Sự tích một cây gạo

- Thứ Tư, 29/06/2011, 07:59 - Chia sẻ
Gần bốn mươi năm đã qua mà hình ảnh cây gạo thượng thọ và đẹp nổi tiếng của làng Xà Cầu thuộc xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) vẫn còn in đậm trong lòng tôi.

“Di ảnh” của cây gạo ở Xà Cầu

Ấy là hồi tháng 5 năm 1972, cơ quan nhà xuất bản Nông nghiệp chúng tôi đi sơ tán lần thứ tư về địa phương này. Làng nằm theo trục đường 22 (nay đổi là 21b) từ thị xã Hà Đông đi chùa Hương, cách thị trấn Vân Đình 5 km. Khi đến nơi quang cảnh đầu tiên hiện trước mắt tôi là cây gạo khổng lồ trước cửa làng. Thân cây thấp, dáng hơi còng, xù xì đầy biến bạch nên còn gọi là cây gạo xù. Xung quanh gốc nhiều rễ nổi như những con rồng ẩn hiện trên mặt đất, các cành cây uốn vặn khúc khuỷu cong queo như những nét khắc công phu của thiên nhiên tạo dáng, chẳng khác một cây bon sai trong chậu cảnh.

Năm đó chân tre làng còn cách cây gạo khoảng 200 mét, xa trông như một quả đồi. Mùa xuân hàng năm khi chùa Hương vào hội, cây gạo lại nở hoa khác nào đám cháy đỏ rực một góc trời quê, cũng là nơi hấp dẫn nhiều loài chim ríu rít bay về, không ai dám bắt chim phá tổ nên nó rất dạn người. Sang thu từng chùm bông gạo tỏa bung theo gió chấp chới bay như mưa tuyết trên cánh đồng lúa đang thì con gái.

Dưới gốc cây là một bãi đất rộng liền kề với con đường dẫn từ trong thôn ra quốc lộ, bà con đi làm đồng và cả khách qua đường thường vào trú nắng, đông nhất vẫn là bọn trẻ chăn trâu chiều chiều về tụ hội.

Về Xà Cầu, tôi may mắn được phân công đến ở nhà ông Truật, tuổi mới độ bốn mươi mà đã khá đông con. Tôi được ông kể cho nghe nhiều sự tích của quê mình. Làng Xà Cầu xưa thuộc tổng Xà Cầu gồm cả các làng Phú Lương, Quảng Nguyên, Đạo Tú, Cầu Bầu, sau này gộp lại thành xã Quảng Phú Cầu. Thần phả của làng còn ghi từ thời đầu Công nguyên, làng có tên là Xà Kiều trại, có đồn lũy chống giặc Hán của bà Chiêu Nương tức Chiêu Dung công chúa, là nữ tướng của hai Bà Trưng, hiện nay vẫn còn đền thờ rất linh thiêng. Tấm bia còn lại ghi rằng: vào thời vua Lê Thánh Tông, Xà Cầu có hai người đỗ tiến sĩ khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18. Riêng dòng họ Nguyễn Công dưới các triều đại có tới tám vị quận công. Hương ước của làng từ thời phong kiến đã quy định: trẻ em trong làng từ tám tuổi trở lên phải đi học. Làng có ruộng công điền và học điền để hàng năm trích thưởng cho những người thi đỗ đạt, chu cấp cho thầy đồ và học sinh nghĩa khí… nên đã được triều đình nhà Nguyễn ban tặng năm chữ vàng Xà Cầu xã nghĩa dân.

Có lần tôi hỏi ông Truật: cây gạo ở đầu làng mình có từ bao giờ, thưa bác? Ông hút xong điếu thuốc lào rồi chậm rãi kể: cây gạo là niềm tự hào của làng tôi đấy, được trồng từ năm nào thì không ai biết, tuy nhiên có một nhà khoa học về nghiên cứu cho rằng tuổi thọ cây này có gần một nghìn năm và dường như cây cũng có hồn, chú ạ. Chú có để ý trên thân cây có ba cành lớn chĩa sang ba làng Xà Cầu, Quảng Nguyên và Phú Lương. Tương truyền ngày xưa cứ đến mùa ra hoa, năm nào thấy xuất hiện một chùm hoa trắng trên cành chĩa sang làng nào thì làng ấy sẽ có người đi thi giành được khoa bảng cao từ tiến sĩ trở lên. Ấy là thời vua chúa chứ không phải phó tiến sĩ học ở Liên Xô thời nay.

