Xem - Nghe - Đọc

Những người cõng chữ

- Chủ Nhật, 18/11/2018, 08:37 - Chia sẻ
Ngôi trường Tả Phìn nằm đơn độc giữa một thung lũng hoang vắng chỉ có 2 lớp học nhỏ bé và 3 giáo viên từ miền xuôi lên. Ở đấy có hai cô giáo trẻ đã phải lãng quên tuổi thanh xuân phơi phới để duy trì lớp học...

Trong số những đạo diễn nữ của điện ảnh Việt Nam sau thời Đổi mới, Phạm Nhuệ Giang là một cái tên hiếm hoi và đạt được thành công khi khai phá chủ đề về bản năng và nỗi cô đơn của phụ nữ hiện đại. Chủ đề nhạy cảm và tinh tế này được chị thể hiện thành công nhất trong “Thung lũng hoang vắng”, bộ phim kể về một ngôi trường dân tộc vùng cao và số phận của 3 giáo viên miền xuôi tìm mọi cách để giữ ngôi trường mái tranh vách đất ấy không bị đóng cửa.

Câu chuyện đầy nhân bản

Hành trình của những giáo viên miền xuôi mang con chữ lên vùng cao vốn được khai thác nhiều trên báo chí và thường được “lý tưởng hóa” theo kiểu “người tốt, việc tốt” mà ít ai để ý đến nỗi cô đơn cùng cực và những nhu cầu thiết yếu, bản năng sống của họ, đặc biệt là những phụ nữ trẻ. Phạm Nhuệ Giang có lẽ là đạo diễn nữ đầu tiên dám phá vỡ sự lý tưởng hóa này và trả về cho nó một câu chuyện vừa đầy nhân bản nhưng cũng nhiều buồn tủi và xót xa về thân phận của những người đàn bà “khô héo” vì bị lãng quên cũng như nỗi khát khao, bản năng sống của họ ở một môi trường biệt lập, xa vắng, hoang dã.

Ngôi trường Tả Phìn nằm đơn độc giữa một thung lũng hoang vắng chỉ có 2 lớp học nhỏ bé và 3 giáo viên từ miền xuôi lên. Thầy giáo Tành (Nguyễn Hậu) vừa giữ chức hiệu trưởng vừa là người đi vận động trẻ em vùng bản đến trường để học và không để bọn trẻ bỏ học. Hai cô giáo trẻ: Giao (Hồng Ánh) và Minh (Tuyết Hạnh) phải lãng quên tuổi thanh xuân phơi phới ở nơi thung lũng hoang vắng này để duy trì lớp học và mòn mỏi chờ đợi ngày được giáo viên khác lên thay thế để về xuôi.

Bộ phim mở đầu với những hình ảnh bình yên của ngôi trường nhỏ giữa núi rừng bao la. Nhưng rồi những nỗi khát khao thầm kín và bản năng hoang dã đã dần dần phá vỡ sự bình yên giả tạo đó khi ống kính máy quay tiến sát đến cuộc sống đời thường của họ. Thầy giáo Tành dành nhiều tình cảm cho Giao nhưng cô lại đang say đắm một anh chàng nghiên cứu địa chất và họ thường hẹn hò trong rừng sâu. Trái ngược với vẻ hồn nhiên và bản năng sống mãnh liệt của Giao, Minh là một phụ nữ lầm lũi, cô độc và phải luôn che giấu những khao khát thầm kín của mình. Xung đột của bộ phim lên cao trào khi Mị, một cô học trò mới lớn cũng đem lòng yêu anh chàng địa chất và tình cờ phát hiện ra anh ta đang âu yếm cô giáo Giao dưới suối, nơi mà Mị hay lén đến nhìn trộm anh ta tắm. Sự giận dữ và tuyệt vọng khiến Mị lôi kéo bạn bè bỏ học vì cho rằng cô giáo xấu. Còn cô giáo Minh, trong một lần say rượu và nỗi cô đơn cùng cực, không kiềm chế được bản năng đã ôm ấp thầy Tành nhưng bị thầy cự tuyệt. Nỗi tẽn tò cay đắng khiến cô giáo Minh bỏ trường về xuôi, trong khi Giao cũng gặp tai nạn trong rừng khi đi tìm anh chàng địa chất đã “quất ngựa truy phong”. Một mình thầy giáo Tành phải chật vật để duy trì ngôi trường có nguy cơ bị đóng cửa khi đám học trò dần dần bỏ học và hai cô giáo không còn đến lớp...

