Người thầy thuốc trở về từ chiến trận

- Thứ Sáu, 30/04/2021, 07:45 - Chia sẻ
Nhập ngũ tháng 4.1970 và đến tháng 10 cùng năm, tân binh Bùi Xuân Thúy cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào chiến trường Nam Bộ, được biên chế vào Đại đội 21, Trung đoàn 209, Sư đoàn 7 (C21, E209, F7). Một trong những trận thử lửa ác liệt nhất trong đời quân ngũ của ông là cùng đồng đội tham gia cuộc đọ sức 150 ngày đêm chiến dịch chốt chặn Tàu Ô, xóm Ruộng, xã Tân Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước…
Những người lính năm xưa trước mâm cơm giỗ đồng đội (bác sĩ Bùi Xuân Thúy thứ 4 từ phải sang)

Chiến dịch chốt chặn Tàu Ô, xóm Ruộng là cuộc đọ sức lịch sử, giao tranh ác liệt giữa lực lượng bộ đội chủ lực Sư đoàn 7, lực lượng vũ trang địa phương với quân Mỹ - Ngụy nhằm ngăn chặn quân địch chi viện từ Chơn Thành lên và quân địch rút chạy từ Bình Long về. Suốt 150 ngày đêm (từ 5.4 - 28.8.1972), với tinh thần chiến đấu quả cảm, quân và dân ta đã xây dựng tuyến chốt chặn vững chắc, chặn đứng hàng trăm đợt tấn công với quy mô, tính chất hết sức ác liệt của địch; mở rộng, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng và các cơ quan đầu não của Trung ương Cục, tạo điều kiện đẩy mạnh thế trận chiến tranh Nhân dân, phá vỡ kế hoạch “Phòng thủ Diên Hồng” của địch, làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo thế và lực có lợi cho cách mạng Việt Nam.

Cựu chiến binh, thương binh 3/4 Bùi Xuân Thúy (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) trải lòng về kỷ niệm của thời quân ngũ, kỷ niệm của một thời “Tàu Ô, xóm Ruộng - Một thời máu và hoa”: “Ngày ấy mình được Trung đoàn giao nhiệm vụ tổ trưởng tổ trinh sát gồm các đồng đội: Kiếm, Độ, Bình, Dư bò sát thắt lưng địch lập đài quan sát di biến động của địch. Mình đã cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong suốt 150 ngày đêm chốt chặn Tàu Ô, C21, E209 cùng các đơn vị của Sư đoàn 7 đã tổ chức đánh gần 800 trận lớn nhỏ, tiêu diệt gần 8.200 tên, bắt sống 211 tên địch, bắn rơi và phá hủy 119 máy bay các loại, phá hủy 202 xe các loại, 102 khẩu pháo, 20 hầm đạn và nhiên liệu, thu 390 súng các loại… Địch thiệt hại nặng buộc phải rút chạy khỏi khu vực tác chiến, từ bỏ ý đồ giải tỏa Quốc lộ 13…

Sư đoàn 7 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ vững trận địa, góp phần quan trọng vào thành tích chung của Chiến dịch Nguyễn Huệ trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta bước sang một giai đoạn mới, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán để bàn về vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Tượng đài Tàu Ô, xóm Ruộng

Trong cuộc đọ sức lịch sử này đã có hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 và hàng trăm người con ưu tú của quê hương Bình Dương, Bình Phước đã ngã xuống, trong đó có 127 người con ưu tú của quê hương Thái Bình”.

Đầu tháng 2.1973, Bùi Xuân Thúy tham gia trận đánh địch ở ấp Nước Vàng, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, khi chỉ còn 1 tháng là tròn 20 tuổi. Trong trận thực chiến ác liệt này, đạn M79 của địch đã làm ông vỡ xương chậu, ông được đơn vị đưa về điều trị tại hậu cứ viện K52 miền Đông Nam Bộ.

Bùi Xuân Thúy rời quân ngũ sau khi để lại chiến trường 41% sức khỏe. Trở về hậu phương được dưỡng sức, ông tiếp tục ôn văn hóa và thi đỗ Trường Đại học Y Thái Bình. Sau tốt nghiệp Trường Đại học Y Thái Bình năm 1986, ông Bùi Xuân Thúy về công tác tại Phòng Y tế huyện Vũ Thư, phụ trách nghiệp vụ, rồi chuyển về trực tiếp chỉ huy mảng Y tế dự phòng, làm Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, sau chuyển sang làm Giám đốc Bệnh viện huyện Vũ Thư. Suốt 35 năm cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân, bác sĩ, thương binh Bùi Xuân Thúy luôn được đồng nghiệp quý trọng và Nhân dân yêu mến về sự tận tụy, tâm đức của người thầy thuốc.

Ông được bầu là Huyện ủy viên liên tục 5 khóa của Huyện ủy Vũ Thư, đại biểu HĐND huyện Vũ Thư nhiệm kỳ 2001 - 2006 và 2006 - 2011. Sau khi nghỉ chế độ năm 2012, ông tiếp tục được tín nhiệm được bầu làm đại biểu HĐND phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ở vị trí nào, ông cũng nỗ lực hết sức mình, xứng đáng với phẩm chất người lính cụ Hồ đã được tôi luyện trong lửa đạn của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Đến nay, cứ vào tháng 10 hàng năm, ông Bùi Xuân Thúy lại cùng đồng đội về chiến trường xưa, làm mâm cúng giỗ những người đã ngã xuống. Cảm động sao khi những người lính già nghẹn ngào sắp những bát cơm, đĩa thức ăn dâng lên người đã khuất, hứa với các anh là còn sức khỏe còn vào thăm đồng đội. Mảnh đất từng thấm máu xương của các anh và đồng đội đã đổi thay, phát triển từng ngày, nhưng hình ảnh và dư âm 150 ngày đêm ác liệt năm xưa chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí những người lính còn lại hôm nay.                                                            

Công Liêm