Mấy tuần sau, vào một buổi chiều tôi ra ngồi chơi hóng mát dưới gốc gạo lại được một ông cụ kể cho nghe về “thần cây đa ma cây gạo” kỳ bí. Cụ bảo ở chỗ này ngày xưa còn có một giếng nước rộng và sâu lắm, nước ngọt và trong vắt, con gái làng nhờ được tắm gội và ăn nước giếng, da dẻ cô nào cũng hồng mịn và mắt sáng như sao. Thế rồi vào một buổi trưa có người con gái đẹp từ nơi khác đến, không hiểu là nàng tự vẫn hay chẳng may trượt chân ngã xuống giếng. Khi dân làng vớt nạn nhân lên thì đã muộn không cứu được. Các cụ trong làng làm lễ giải oan và bắc cầu cho linh hồn người xấu số được siêu thoát. Sau đó dùng đá tảng tạm lấp mạch nước, tát cạn, vét bùn, tẩy uế, một tháng sau mới lại khơi thông long mạch. Một hôm chỉ mới chập tối, có cô gái làng ra gánh nước, khi bước lên bậc giếng bỗng như có người cầm chân lôi xuống. Cô gái hồn vía lên mây, khóc thét kêu cứu, may có người chạy đến kéo lên được. Người làng còn kể vào những đêm tối trời thường xuất hiện bóng một người đàn bà trắng toát leo trèo trên cây gạo rồi lại bay là là xuống giếng. Tin đồn giếng có ma không ai còn dám ra gánh nước. Các vị chức sắc trong làng phải cho lấp giếng.

Sau cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền địa phương ra sức bài trừ mê tín dị đoan, nhân dân Quảng Phú Cầu sớm giác ngộ cách mạng nhưng vẫn coi cây gạo này là đấng thần linh che chở cho dân. Nhiều người già gọi tên cây là “Cụ Mộc Miên” như ta vẫn gọi Cụ Rùa ở hồ Hoàn kiếm vậy. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Xà Cầu chỉ cách thị xã Hà Đông 20 km mà đến năm 1949, ở đây còn là vùng tự do, bộ binh Pháp không chiếm được. Năm 1950 chúng mới lập được tề, dựng đồn bốt, nhưng đến cuối năm đó lại bị ta đánh tan. Sang năm 1951, địch tập trung một lực lượng quân rất lớn mở cuộc càn quét, âm mưu triệt phá làng Xà Cầu và làng Quảng Nguyên bên cạnh nhằm lập vành đai hai bên đường 22 và 73. Chúng đốt phá nhiều nhà dân rồi dỡ cả đình chùa quán miếu, chặt cây để phát quang. Cây gạo khổng lồ đứng bên đường trở thành vật che mắt chúng, thế là chúng cho bọn thuộc hạ mang theo búa rìu đến đốn cây, nhưng đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt của ông bà già và trẻ con tay không đổ ra đường vây quanh gốc cây. Ở trong làng tiếng mõ thanh la não bạt gõ náo loạn như những lần nguyệt thực dân làng xua đuổi gấu ăn trăng. “Dân ta còn thì cây gạo còn”, đó là câu khẩu hiệu mới, cũng như ngày xưa các cụ thường nhắc nhở con cháu: cây gạo có thần linh phù hộ làng ta thịnh vượng. Thế là hôm ấy lính Pháp đã phải chùn tay. Sáng hôm sau, các già làng cử một đoàn đại biểu kéo lên đòi gặp tên tỉnh trưởng Hà Đông đấu tranh đưa yêu sách kiến nghị không được chặt cây gạo, chúng đành phải nhượng bộ.

Năm 1973, sau hiệp định Paris, chúng tôi rời làng sơ tán, về Hà Nội, tôi cũng như nhiều anh chị em khác không có dịp trở về thăm lại Xà Cầu. Phải ba mươi năm sau (mùa xuân năm 2002) tôi mới về đây thăm cảnh cũ người xưa. May thay cây gạo vẫn còn đứng đó để tôi nhận ra ngôi làng tuy cảnh quan đã rất nhiều thay đổi. Nhấp nhô một dãy phố quê đã mọc tràn ra tận bờ đường 21b. Một con mương dẫn nước được đào gần sát gốc gạo, bộ rễ cây nổi trên mặt đất năm xưa đã vùi lấp tôn cao làm hè phố.

Tôi dừng lại dưới gốc gạo hồi lâu rồi hỏi thăm đường vào nhà ông bà chủ. Tiếc thay ông Truật đã qua đời từ ba năm trước, tuy nhiên các con ông đều đã phương trưởng. Anh con trai thứ ba Nguyễn Trung Quân khi tôi ở đây còn là cậu bé mười tuổi, có gương mặt thông minh lanh lợi, bây giờ đang là chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu.

Đầu năm Mậu tý 2008, tôi lại về Xà Cầu nhân ngày giỗ ông chủ. Tôi đi chuyến xe buýt Hà Đông – Tế Tiêu lúc tới ngã tư Vác. Tôi dặn người lái xe khi nào tới gốc cây gạo thì anh cho tôi xuống nhé. Anh lái xe xuýt xoa cho biết: cụ gạo Xà Cầu chết từ năm 2006 rồi bác ạ, tiếc quá, cây đã tồn tại cả nghìn năm mà bây giờ chết đứng như Từ Hải. Đã nhiều năm nay ngày nào cháu chả lái xe trên đường này. Vào mùa đi lễ chùa Hương nhiều khách Tây qua đây thường dừng xe xuống xì xồ rồi chụp ảnh. Cả mấy anh họa sĩ cũng đến ngắm nghía vẽ tranh. Thế mà thôi rồi gạo ơi! Có ông khách trên xe cười góp chuyện: thì bây giờ lại trồng cây gạo khác, rồi thuê nghệ nhân trồng cây cảnh đến uốn vặn tạo dáng ngũ phúc, tam đa, chỉ “chớp mắt ông Bụt” một nghìn năm nữa làng lại có cây gạo đẹp thôi mà.

