Sự tử tế - chuyện chưa cũ

- Thứ Ba, 01/11/2016, 07:51 - Chia sẻ
“Tôi tin xã hội có thể tốt đẹp ngay được nếu con người sống với nhau tử tế, có điều chúng ta đủ khát khao, dũng cảm làm hay không. Người Việt có mẫu số chung là muốn cuộc sống tốt đẹp, xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước… Bây giờ, tối thiểu phải tìm ra xuất phát điểm để kéo đoàn tàu về “miền đất hứa”” - đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy chia sẻ.

Hơn 30 năm kể từ khi phim tài liệu Chuyện tử tế ra đời (1985), lẽ ra nó phải lạc hậu rồi, không nên nhắc lại nữa. Nhưng bây giờ, chiếu ở đâu người ta cũng thấy mới, có tính thời sự. Vì so với thời điểm tôi bấm máy làm bộ phim này, xã hội xuống dốc hơn. Mở mạng ra, nào là đâm chém cướp giết, nào là mua quan bán chức, nạn thất nghiệp, người nghĩ một đằng, nói một nẻo… Chúng ta chỉ là hạt cát trong xã hội có điều đúng, điều sai, điều hay, điều dở, nhưng nếu mỗi người thiếu đi sự tử tế thì xã hội không khá lên được.

Năm 1992, đài NHK (Nhật Bản) đầu tư cho tôi làm bộ phim “Có một làng quê” về làng Phù Lãng, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Ninh) chuyên làm nghề đất nung. Người dân ở đó nghèo nhưng cha mẹ thương yêu con cái, anh thương em, đong đầy tình làng nghĩa xóm… Phim chiếu ở Tokyo, xem xong khán giả vỡ òa, nói với tôi rằng bộ phim đã động vào tâm can họ, rằng ngày xưa người Nhật cũng nghèo nhưng tử tế với nhau, còn khi giàu lên thì không còn chuyện tình làng nghĩa xóm như vậy nữa. Đó là một bài học thấm thía. Khi đời sống vật chất tăng tiến, nhà cửa, xe cộ sang trọng lên… thì tình người dễ đi xuống. Tôi tin rằng, xã hội có thể tốt đẹp ngay lên được nếu con người ăn ở với nhau tử tế. Có điều chúng ta muốn hay không, đủ khát khao, dũng cảm làm hay không. Người Việt có mẫu số chung là muốn cuộc sống tốt đẹp, sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước… Bây giờ, chúng ta phải tìm ra một xuất phát điểm để kéo đoàn tàu về miền đất hứa.

Ngẫm đến cùng, trên đời này, không nghề nghiệp nào, công việc gì và con người nào trở nên tử tế nếu không bắt đầu từ sự thương yêu, trân trọng đối với con người, cảm thông cho nỗi đau của con người. Đây không phải vấn đề riêng của người Việt Nam mà thuộc tầm nhân loại. Khái niệm hạnh phúc của nhân loại không phải sống ở nước cực giàu, dân số cực đông, quân sự thật mạnh… Thước đo hạnh phúc của con người không phải ở vật chất: Ăn ngon lắm, một tuần cũng chán; trưng diện, đi siêu xe, vài tháng cũng chán; ở nhà đắt đỏ, cầu kỳ, vài năm cũng chán. Mà hạnh phúc sinh ra ở chỗ người với người thương yêu nhau, sống hiếu hòa, tin tưởng nhau, thân thiện, không cần đối phó nhau. Như ra đường, biết chào hỏi và nở một nụ cười với nhau đã là điều tử tế giản đơn nhất.

Có rất nhiều người hiểu biết, sức lực dồi dào nhưng quan trọng là người ta để tâm huyết, suy nghĩ, niềm vui, nỗi buồn, mục đích cuộc đời vào cái gì? Hướng tới danh lợi, chức tước, lương bổng sao? Không! Chìa khóa cho một cuộc sống tốt đẹp là làm những việc có ích, mang lại hạnh phúc cho người khác. Xã hội Việt Nam đang đầy rẫy vấn đề thuộc về đạo đức bởi những con người nghĩ một đằng, nói một nẻo, nói một đằng, làm một nẻo. Kêu gọi mọi người sống tử tế thì phải tạo ra môi trường để mọi người được sống tử tế. Môi trường ấy gồm có đạo đức, pháp luật, tôn giáo. Đạo đức phải xuất phát từ một nền giáo dục chân chính, mà giáo dục đầu tiên phải dạy người ta làm người. Chúng ta đặt ra mục tiêu phấn đấu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Muốn giàu, muốn mạnh phải có thời gian, dân chủ, công bằng cần học hỏi từ từ, kỷ luật, luật pháp hoàn thiện dần. Nhưng văn minh, muốn là có ngay được, bắt đầu từ những việc làm tử tế. 

Thái Minh ghi