Những tính cách, số phận đích thực

 Hình ảnh hai cô giáo trẻ Giao và Minh, sau những đổ vỡ, ê chề quyết định quay trở lại trường học, xách hai cây đèn dầu vượt thung lũng để đến bản làng trong đêm để lại một cái kết vừa đẹp vừa man mác buồn cho “Thung lũng hoang vắng”...

 “Thung lũng hoang vắng” mang đậm dấu ấn cá nhân của nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập - người đã thể hiện thành công những tình huống tréo ngoe và ngang trái của những con người nhỏ bé, đơn độc ở một môi trường, không gian khắc nghiệt, đặc biệt là bộ phim “Đời cát” của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân (chồng đạo diễn Nhuệ Giang), đồng thời cũng trở thành người cộng tác ăn ý với hai vợ chồng họ trong nhiều bộ phim. “Thung lũng hoang vắng” tiếp tục khai thác về những bối cảnh, không gian khắc nghiệt và những đam mê, khát khao thầm kín của con người. Nguyễn Quang Lập đặc biệt thành công trong việc xây dựng tính cách nhân vật và những câu thoại bình dị, dân dã được bật lên tự nhiên như đời sống.

Hình ảnh thầy giáo Tành, một mình tả xung hữu đột với dáng tất tưởi đi đến từng nhà để vận động trẻ em đi học vừa hài hước vừa duyên dáng. Dù giữ chức hiệu trưởng nhưng thầy Tành sẵn sàng làm những công việc như... bồng em, mang củi đi bán cho những học sinh nghèo không có thời gian đến lớp. Không chỉ tìm cách để vận động học sinh đến lớp, bảo vệ ngôi trường, Tành còn phải đối mặt với những khát khao kìm nén của bản thân hay những tâm lý thất thường, khó hiểu của hai cô giáo trẻ. Nguyễn Hậu, một diễn viên người miền Nam chuyên đóng vai phụ, lần đầu tiên có một vai chính đáng nhớ trên màn ảnh khi vào vai thầy giáo Tành. Chất dân dã, thô mộc với âm giọng xứ Nghệ của thầy giáo Tành còn được thể hiện qua những câu thoại sinh động, hài hước. Khi người dân bản trêu chọc việc thầy hiệu trưởng đi bán củi, Tành đáp lại: “Hiệu trưởng chi tui! Người ta biết dạy thì lên lớp, tui không biết dạy thì đi chợ thôi!”. Ở một cảnh khác, khi cám cảnh cuộc sống cô đơn của những giáo viên cắm bản, trong cơn say, Tành chửi: “Mả cha thành phố! Ở đây mà không có rượu thì chết héo mất cô Minh à!”

Đối lập với sự đơn giản, bộc trực và ít nhiều trào lộng về nhân vật Tành, hai nhân vật cô giáo Giao và Minh mang hai sắc thái đối lập và được biên kịch, đạo diễn thể hiện công phu. Nếu Giao của Hồng Ánh là một cô gái trẻ đầy sức sống và không ngần ngại thể hiện niềm đam mê và bản năng giới tính mạnh mẽ thì Minh của Tuyết Hạnh là mẫu phụ nữ kìm nén và luôn che giấu bản năng. Và khi bi kịch xảy ra, mỗi người trong số họ cũng có những cách hành xử, lựa chọn khác nhau. Bên cạnh diễn xuất có phần non nghề nhưng để lại cảm giác chân thực của Tuyết Hạnh, Hồng Ánh một lần nữa thể hiện khả năng diễn xuất bung phá, làm chủ tâm lý nhân vật và sẵn sàng hy sinh vì những cảnh nóng. Tâm trạng của Giao biến đổi qua từng nét diễn xuất tinh tế của Hồng Ánh, từ sự hồn nhiên, say đắm vì tình của một cô gái trẻ đến sự vỡ mộng, đau đớn khi bị bội phản và cuối cùng là chấp nhận thực tại. Với “Thung lũng hoang vắng”, những nhân vật giáo viên vốn hay được lý tưởng hóa và đóng khung trong sự hy sinh cao cả đã được biên kịch và đạo diễn lần lượt phá vỡ và mang lại cho họ những tính cách, số phận đích thực. Thầy giáo Tành, hai cô giáo Giao, Minh và ngay cả những nhân vật phụ như học sinh (trong đó nổi bật là cô bé Mị), người dân vùng cao đều được khắc họa sinh động, để lại nhiều cảm xúc cho người xem.