Bước xuống xe, tôi cứ ngẩn ngơ giữa một vùng trống vắng, thấy trong lòng như hụt hẫng cô đơn. Lần này câu chuyện đầu tiên tôi chia sẻ với Nguyễn Trung Quân là tiếc cây gạo đẹp. Anh Quân còn cho tôi biết khi cây gạo mới chết đã rụng hết lá rồi mà vẫn có một đại gia đến hỏi mua để đào về trồng làm cảnh. Chính quyền xã giao cho Hội người cao tuổi đứng ra bán lấy tiền góp quỹ hội, nhưng vị nào cũng ngần ngại lắc đầu mà rằng: tôi chả dám đứng ra bán “Cụ” này đâu, “Cụ” thiêng lắm, thôi thì cứ để Cụ tự mục rồi ta nhặt “hài cốt” mang “hỏa táng” vậy. Tôi nêu chuyện với các vị trong chiếu rượu về việc thử “điều tra” cái chết của Cụ gạo, nhà giáo lão thành Lý Thế Bảng, nhà ở cách gốc gạo chừng 50m nói: Cách đây đã trên mười năm, có hôm gặp một ông cụ còn phong độ đạp xe qua đường, vừa thấy tôi, ông vội xuống xe trầm trồ khen cây gạo này là tài sản vô giá, rồi tỏ ý băn khoăn, chỉ tiếc rằng xã nhà lại cho đào một con mương gần cây quá, như thế là đã vô tình chặt đứt gần một nửa bộ rễ cây, e rằng sẽ làm cây tổn thọ, ông ạ (con mương được đào từ năm 1980 của thế kỷ trước). Ông còn cho tôi biết, từ thời xa xưa, người dân Đại Việt đã coi cây là tài sản quốc gia. Trong Đại Việt sử ký toàn thư của sử thần Ngô Sĩ Liên ghi rõ ở những địa phương nào có cây cổ thụ quý.

Câu chuyện trở nên sôi nổi. Có vị lên tiếng, thế còn ba cây to khác ở đền thờ Bà Chiêu Nương, năm 2007 cũng chết theo cây gạo, các ông bảo sao? Người khác thông báo thêm, ở thôn Bặc Ngõ xã Liên Bặc cũng có hai cây gạo tuổi thọ vài trăm năm trên trục đường 21b cũng mới “tắt thở”. Tôi chợt nhớ cây đa nghìn tuổi tại thành Cổ Loa (huyện Đông Anh), do sự bất cẩn của ban quản lý di tích, khi thấy cây ốm yếu, thành phố đã bỏ ra tiền tỷ chạy chữa mà không cứu được. Bây giờ người ta đắp tượng một phần cây đa bằng xi măng cốt thép dựng trong nhà văn hóa huyện.

Mọi người mới ngộ ra trong vài thập niên qua, các nhà máy công nghiệp khắp nơi phát triển, rồi các xóm làng nơi nào cũng bê tông hóa, đường sá, nhà cao tầng ngày càng chen lấn cây xanh, rồi bao nhiêu lò gạch tuôn khói độc vào không khí khiến cây ngạt thở, rồi nước thải đổ ra đen ngòm các ao hồ sông rạch pha lẫn hóa chất độc hại thấm xuống đất, rễ cây hút phải mà chết, khác nào người bị ngộ độc thức ăn. Tất nhiên, cây gạo dù có thần linh cư trú này cũng là loài thực vật, có sinh thì có diệt, nhưng nếu ta biết chăm sóc bảo vệ thì cây sẽ tăng tuổi thọ, cũng như con người vậy.

Câu chuyện luận bàn trên chiếu rượu đã lắng xuống, tôi chợt thấy trong phòng khách gia chủ có treo một tấm ảnh cây gạo đang mùa nở hoa được phóng to lồng trong khung kính, và tôi thầm nghĩ may mà còn “di ảnh” của “ông cụ” làm chứng tích lưu truyền cho hậu thế. Tôi đề nghị với các vị lãnh đạo địa phương là khi nào cuốn sách lịch sử của xã Quảng Phú Cầu có dịp tái bản, các nhà chép sử chớ quên bổ sung hình ảnh cây gạo thượng thọ này, gắn với sự kiện dân làng đã đấu tranh để bảo vệ cây trong những năm chống Pháp. âu cũng là điều an ủi linh hồn Cụ Mộc Miên.

Bút ký của Duy Khoát