Nghệ thuật Việt Nam vươn ra thị trường thế giới

Bài 1: Cần biết mình đang ở đâu

- Thứ Ba, 25/06/2024, 06:20 - Chia sẻ

Những năm gần đây, hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam ngày càng sôi động. Các hoạt động nghệ thuật được tổ chức đều đặn; nghệ sĩ không ngừng sáng tạo, đem tác phẩm tới công chúng. Nhưng làm thế nào đưa nghệ thuật ấy vượt qua biên giới Việt Nam, định vị trên trường quốc tế?

Từ trước đến nay, chúng ta thường xây dựng hình tượng nghệ sĩ làm việc độc lập, tác phẩm hay thì người ta tự tìm đến. Nhưng thực tế, tác phẩm hay đến mấy mà không được đặt đúng chỗ thì cũng không ai biết đến.

Từ định vị bản thân...

Trên hành trình vươn ra khu vực và thế giới, nghệ sĩ Việt Nam cần gì? Đặt câu hỏi như vậy tại tọa đàm “Kỹ năng cho nghệ sĩ khi ra khơi” tổ chức trong chuỗi hoạt động của cuộc thi UOB Painting of the Year 2024, họa sĩ Đặng Xuân Hòa nhấn mạnh: Làm nghệ thuật trước hết phải bằng trái tim và tâm hồn mang tinh thần dấn thân. “Đối với nghệ thuật, chúng ta luôn là những đứa trẻ. Và những trải nghiệm cuộc sống, quan sát xã hội, cảm nhận thiên nhiên luôn là người thầy vĩ đại nhất cho người làm nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng”.

Nhìn lại thế hệ họa sĩ một thời hoạt động nghệ thuật đầy khó khăn, thiếu thốn, việc vẽ chỉ bắt đầu bằng cây bút chì, mẩu than trong điều kiện thời gian sáng tác bó hẹp, nhưng trên hết, họ có bầu nhiệt huyết, sự đắm say dành cho nghệ thuật, từ đó, theo thời gian, dần định hình tên tuổi. Ngày nay, nghệ sĩ có điều kiện sáng tác tốt hơn, dễ dàng lan tỏa tác phẩm trong bối cảnh xã hội ổn định, nền kinh tế có nhiều thành tựu, quan điểm nghệ thuật cởi mở, cùng sự ra đời của nhiều không gian nghệ thuật. Có điều, theo họa sĩ Đặng Xuân Hòa, làm nghệ thuật đến nơi đến chốn, ghi dấu ấn trong lòng công chúng ở thời đại này không đơn giản.

Sự đối thoại giữa các bộ sưu tập, giữa nghệ sĩ trong nước và quốc tế, giữa nghệ thuật và công chúng đòi hỏi nghệ sĩ phải định vị được bản thân. Ảnh: The Outpost
Sự đối thoại giữa các bộ sưu tập, giữa nghệ sĩ trong nước và quốc tế, giữa nghệ thuật và công chúng đòi hỏi nghệ sĩ phải định vị được bản thân. Ảnh: The Outpost

Hiện nay rất nhiều người trẻ tích cực thực hành nghệ thuật ở các lĩnh vực khác nhau. Nhiều người trong số đó hoạt động lặng lẽ, độc lập và có suy nghĩ: “Tôi hay thì họ sẽ tự tìm đến”. Có thể may mắn là một yếu tố giúp thành công khi tác phẩm xuất hiện trúng bối cảnh, song lựa chọn xây dựng câu chuyện nghệ thuật ấy như thế nào phụ thuộc hoàn toàn vào độ nhạy của nghệ sĩ. Theo nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh, mối quan tâm về định vị bản thân và tầm nhìn hướng ra quốc tế buộc nghệ sĩ phải thay đổi suy nghĩ. Bởi lẽ, tác phẩm hay đến mấy mà không được đặt đúng chỗ thì cũng không ai biết đến.

“Nếu bạn cứ vẽ theo hứng mỗi thứ một chút, tôi sẽ không biết bạn là ai, mối quan tâm của bạn là gì. Bạn nên nghiên cứu thật sâu câu chuyện của mình. Những gì mình có trong đầu, có trong tim (mà nhiều nghệ sĩ trẻ bây giờ hay gọi là feeling) hoàn toàn không đủ. Như cá nhân tôi, với mỗi chủ đề triển lãm, tôi sống với nó 2 - 3 năm, 5 - 6 năm, thậm chí nhiều hơn cho tới khi tôi đủ hiểu nó sâu sắc thì mới bắt tay làm triển lãm. Thậm chí làm xong thấy nó thiếu thì tôi lại tiếp tục làm nhiều năm sau đó. Điều quan trọng nhất là sự quan tâm sâu sắc với chủ đề của mình”, nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh chia sẻ.

