hành vi nhằm nêu cao giá trị tôn kính, ngoài ý thức tự giác vốn có trong niềm tin tôn giáo.

Trong thực tế xã hội hiện nay xuất hiện nhiều hiện tượng, hành vi, việc làm vi phạm quy định pháp luật, vi phạm quy định của tôn giáo, vi phạm thuần phong mỹ tục, giá trị văn hóa truyền thống liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo như có sự phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; có các phát ngôn, hành động xúc phạm tới niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo, xúc phạm tới hình ảnh của các bậc tôn kính sáng lập tôn giáo; có hiện tượng lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo làm xâm hại đến đạo đức xã hội; vi phạm trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia… Do đó, việc Chính phủ xây dựng ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo là cần thiết.

Có thể khẳng định Ban soạn thảo đã căn cứ vào các quy định pháp luật để cơ bản đề ra các quy định, điều khoản rõ ràng, cụ thể trong xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Các quy định xử phạt chủ yếu mang tính răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Mức xử phạt tiền cơ bản thể hiện điều đó.

Để Nghị định khi ban hành có hiệu quả, hiệu lực thực thi trong đời sống thì trước hết phải phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức tôn giáo tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung của Nghị định để đông đảo người dân được biết, hiểu, tránh các vi phạm. Đồng thời, các cơ quan chức năng phải nghiêm khắc trong xử phạt để nâng cao tính răn đe các hành vi vi phạm xuất hiện, kể cả các hành vi lợi dụng Nghị định để làm sai trái đối với các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

ĐBQH, Linh mục NGUYỄN VĂN RIỄN, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương:

ĐBQH, Linh mục Nguyễn Văn Liễn - Ảnh: Q.Khánh
Ảnh: Q.Khánh

Sau nhiều ngày đọc kỹ, nghiên cứu từng điều, khoản, mục của dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, trước tiên, tôi bày tỏ sự nhất trí cao với sự cần thiết trình Chính phủ dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước.

 Tôi thấy dự thảo Nghị định được chuẩn bị công phu, có trách nhiệm cao, toàn diện, căn cứ vào Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18.11.2016, bám sát các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20.6 .2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13.11.2020. 

Tôi tin tưởng rằng, dự thảo Nghị định nếu được thông qua sẽ góp phần không nhỏ trong việc khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162, tạo cơ sở pháp lý xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm công bằng, đúng quy định pháp luật.

Tuy vậy, một số quy định trong dự thảo Nghị định cần được nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện. Chẳng hạn như Khoản 3, Điều 2, “Công dân, tổ chức Việt Nam thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định này”. Theo tôi, bỏ “có thể” và thêm cụm từ: “và các quy định của nước sở tại” nhằm tránh trường hợp các tổ chức, cá nhân ở ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống phá sinh hoạt tôn giáo trong nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Nếu để “có thể” thì việc lập biên bản vi phạm và xử lý vi phạm không có căn cứ thực hiện.

Hay Mục b, Khoản 1, Điều 32, “Thay đổi người đại diện của nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung khi không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận”, bổ sung từ “chưa hoặc”, thành: “Thay đổi người đại diện của nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung khi chưa hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận”

Mục c, Khoản 1, Điều 32, “Không chấm dứt sinh hoạt tôn giáo tập trung tại địa điểm cũ khi đã có địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung mới”, cần làm rõ “địa điểm cũ” là địa điểm không còn đăng ký sinh hoạt tôn giáo tại đó; hoặc đã bị Nhà nước cấm sinh hoạt tôn giáo tại địa điểm đó.

Khoản 3, Điều 40, “Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tiền, hiện vật đối với hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này”, bổ sung: Đối với các hành vi vi phạm, tùy theo mức độ nghiêm trọng sẽ bị xử lý theo các quy định khác của pháp luật Việt Nam hiện hành…

Anh Minh - Ngọc Phương