Trao đổi văn hóa Việt Nam - Anh
Đêm diễn là thành quả của quá trình hợp tác nghệ thuật giữa nghệ sĩ Trang Trịnh và nhóm nghệ sĩ Epiphany trong hai năm 2016 - 2018. Epiphany gồm các nghệ sĩ chuyên nghiệp đến từ các dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng tại châu Âu như Chamber Orchestra of Europe, Hallé, Manchester Camerata, BBC Philharmonic, CBSO, Northern Sinfonia... Thành lập từ 2006, nhóm có thế mạnh biểu diễn các sự kiện âm nhạc sáng tạo chú trọng vào tương tác ngẫu hứng và sự đổi mới trong âm nhạc. Âm nhạc của Epiphany mang phong cách đa dạng - từ âm nhạc chính thống trong các buổi hòa nhạc cổ điển đến những sự kiện âm nhạc hoàn toàn ngẫu hứng và nhiều tính thể nghiệm. Bên cạnh biểu diễn tại các địa điểm hòa nhạc cố định, Epiphany còn đưa âm nhạc ra khỏi khán phòng và mang đến cộng đồng, kể cả trong những không gian thường được coi là không phổ biến hay phù hợp để biểu diễn âm nhạc.
Tại họp báo sáng 1.11, nghệ sĩ Richard Williamson chia sẻ: "Lần đầu tiên biểu diễn tại Hà Nội, các thành viên của nhóm nhạc sẽ chơi 8 nhạc cụ, nhưng âm thanh tạo ra vô cùng phong phú. Khán giả không chỉ nghe âm thanh, mà thực sự phải đặt trái tim, tâm hồn để nghe sự chuyển đổi âm thanh nhờ sự hòa âm phối khí của 8 nhạc cụ đó. Chúng tôi tin tưởng âm nhạc không chỉ đến từ những điều thực tế trong hàng ngày, mà còn nhiều hơn thế, âm nhạc đến từ trái tim và tâm hồn. Buổi hòa nhạc là sự trao đổi văn hóa tuyệt vời, vì nghệ sĩ Trang Trịnh có thời gian dài sống và làm việc tại Anh và nay chúng tôi có dịp mang âm nhạc đến Việt Nam".
Toàn cảnh họp báo |
Trong phần một của hòa nhạc, thông qua tác phẩm của những nhạc sĩ bậc thầy Bach, Mozart hay Rachmaninoff cùng lối dẫn dắt chương trình sáng tạo, các nghệ sĩ sẽ đưa khán giả đến với câu chuyện về những khoảnh khắc trong trẻo đầy cảm xúc: Một đêm trăng, một điệu nhảy, một nỗi buồn... - những điều mà đôi khi trong cuộc sống bận rộn hàng ngày ta có thể vô tình lãng quên. Đặc biệt, một sáng tác lấy cảm hứng từ làn điệu dân gian Việt Nam “Bèo dạt mây trôi” và “Trống cơm” của nhạc sĩ Peter Richards - được sáng tác riêng cho nghệ sĩ Trang Trịnh và Epiphany cũng sẽ lần đầu tiên được công diễn. Ông Peter Richards cho biết, “trước đó, tôi không biết nhiều về âm nhạc dân gian Việt Nam, và tôi đã phải nghe rất nhiều qua Youtube. Tác phẩm đặc biệt và ấn tượng là "Bèo dạt mây trôi", và "Trống cơm", và tôi mang suy nghĩ, góc nhìn của mình về âm nhạc dân gian Việt Nam trong tác phẩm mới là "Qua tầng mây trôi". Hy vọng, chúng tôi có thể sáng tác nhiều tác phẩm thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và Anh".
Các nghệ sĩ trình diễn vẽ chân dung bằng âm nhạc |
Hòa hợp cùng âm nhạc
Hòa nhạc “Trong” còn là mốc kỷ niệm 5 năm của dự án Dàn hợp xướng & Giao hưởng Kỳ diệu, dự án giáo dục âm nhạc miễn phí sau giờ học cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, do vợ chồng chỉ huy Park Sung Min và nghệ sĩ piano Trang Trịnh thành lập năm 2013. Cách đây 5 năm, những tiết học âm nhạc đầu tiên dành cho các bé tại Làng trẻ em SOS Hà Nội và Làng trẻ em Birla đã được bắt đầu. Với tôn chỉ “thay đổi cuộc sống qua âm nhạc”, dự án hướng tới xây dựng giá trị sống tốt đẹp cho các em nhỏ thông qua tập luyện âm nhạc nghiêm túc. Các em nhỏ đã tham gia nhiều chương trình biểu diễn và xuất hiện trong single "Human Kind" (Universal Music) cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi thế giới vào năm 2017 và nhiều buổi biểu diễn khác.
Trong suốt khoảng thời gian ấy, không chỉ dừng ở những bài học, buổi biểu diễn, các em đã có âm nhạc như một người bạn và có cả khoảnh khắc trong veo vô giá, như niềm vui, tình yêu - điều sẽ nuôi dưỡng sự sung túc trong tâm hồn các em. Nghệ sĩ opera Park Sung Min, chỉ huy và giám đốc điều hành của Dàn hợp xướng và Giao hưởng Kỳ diệu cho rằng: "Âm nhạc có sức mạnh mang mọi người tới gần nhau hơn, từ sự hòa hợp, niềm tin và hy vọng; chính niềm tin và hy vọng ấy có khả năng thay đổi cuộc sống của mọi người. Từ chỗ có 15 em, đến nay Dàn hợp xướng và giao hưởng ngày càng lớn mạnh, không chỉ có lớp hát hợp xướng, mà còn có các lớp dạy nhạc cụ: piano, guitar, bộ gõ...".
Poster chương trình |
Các em nhỏ sẽ tham gia biểu diễn các tiết mục hợp xướng trong phần hai của chương trình. Ban tổ chức hy vọng, khi được đứng trên sân khấu của Nhà hát Lớn Hà Nội, các em nhỏ sẽ trao tặng niềm vui, sự trong trẻo đến mọi người. "Hòa nhạc là cơ hội để chúng ta dừng các công việc hàng ngày bên ngoài, bước ra khỏi cuộc sống để hướng vào bên trong, chăm chút cho vườn hoa nội tâm" - nghệ sĩ Trang Trịnh chia sẻ. Toàn bộ lợi nhuận sẽ được dùng để đóng góp chi phí hoạt động cho Dàn hợp xướng & Giao hưởng Kỳ diệu.
Đến Việt Nam, nhóm nhạc Epiphany sẽ biểu diễn một hình thức nghệ thuật mới lạ - “Vẽ chân dung bằng âm nhạc” (Sound Portrait) - dành tặng khán giả ngay sau chương trình. Ông Richard Williamson cho biết: "Vài năm qua, Epiphany phát triển hình thức nghệ thuật mới này. Họa sĩ vẽ chân dung với giấy, bút và màu, nhưng chúng tôi tin âm nhạc cũng có thể làm điều tương tự. Các nhân vật ngồi trước mặt của nghệ sĩ, và nghệ sĩ sẽ chơi giai điệu thể hiện sự cảm nhận về cá tính và có thể là cả ngoại hình của nhân vật. Có những người đã xúc động khi nghe những giai điệu đó". |