Nhà rường Huế hồi sinh

- Thứ Tư, 20/03/2013, 08:49 - Chia sẻ
Vườn gắn với kiến trúc nhà rường là nét đặc trưng rất quý của Huế. Tuy nhiên, sự nghiệt ngã của thời gian, sự chi phối nhiều mặt của cuộc sống đã khiến không ít khu vườn bị xẻ thịt, không ít nhà rường thành củi đun hoặc tha hương theo chân chủ mới. May sao, cuộc sống ngày mỗi dễ chịu, nhiều gia đình, nhiều dòng tộc đã trở nên sung túc, theo đó, nhà rường xứ Huế cũng hồi sinh.

Từ lối Kim Long rẽ vào đường Nguyễn Hoàng để lên chợ Thông, vượt cây cầu nhỏ bắc qua sông Kẻ Vạn, quẹo phải và đi tiếp một quãng nữa, sẽ gặp khu nhà rường với cặp nghê bằng đá trắng uy nghi đứng chầu trước cổng. Khu nhà rường này là nhà thờ của họ Trần Hữu ở Tổ 1, phường Kim Long, TP Huế. Coi sóc, hương khói là người cháu nội tên Tân. Anh Tân cho hay, khu vườn vốn của ông bà nội anh tạo lập. Trước đây, trên mảnh đất này cũng có một ngôi nhà rường nhỏ. Năm Mậu Thân 1968, ngôi nhà bị cháy, buộc phải triệt giải. Khu nhà rường hiện nay vừa được xây cất lại. Cổng thiết kế 2 tầng 8 mái lợp ngói liệt. Ngay sau cánh cổng lớn bằng gỗ là một bức bình phong cỡ đại bằng đá trắng tạc hình cuốn thư, dơi - mây, bát bửu... Kế đến, cách một khoảng sân rộng là ngôi nhà rường 3 gian 2 chái dùng làm nơi thờ tự chính. Sau ngôi nhà rường chính song song là 2 ngôi nhà rường khác, có lẽ dùng làm nhà tăng. Hai đơn nguyên này lại được nối với nhau bằng một hành lang có mái che theo kiểu thượng gia hạ kiều, ở khoảng giữa là ngôi cổ lâu hình bát giác với bộ bàn ghế bằng gỗ lũa dùng làm nơi đàm đạo. Tất cả tạo thành lối kiến trúc hình chữ khẩu.


Nội thất nhà thờ họ Trần Hữu ở Kim Long
Công trình được phục dựng, nhưng về độ sắc sảo, thẩm mỹ thì người khó tính vẫn có thể hài lòng.

Bất chợt nhớ về ngôi nhà của một người bạn ở ngay trung tâm thành phố. Ngôi nhà rường 3 gian 2 chái tọa lạc giữa khu vườn rộng ngót 3.000m2, vì tuổi đời cả trăm năm nên bắt đầu xuống cấp. Ngói sụt gây thấm dột, rui mè nhiều chỗ bị cong oằn, mục gãy... Gia đình muốn sửa nhưng lần lữa vì nhiều lý do. Nhưng lý do chính là tìm không ra thợ chuyên làm nhà rường. Chuyện cách đây đã ba chục năm có lẻ, lúc ấy đến chơi nhà bạn, nghe người cha phân trần với mấy vị khách quen: cơm áo còn khó, tiền đâu thiên hạ sửa nhà rường. Không có việc nên thợ bỏ nghề cả. Không khéo ngôi nhà này rồi cũng đến lúc phải dỡ...

Cái thời gian khó rồi cũng lùi xa. Cuộc sống ngày mỗi dễ chịu, nhiều gia đình, nhiều dòng tộc đã trở nên sung túc, giàu có. Và như là cái lẽ tự nhiên, khi đã no, đã ấm thì con người lại nghĩ đến cái ngon, cái đẹp. Nhà rường xứ Huế lại bắt đầu được chăm chút, săn tìm. Một trong những chuyên gia phục chế nhà rường có tiếng hiện nay ở Huế là ông Dương Đình Vinh, người vẫn được mệnh danh là “Vua nhà rường”. Chúng tôi tìm về địa chỉ 181 đường Xuân 68, nơi Vườn Ngự Hà - tư gia của ông Dương Đình Vinh tọa lạc. So với khu nhà rường của họ Trần Hữu thì Vườn Ngự Hà của Dương Đình Vinh không đồ sộ, quy mô bằng. Tuy nhiên, độ tinh xảo thì không thua kém. Vì được phục chế chứ không làm mới hoàn toàn nên không gian của Vườn Ngự Hà trông cổ kính và ấm áp hẳn.

Kể về cơ duyên đến với nhà rường, ông Vinh hồi tưởng, khoảng những năm đầu thập niên 1980, từ TP Hồ Chí Minh về Huế thăm quê, bất chợt ông bắt gặp những ngôi nhà rường bị hư hỏng, bị chủ nhân tháo bỏ, vứt lăn lóc hoặc... cho vào lò đun. Không thể cầm lòng, ông bỏ tiền gom về, nghiền ngẫm nghiên cứu, học hỏi để phục chế. Cứ vậy, cho đến nay, khoảng 100 ngôi nhà rường đã được phục chế và hồi sinh từ tay ông. Nghề phục chế nhà rường đã đưa bước chân ông Vinh đi khắp nơi. Ông bảo, từ nam chí bắc bây chừ đâu đâu cũng có nhà rường Huế. Thậm chí nhà rường còn đi cả châu Âu, châu Mỹ... “Nhà rường bây giờ lên ngôi, sống khỏe rồi chứ không còn sợ chết, sợ “tuyệt chủng” nữa” - ông Vinh nói.

Làm một ngôi nhà rường, thời gian, tiền bạc tiêu tốn gấp nhiều lần ngôi nhà hiện đại mà công năng sử dụng thì như nhiều người nhận xét là không được thoải mái lắm, đi vào đụng cột đi ra đụng cột! Vậy sao ông lại mê nhà rường, và không ít người khác cũng có chung đam mê như vậy? Ông Vinh trả lời: “Ấy là do sức quyến rũ của thời gian. Ấy là do mỗi ngôi nhà đều như một chứng nhân lịch sử. Sưu tập một ngôi nhà rồi phục chế nó, tìm hiểu qua lời kể, qua đọc gia phả... đến khi ngồi trong ngôi nhà đó, nhìn màu gỗ hằn dấu tháng năm, mình như nghe ngôi nhà kể chuyện, như thấy nhiều cuộc đời đã đi qua với bao thăng trầm, buồn vui thế thái nhân tình... Thú vị lắm chứ”.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, một chuyên gia cổ vật Việt Nam nhận xét: có thể có ý kiến này, ý kiến khác, nhưng ở góc nào đó, cần phải cám ơn những người như ông Vinh. Họ có điều kiện tài lực và có niềm đam mê nên đã bỏ công tìm kiếm, sưu tập, chọn lựa, phục chế... Không có họ, có lẽ không ít ngôi nhà quý của Huế đã vĩnh viễn vùi chôn vì mục ruỗng hoặc “hóa thân” trong bếp lò...

Diên Thống