Hình ảnh hai cô giáo trẻ Giao và Minh, sau những đổ vỡ, ê chề quyết định quay trở lại trường học, xách hai cây đèn dầu vượt thung lũng để đến bản làng trong đêm để lại cái kết vừa đẹp vừa man mác buồn cho “Thung lũng hoang vắng”.

Với “Thung lũng hoang vắng”, nữ đạo diễn Phạm Nhuệ Giang vừa thể hiện một cái nhìn lãng mạn đậm màu sắc nữ tính trong phong cách dàn dựng của mình, nhưng cũng đồng thời mang lại cho bộ phim sự chân thực, thô mộc và xúc cảm mạnh mẽ khi khai phá nỗi niềm thầm kín của đàn bà. Khả năng tiếp cận đề tài với cái nhìn đa diện, giàu ẩn dụ là một thành công khác của Nhuệ Giang với bộ phim này.

Chiều sâu hình ảnh

Góp phần cho thành công của “Thung lũng hoang vắng” phải kể đến những góc máy tài hoa của nhà quay phim Lý Thái Dũng. Anh sử dụng nhiều khuôn hình đặc tả xen lẫn với toàn cảnh hay những cú máy tĩnh để làm nổi bật bối cảnh rộng lớn và số phận nhỏ bé, đơn độc của những con người trong không gian đó. Dũng sử dụng nhiều bối cảnh ngoại, đặc biệt là buổi sớm với lớp sương mù dày đặc, không khí bảng lảng khói sương, thể hiện sự hoang vắng của một ngôi trường vùng cao nằm đơn độc giữa thung lũng vắng bóng người, nơi các phương tiện văn minh không chạm đến, nơi những con người phải sống với nỗi cô đơn và khát khao kìm nén của họ. Nói về cách lựa chọn hình ảnh và sử dụng ánh sáng, Lý Thái Dũng chia sẻ trong cuốn sách 10 bí quyết hình ảnh rằng: “Trong “Thung lũng hoang vắng”, hình ảnh đã phải được quay xấu đi đơn giản vì nó đẹp quá, đẹp đến nỗi có thể trở thành bưu thiếp. Tôi phải xóa bớt ánh sáng đi để phù hợp với tâm trạng nhân vật trong bối cảnh một “thung lũng hoang vắng” chứ không phải một Sa Pa lộng lẫy. Bằng ánh sáng, bạn phải duy trì được vẻ đẹp chân thực đó, giữ được nó, thậm chí làm hơn thế khi chuyển tải tâm trạng nhân vật. Đấy là những cảnh chiều muộn hai chị em nấu cơm, cảnh cô giáo Minh ngồi bên cối gạo... Tôi đã cảm nhận được ánh sáng cuối cùng của ngày tràn vào lớp học trống vắng, ánh sáng của bình minh đi vào trong nhà, vẽ vệt nắng xuống nền đất hay trên vách tường nho nhỏ...”.

Tự nhận mình là fan của trường phái lãng mạn, trữ tình; Lý Thái Dũng che giấu tuyệt đối các giải pháp kỹ thuật về quay phim, nhưng dấu ấn của anh - đạo diễn hình ảnh của “Thung lũng hoang vắng” là một trong những thành công nổi trội và làm nên chiều sâu hình ảnh cho bộ phim này. 

Với những dấu ấn cá nhân đậm nét nói trên, không ngạc nhiên khi “Thung lũng hoang vắng” đã thu về hàng loạt giải thưởng điện ảnh uy tín: Bông sen Bạc, Nữ diễn viên chính xuất sắc (Hồng Ánh), Quay phim xuất sắc (Lý Thái Dũng) tại LHP Việt Nam lần thứ 13 (2001); Giải Fipresci cho các đạo diễn trẻ châu Á của Liên đoàn Các nhà phê bình phim quốc tế tại LHP quốc tế Melbourne (Australia) năm 2002...

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm