Thêm tư liệu về cấu trúc chính điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long

- Thứ Sáu, 23/04/2021, 02:33 - Chia sẻ
Sáng 22.4, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên, cung cấp thêm tư liệu trong việc tìm hiểu cấu trúc chính điện Kính Thiên, củng cố niềm tin phục dựng điện Kính Thiên thời gian tới.

Tại cuộc khai quật thăm dò tại khu vực phía Đông - Bắc di tích nền điện Kính Thiên với tổng diện tích gần 1.000m2 thực hiện trong năm 2021, các nhà khoa học tiếp tục làm rõ tầng văn hóa, các di tích, di vật khảo cổ chồng xếp lên nhau, có niên đại kéo dài từ thế kỷ VII - IX đến thế kỷ XIX - XX của các thời kỳ Đại La, Đinh - Tiền Lê, Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng và Nguyễn. Đặc biệt, các dấu tích xuất lộ thời Lê Sơ đã mang lại nhiều tư liệu về cấu trúc không gian chính điện Kính Thiên.

Khai quật, thăm dò khu vực điện Kính Thiên
Khai quật, thăm dò khu vực điện Kính Thiên

Theo các nhà khoa học, kiến trúc thời Lê Sơ được phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ học lần này là sự tiếp nối về phía Bắc và được nhận diện qua các dấu tích: bó nền, móng nền, móng cột, nền sân. Ngoài ra, trong kiến trúc thời Lê Sơ còn có 3 hàng gạch chưa xác định rõ chức năng. Với những dấu tích xuất lộ, các nhà khoa học khẳng định, đây là kiến trúc có nhiều gian kiểu hành lang thời Lê Sơ.

Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, PGS.TS. Tống Trung Tín, cho rằng, với dấu tích thời Lê Sơ, di tích kiến trúc nhiều gian gợi sự phân bố của không gian Chính điện Kính Thiên ở đây và dấu tích này cho thấy sự thu hẹp so với không gian phía trước chính điện Kính Thiên.

Rõ ràng, đối với mục tiêu nghiên cứu điện Kính Thiên, nhờ có các cuộc khai quật khảo cổ học chúng ta từng bước tìm hiểu không gian chính điện Kính Thiên và cấu trúc chính điện Kính Thiên. So sánh chung, chúng ta có thể bước đầu đoán định không gian thu hẹp ở vị trí này có thể là không gian điện Cần Chánh, một phần trong tổng thể không gian chung của khu vực chính điện Kính Thiên.

Hương Sen