Làm mới nhưng không đánh mất hồn cốt

- Thứ Tư, 23/12/2020, 06:07 - Chia sẻ
Cũng chừng ấy biểu tượng quốc gia như hoa sen, nón lá, áo dài, phở…; hoặc những truyền thuyết, nhân vật lịch sử, di sản văn hóa…; cả những điều rất bình dị đời thường; nhưng dưới góc nhìn minh họa, các nghệ sĩ trẻ đã khai thác cái hồn văn hóa và con người Việt, tạo nên nhiều biến hóa bất ngờ.

Tái tưởng tượng Việt Nam

Liệu chúng ta có thể thổi hồn, biến hóa những hình ảnh đặc trưng của Việt Nam thành những phiên bản mới đầy bất ngờ và thú vị? Đó là thách thức minh họa thứ 7 của Vietnam Local Artists Group (VLAG), do Tired City - thương hiệu sáng tạo dành cho giới trẻ tổ chức. Các tác giả có thể khai thác mọi khía cạnh văn hóa và những hình ảnh điển hình của Việt Nam xưa và nay. Tuy nhiên, thay vì đơn thuần khắc họa hình ảnh đặc trưng Việt Nam như Hai Bà Trưng hay đội bóng đá U23… họ cần thêm vào một vài yếu tố, thể hiện tinh thần chủ đề “Tái tưởng tượng Việt Nam” (Vietnam Reimagined).

Tác phẩm “Đêm nằm mơ thấy Đại Nam” của Chu Kim Phụng

Hơn 30 tác phẩm đang trưng bày tại Viện Goethe Hà Nội (đến ngày 30.12) là lời đáp của nghệ sĩ trước câu hỏi đó. Chẳng hạn, Nguyễn Thu Hương vẽ “Ẩn thành” minh họa cho một Việt Nam trong tưởng tượng, thu nhỏ trong câu chuyện bát quái của Hà Nội. “Nếu dưới lòng hồ Gươm thực ra là thành phố với các sinh vật huyền bí của Việt Nam thì sao? Thành phố này sẽ mang đậm vẻ ngoài của Việt Nam cả cũ lẫn mới. Nơi có những cột điện, chùa Một Cột, những bảng quảng cáo, hàng phở, tranh Đông Hồ, ông Bụt, và cả những yêu ma, quỷ quái tồn tại song hành. Nhưng thay vì 100% hình ảnh thường thấy, chúng ta biến tấu một chút, hòa quyện một chút. Sử dụng những hình ảnh vốn có, đời thường và cả kỳ ảo của nhân gian, kết hợp với nhau, tạo ra một góc nhìn mới và cả câu chuyện mới nữa”.  

Hay Chu Kim Phụng vẽ “Đêm nằm mơ thấy Đại Nam” mong gói hết các lớp lang lịch sử vào tranh minh họa. Tranh thể hiện cái “sóng sau xô sóng trước”, một quân đoàn nhí nhố với mục tiêu làm mới, làm vui những giáo điều về lịch sử nghiêm túc. “Mình muốn nói, nếu chính nghệ sĩ còn không bỏ được thiên kiến thì tất cả những gì mình làm ra đều không có giá trị thay đổi. Mình quan tâm tới bản thân đón giá trị của Việt Nam như thế nào. Và đó là lý do tái tưởng tượng Việt Nam có ý nghĩa thật lớn lao với mình. Đó là lý do vì sao mình thỏa mãn bản thân và trí tưởng tượng về tất cả nhân vật từ thời Lạc Long Quân tới Lý, Trần, Lê, Lê Trung Hưng… Nguyễn, và cả những con vật đã gắn liền với lịch sử nước mình”.

Có những bức vẽ lần tìm về lịch sử, chạm vào yếu tố tâm linh sâu thẳm của người Việt, thông qua hình ảnh linh thú như rồng trong “Chú rồng em vẽ” của Trương Duy Thuận, “Bạn thuyền chợ nổi” của Trần Đắc Trung, voi chín ngà gà chín cựa trong “Chuyện xưa chưa kể” của Trương Duy Hiếu; chó trong “Tứ đại quốc khuyển” của Nguyễn Khánh Linh…; có những bức vẽ lại thiên về văn hóa đại chúng, nhìn cuộc sống hiện đại qua các “Trạm tập thể” của Đặng Thái Tuấn, “Biệt đội Camera” của Võ Công Nhất, “Ve chai” của Trương Lê Võ… Tất cả tạo nên những “phiên bản” mới, đa dạng về Việt Nam.

