Ba trụ cột của văn hóa doanh nghiệp

- Thứ Hai, 30/10/2023, 19:04 - Chia sẻ

Trong các tác phẩm trước, GS. Phan Văn Trường đã đề cập đến văn hóa doanh nghiệp ở nhiều khía cạnh khác nhau. Trong tác phẩm mới nhất, Cơn lốc quản trị, ông phát triển và đi sâu hơn nữa về chủ đề khá trừu tượng này.

GS. Phan Văn Trường là cố vấn thường trực của Chính phủ Cộng hòa Pháp về thương mại quốc tế từ thập niên 1990; giữ nhiều vị trí quản lý và quản trị của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực kinh doanh, xây dựng, điện lực, giao thông vận tải, lọc nước đô thị và dầu khí (1970 - 2005). Ông là giáo sư giảng dạy Quy hoạch vùng và Kinh tế đô thị, Đại học Paris 1-Panthéton-Sorbonne (1973 - 1975); giảng dạy Quy hoạch vùng và Kinh tế đô thị, Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh từ năm 2006; giảng dạy kỹ năng quản trị và lãnh đạo tại Viện John Von Neumann - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh từ 2014.

Ba trụ cột của văn hóa doanh nghiệp -0
GS. Phan Văn Trường chia sẻ nhân dịp ra mắt "Cơn lốc quản trị"

Vẫn giữ nguyên phong cách tiếp cận dựa trên những câu chuyện từ thực tế trải nghiệm của mình, GS. Phan Văn Trường dẫn dắt độc giả trên con đường tìm hiểu vai trò của văn hóa doanh nghiệp, đồng thời đi sâu giải thích ba phong cách văn hóa mà chính ông đã tiên phong áp dụng cho những doanh nghiệp mình từng tham gia quản trị.

Ba phong cách đó chính là: Văn hóa lãnh đạo: mọi việc đều căn cứ theo “lợi ích tối đa của doanh nghiệp”; văn hóa làm việc: truyền thông toàn diện (hay còn gọi là văn hóa báo cáo kịp thời); văn hóa tự thân cho mỗi nhân viên: ôn hòa và chuyên nghiệp.

Ở mỗi phong cách văn hóa, tác giả đi vào giải thích chi tiết nội hàm và ứng dụng vào thực tế doanh nghiệp, đi kèm với nhiều ví dụ mà chính ông đã trải qua hoặc chứng kiến.

Ba trụ cột của văn hóa doanh nghiệp -0
GS. Phan Văn Trường ký tặng độc giả

Là một nhà quản trị ở nhiều cấp bậc, điểm đặc sắc của GS. Phan Văn Trường là diễn đạt rất dễ hiểu những điều có vẻ mơ hồ trong nghệ thuật quản trị. Ví như cách ông phân biệt quản lýquản trị. “Quản lý là làm tốt nhất có thể việc mà bạn được giao. Quản trị là việc của lãnh đạo, chọn đúng việc, đúng người và đúng thời điểm. Quản lý liên quan đến công việc. Quản trị liên quan đến con người. Những phương pháp quản lý biến đổi không ngừng theo những tiến bộ của công nghệ, của những mô thức lý luận khoa học và kỹ thuật mới. Quản trị thì bất biến, vì con người từ muôn thuở vẫn không thay đổi”.

Sách sẽ giúp người đọc hiểu sâu hơn nữa việc lãnh đạo: Không dụng cụ quản lý nào có khả năng thay thế văn hóa doanh nghiệp. Không quy trình nào mang nhiều quyền lực như văn hóa. nhưng điểm hay là quyền lực từ văn hóa luôn luôn rất nhẹ nhàng, thuần hậu, tự giác và quan trọng hơn hết, bao hàm cả tự quản nữa. Sai quy trình có thể khó lòng phát hiện, nhưng sai văn hóa sẽ hiện rõ mồn một...