 ... đến định giá tác phẩm

Trong mối tương quan với lịch sử nghệ thuật nước nhà, nhiều ý kiến nhận định các họa sĩ hiện đại đang đứng trên đôi vai "người khổng lồ" là những tượng đài mỹ thuật Đông Dương. Điều này một mặt giúp mỹ thuật Việt có chỗ đứng nhất định trong khu vực và trên thế giới, song mặt khác cũng đem lại không ít thách thức. Theo họa sĩ Trịnh Minh Tiến, “trong mỹ thuật nói chung, các tác phẩm theo ngôn ngữ đương đại hoặc thực hành đương đại đã có các kết nối với quốc tế, bằng những con đường khác nhau nhưng với hội họa (tranh giá vẽ) thì khó khăn hơn rất nhiều. Khó vì tự thân lịch sử tranh giá vẽ đã có quá nhiều thành tựu, quá nhiều “cây đa cây đề”, để làm mới, được công nhận là không hề dễ dàng”.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ của người giám tuyển, với góc nhìn bao quát qua những nghiên cứu về văn hóa nghệ thuật của Đông Nam Á cũng như của Việt Nam, giám tuyển Ace Lê chỉ ra nhiều thuận lợi cho các họa sĩ Việt Nam hiện đại. “Soi chiếu nghệ thuật trên bề mặt địa lý, Việt Nam là quốc gia nằm giữa trục tung và trục hoành. Trục hoành là nơi mà nội dung sáng tác có nhiều điểm chung với khối đề tài các nước Đông Nam Á, còn trục tung là việc chúng ta có thẩm mỹ chung với các nhóm đồng văn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Cho nên, số lượng nhà sưu tập tác phẩm nghệ thuật hiện đại ngày càng tăng”.

Ace Lê phân tích, họa sĩ đương đại Việt Nam khi sáng tác có thể nhìn vào thành tựu mỹ thuật và nhìn xuống chiều sâu của văn hóa, lịch sử để rút ra sợi chỉ đỏ liên kết, kế thừa những tinh hoa của nó, đồng thời định vị tác phẩm của mình. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại suốt những năm qua khiến nghệ sĩ Việt thường bị phàn nàn khi ra thị trường quốc tế là khung giá. Nhiều họa sĩ Việt đặt mức giá tranh lên tới trăm nghìn USD, dù bản thân chưa được ghi nhận về sự nghiệp. Khi nghệ sĩ ra nước ngoài, các giám tuyển, bảo tàng, nhà sưu tập sẽ tự hỏi đó là ai, tại sao có mức giá cao như thế... Đương nhiên, trong đa số trường hợp, những tác phẩm như vậy sẽ bị bỏ qua và nghệ sĩ vô tình tự đánh mất cơ hội.

Có một thực tế nhiều họa sĩ Việt thường định giá tác phẩm của mình bằng cách xem đồng nghiệp xung quanh bán được bao nhiêu hoặc các họa sĩ khác vẽ chủ đề tương tự như thế nào… Đây là cách đánh giá sai lầm, vì mỗi nghệ sĩ có giá trị nghệ thuật khác nhau. Theo giám tuyển Ace Lê, ở nước ngoài, đa số đánh giá phải dựa trên kinh nghiệm triển lãm của nghệ sĩ đó, cùng với hệ thống báo chí, chuyên gia phân tích về mỹ thuật, các nhà giám tuyển đánh giá. Ở Việt Nam chưa có cơ sở hạ tầng hỗ trợ đầy đủ, nghệ sĩ cần tạo dựng nền tảng, chuyên tâm vào kỹ năng cứng rồi mới nghĩ đến những giá trị xung quanh.

“Con đường nghệ thuật không bao giờ dễ dàng, thành công không đến một sớm một chiều. Muốn sống được bằng nghề phải hiểu rõ cách thị trường vận hành, hiểu rõ hệ sinh thái mà chúng ta tham gia. Như việc xác định khung giá tác phẩm nghệ thuật, một khi đã định giá cao rồi, rất khó để giảm xuống”, giám tuyển Ace Lê nói.

Thái Minh
#