Tham quan Triển lãm "Vietnam Reimagined - Tái tưởng tượng Việt Nam"

Khơi gợi sức mạnh trí tưởng tượng

Những sáng tạo thú vị và đầy bất ngờ là nhận xét của Giám đốc nghệ thuật Heritage space Nguyễn Anh Tuấn. Theo anh, triển lãm đặt vấn đề rộng nhưng các nghệ sĩ trẻ đã chỉ ra nhiều cách tiếp cận. Thông qua ngôn ngữ hội họa, lịch sử, văn hóa, nét sinh hoạt, hành vi hàng ngày, trong đời sống và trong cả trí tưởng tượng được soi chiếu đa dạng, độc đáo. “Điều này vừa tạo ra được sự kết nối giữa truyền thống với hiện đại, vừa hấp dẫn người trẻ chú ý đến các vấn đề giúp nhận diện bản thân, nhận diện thứ bản sắc đã định vị giá trị Việt Nam. Một dân tộc hay một nền văn hóa luôn phải tự định vị mình trong mỗi thời kỳ, hoàn cảnh. Rõ ràng, ‘Tái tưởng tượng Việt Nam’ đã gợi ra những câu hỏi, buộc người ta phải suy nghĩ về quá khứ, hiện tại và tương lai của mình. Đó là cú hích quan trọng”.

Tại sao lại “Tái tưởng tượng Việt Nam”? Theo người sáng lập, Giám đốc điều hành Tired City Nguyễn Việt Nam, đó là hành trình để mọi người cùng tư duy làm thế nào đưa ra một hình ảnh Việt Nam không lặp lại những gì mà trước đó ai cũng nghĩ. Khi nhắc tới Việt Nam, nhiều người liên tưởng ngay tới những biểu tượng quốc gia như hoa sen, nón lá, áo dài, phở…, hoặc những truyền thuyết, nhân vật làm nên lịch sử, di sản văn hóa, hay những điều hết sức bình dị, gần gũi như trà đá vỉa hè, hàng rong, những miền quê thân thương… Tái tưởng tượng là làm mới, nhưng không phải đánh mất hồn cốt vốn có.

Trong vỏn vẹn 4 tuần, thử thách đã nhận được gần 300 tác phẩm của hơn 230 nghệ sĩ trẻ đang sinh sống trong và ngoài nước. Các nghệ sĩ kết hợp phác thảo giấy và máy tính hoặc sử dụng bảng vẽ điện tử để thực hiện tác phẩm, tạo nên những trải nghiệm trẻ trung, hiện đại. Theo Nguyễn Việt Nam, đó là cái nhìn “không một màu” về Việt Nam, là cái nhìn tích cực trong thời kỳ toàn cầu hóa, khi đôi mắt của nghệ sĩ, của người trẻ luôn phải tươi mới, táo bạo, độc đáo.

“Ở đây, chúng ta nhìn thấy ở các nghệ sĩ trẻ mối quan tâm đặc biệt tới văn hóa Việt. Họ có sự dày công nghiên cứu, đầu tư tìm hiểu khi vẽ, và tìm kiếm trong cái thân quen ấy những điều mới lạ, đưa chúng vào tác phẩm giàu tính sáng tạo của mình. Khi Tired City làm việc với các đối tác nước ngoài, họ đều nhận xét người Việt Nam tài năng nhưng tài năng ấy vẫn lẩn khuất đâu đó. Rõ ràng, các bạn trẻ xứng đáng với nhiều hơn nữa những thử thách như thế này, để cùng trân trọng giá trị Việt, để được khơi gợi trí tưởng tượng, sáng tạo. Và rồi, không ai ngoài chính các bạn sẽ tiếp tục khơi gợi, lan truyền sức mạnh của trí tưởng tượng và sự trân trọng những giá trị Việt Nam”, Giám đốc điều hành Tired City nói.

Thái Minh