GS. Phan Văn Trường khẳng định, doanh nghiệp nào không có văn hóa đồng nhất, hoặc không tin vào tầm quan trọng của văn hóa, hoặc lãnh đạo không có khả năng tạo nên một văn hóa cho doanh nghiệp của họ, sẽ là một tổ chức thiếu sáng tạo, kém nhịp nhàng, phản ứng rất chậm trước các rủi ro, không giữ được nhân sự tốt, không áp dụng tốt những phương pháp quản lý bài bản và những dự báo cần thiết, nhất là về chiến lược. Và tất nhiên, doanh nghiệp đó sẽ thụt lùi trước những đối thủ cạnh tranh tráng kiện và nhân văn hơn.

"Sở dĩ số đông doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta không có được cuộc sống ổn định là vì thiếu hụt mảng văn hóa doanh nghiệp mà họ vô cùng cần thiết. Tương tự, nhiều công cuộc khởi nghiệp do những nhóm trẻ tuổi hăng say cũng vậy: được thành lập trong niềm vui rộn ràng, song lại quên trang bị văn hóa nên rồi cũng chia sẻ cùng chung mẫu số đó. Hễ không tạo được văn hóa thì sớm hay muộn, doanh nghiệp to hay nhỏ sẽ không thể tránh được nhiều vấn đề nan giải và mất thăng bằng. Lý do đơn giản là chỉ văn hóa mới tạo điều kiện cho con người đối xử tử tế và ngay thẳng với con người, và điều này là nền tảng cơ bản cho cuộc sống chung, thiết tưởng không cần phải nhắc lại".

Ba trụ cột của văn hóa doanh nghiệp -0
Tác phẩm mới nhất của GS. Phan Văn Trường về văn hóa doanh nghiệp

Theo GS. Phan Văn Trường, thực hiện “cách mạng” văn hóa doanh nghiệp vừa dễ vừa khó. "Một trong những lý do chính đưa tới thất bại hay thành công là lòng tin giữa người với người. Trên bản chất, doanh nghiệp vốn dĩ phải là nơi gắn bó người với người, nhân sự với nhau, nhân viên với lãnh đạo. Sứ mệnh chung, thách thức chung, việc nào cũng phải chia sẻ, việc nào cũng phải hợp lực cùng làm và cùng đúc kết. Nghe có vẻ dễ, nhưng khi làm thử mới thấy rằng chỉ cần một số ít nhân viên e dè, một số ít nữa hoài nghi, như thế là đủ để cuộc chuyển đổi thất bại".

Ông nhấn mạnh: "Ngày nay mọi việc chỉ có thể đốc thúc qua văn hóa: văn hóa lãnh đạo, văn hóa làm việc, văn hóa truyền thông. Từ đó rất cần lãnh đạo cùng đội ngũ nhân viên thoải mái, tự tin, gắn bó, nắm vững các kỹ năng truyền thông và phương pháp làm việc thông minh và nhân văn. Điều này chẳng hề đơn giản, bởi phong cách, nội lực, trách nhiệm, và lời nói đều là những thứ xa xỉ, trông thì đơn giản nhưng rất khó nắm vững".

Một điểm cộng cho cuốn Cơn lốc quản trị của GS. Phan Văn Trường là dung lượng vừa phải, chỉ gần 250 trang, với nội dung cô đọng, tiện lật để tham khảo. Cấu trúc được phân chia thành tám chương gọn gàng, mà người đọc có thể chọn đọc trước nội dung mình quan tâm. Một quyển sách xứng đáng có trong tủ sách của nhà quản trị.

Các tác phẩm của GS. Phan Văn Trường đã xuất bản gồm: Bộ sách Kết tinh một đời: "Một đời thương thuyết", "Một đời quản trị", "Một đời như kẻ tìm đường"; "Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ". Trong đó tác phẩm "Một đời thương thuyết" từng được vinh danh với Giải thưởng Sách hay năm 2016, hạng mục Sách quản trị.

NXB Trẻ kiên trì theo đuổi dòng sách được viết bởi chuyên gia kinh tế trong nước như GS. Phan Văn Trường, GS. Tôn Thất Nguyễn Thiêm, bà Nguyễn Phi Vân, ông Lý Quý Trung… với mong muốn để doanh nhân và người làm quản lý tại Việt Nam, dù công ty ở quy mô nào cũng sẽ rút ra được ứng dụng cho mình.

Hà Linh Ngọc
#