Văn bia hơn 300 năm tuổi bị bỏ quên

- Thứ Ba, 07/08/2012, 09:00 - Chia sẻ
Chúng tôi từng khảo sát nhiều văn bia thời Lê Trung Hưng nhưng chưa gặp kiểu kiến trúc vừa đẹp vừa lạ và cổ kính như nhà bia Trưởng Công chúa sinh từ tại thôn Phục Lễ, xã Vĩnh Hồng, Bình Giang, Hải Dương.

Cửa chính nhà bia

Trông xa, nhà bia giống như kiến trúc ngôi miếu cổ, mái xây vòm như mộ Hán thế kỷ thứ II tìm được ở xã Ái Quốc, TP Hải Dương, cây cối um tùm trên cả mái vòm. Tường nhà xây gạch dày 114cm, có 5 cửa, gồm: 1 cửa chính và 4 cửa bố trí ở 2 đầu hồi và mé đối diện cửa chính. Cửa chính có kích cỡ: 114cm x 93cm, cao 150cm. 2 cửa ở hai đầu hồi trên lưng chừng tường và 2 cửa đối diện với cửa chính đều có kích cỡ như cửa chính nhưng thấp hơn, chỉ cao gần 120cm. 2 cửa đối diện cửa chính bố trí gần nhau, mỗi cửa có 2 cột đá phiến dẹt đặt song nhau đỡ vòm cửa. Mé trong nhà có kích thước 3.570cm x 2.235cm. Vòm mái và tường bên trong có trát vữa nhưng đã bong tróc gần hết. Mé ngoài tường nhà không còn dấu tích trát vữa nhưng các hàng gạch không có rêu bám. Các cửa không có cánh. Viên gạch xây tường, xây vòm mái thuộc loại gạch đun rơm rạ, có 2 loại kích cỡ: 245cm x 12cm x 5cm, và kích cỡ: 250cm x 12cm x 3,2cm. Chúng tôi chưa tìm được hoa văn trên viên gạch.

Bên trong nhà bia còn lưu giữ 2 tấm bia lớn hình trụ vuông. Sau một thời gian tìm hiểu cấu trúc ngôi nhà, đo chiều rộng, chiều dài, độ cao, xác định loại gạch cổ xây tường, đọc nội dung chính trong văn bia, đo kích thước, chụp ảnh họa tiết hoa văn, kết quả bước đầu cho biết, đây là nhà bia lưu giữ 2 tấm bia cổ. Một tấm bia ghi: Trưởng Công chúa sinh từ (Sinh từ Trưởng Công chúa), năm 1679 (Vĩnh Trị tứ niên). Tác giả bài ký trong văn bia là Tiến sỹ, Đông các Đại học sỹ đệ nhị danh Hồ Sỹ Dương, chức vụ: Tham tụng, Thượng thư Công Bộ, Đông các Đại học sỹ, tước Quận công, quê ở Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Bài ký ghi về Vương phủ đệ nhất cung tần Chiêu nghi họ Vũ, tên húy là Ngọc Huấn, Phật hiệu là Huệ Trưởng Kiên Cố Thượng Đại Bồ Tát. Thông tin về Trưởng Công chúa Trịnh Thị Ngọc Giang, cũng được ghi trong văn bia. Tấm bia thứ 2, Phụng tự chi bi (bia phụng sự việc thờ cúng) nội dung nói về quy chế thờ cúng nhân vật được lập sinh từ. Tấm bia này có niên đại muộn hơn, năm Chính Hòa 17 (1696). Tác giả là Tiến sỹ Lê Phủ, chức Kim tử vinh lộc đại phu, Tham tụng, Thượng thư Hình Bộ tri trung thư giám, tước Lai sơn tử.

Văn bia Phụng tự chi bi là khối đá vuông, hai cạnh 63cm, hai cạnh 65cm. Văn bia cao 175cm, lòng bia có kích cỡ: 47cm x 45cm, chóp bia cao 65cm. Các mặt bia, mái vòm chép chữ Hán Nôm. Bia Trưởng công chúa sinh từ cao hơn 180cm. Nóc bia gồm 4 mái vòm, mỗi mái khắc hình 1 con vật trong bộ tứ linh (long - ly - quy - phượng). Rèm bia, cạnh trán bia chạm hoa 8 cánh đan xen lá cây, hình chim đậu. Hoa văn lưỡng long chầu nhật trên trán bia, hình rồng 5 móng nhưng mảnh mai. Thân bia, bốn mặt khắc chữ Hán Nôm, một số đoạn trên trán bia, rèm bia cũng khắc chữ Hán Nôm.

Theo Từ điển chức quan Việt Nam của Đỗ Văn Ninh, NXB Thanh niên - 2002, chức Chiêu nghi là trọng quan trong triều, bậc lương Chiêu nghi chỉ đứng sau Tham tụng (Tể tướng), cha được phong tặng tước Quận công. Vị thế và công lao của người được lập sinh từ phải như thế nào mới được 2 người đều có học vị Tiến sỹ Nho học, có chức vụ, phẩm hàm thuộc hàng quan đại thần đương triều viết (soạn) văn bia vào 2 thời điểm cách nhau 17 năm. Những thông tin trên, theo quy định trong Luật Di sản văn hóa, đã hội tụ tiêu chuẩn của một di tích lịch sử văn hóa. Văn bia cần được nghiên cứu, khẳng định giá trị bởi ở Hải Dương mới biết đến 3 trường hợp được lập sinh từ, gồm Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn thuộc đời Trần, hiện là vị chủ thần tại đền Kiếp Bạc; Thiếu úy, Thái bảo, Quận công Đinh Văn Tả ở Hàm Giang (Hàn Giang) TP Hải Dương; và Vương phủ đệ nhất cung tần Chiêu nghi họ Vũ ở thôn Phục Lễ, xã Vĩnh Hồng, Bình Giang.

Do thời gian tồn tại đã 333 năm, chịu những biến cố của lịch sử, cộng với tác động của chiến tranh và thời tiết khắc nghiệt, nhà bia và văn bia đã xuống cấp. Nhà bia, văn bia mới chỉ được dòng họ Vũ quan tâm; chính quyền và người dân hầu như chưa để ý đến di tích lịch sử - văn hóa này. Bảo tàng tỉnh Hải Dương có đưa di tích này vào danh sách kiểm kê cổ vật nhưng lại ghi về người được thờ là Vũ Thái Phi chứ không phải Vũ Ngọc Huấn. Nhà bia trước kia nằm trên đất canh tác, có đường vào, nay phải trèo tường hoặc đi nhờ lối nhà ông Nguyễn Văn Thạch, men theo bờ ao đoạn khá dài. Nền móng nhà bia chỉ cách mép nước ao cá chừng hơn 1m, có nguy cơ lún nứt, lâu dài có thể bị đổ.

Để nhà bia, văn bia Trưởng Công chúa sinh từ không tiếp tục bị quên lãng, thiết nghĩ, cấp ủy và chính quyền các cấp, cơ quan có thẩm quyền về di sản văn hóa cần có phương án: trước mắt bảo vệ, tiếp đến là bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Đặng Văn Lộc