Lạc Cầm- Hồn Việt

- Thứ Ba, 08/05/2007, 00:00 - Chia sẻ
Thoáng trong tiếng đàn là âm thanh dìu dặt của đàn bầu, đàn tranh, đàn phím lõm của âm nhạc dân tộc và đàn gõ có tiếng trống, tiếng cồng. Một âm hưởng quen mà lạ, thân thuộc mà độc đáo thoát ra từ cây đàn độc nhất vô nhị của nhạc sỹ Mác Tuyên- Lạc Cầm.

      Nửa thế kỷ, một cung đàn
      Ý tưởng sáng chế ra cây đàn đa năng, đa âm và đa diện đã hình thành trong nhà giáo, nhạc sỹ Mác Tuyên cách đây gần 50 năm, khi ông còn là sinh viên năm thứ ba Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội). Ban đầu nhạc sỹ chỉ mong làm đẹp hơn hình dáng cây đàn bầu Việt Nam và mở rộng âm vực, nhằm hòa trộn âm sắc của một số nhạc khí dân tộc trên một cây đàn. Nhưng càng làm ông càng nảy ra nhiều sáng kiến mới và tạo thêm tính năng cho nó để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ âm nhạc của khán giả đương đại. Cứ thế, sự nung nấu, sáng tạo kéo dài gần nửa thế kỷ. Và sau nhiều lần thất bại, Lạc Cầm ra đời và ngày càng được hoàn thiện. Năm 1985, Lạc Cầm ra mắt lần đầu tiên tại Nhạc viện Hà Nội và nhận được sự quan tâm của giới âm nhạc. Đó là nguồn khích lệ quý báu. Nhạc sỹ chia sẻ: Tôi đã lần từng bước với biết bao cay đắng, mỏi mòn và chua xót của một đời người đắm say trong công trình khoa học Lạc Cầm. Đến nay tôi phần nào mãn nguyện.
      Mô phỏng theo hình chim lạc- biểu tượng cho tâm linh cội nguồn người Việt vì thế ông gọi đứa con tinh thần của mình là Lạc Cầm. Lạc là chim Lạc huyền thoại trên trống đồng Ngọc Lũ. Cầm là đàn. Lạc Cầm 16 là sản phẩm cuối cùng trong một loạt sáng chế đó, hoàn thành năm 2006 và nâng cấp hoàn chỉnh năm 2007. Đó không phải là đàn ghép mà là một loại nhạc khí mới, đa năng, đa điệu, đa âm được thiết kế liên hoàn trên cơ sở khai thác những ưu việt của nhạc khí truyền thống kết hợp với thành tựu của khoa học kỹ thuật hiện đại. Giá trị độc đáo ở chỗ với 49 dây- con số tâm linh người Việt, Lạc Cầm 16 đồng thời rung lên giai điệu tương ứng của đàn bầu, đàn tranh, đàn phím lõm và đàn gõ như piano. Vì thế, nó có thể thay thế cho bốn nhạc cụ dân tộc một lúc, có thể độc tấu, hoà tấu đồng thời đệm cho múa hát. Hơn nữa, 3 nghệ sỹ có thể biểu diễn cùng một lúc trên cây đàn độc đáo này. 
      Độc đáo và giữ nguyên bản sắc âm nhạc truyền thống
      Lạc Cầm được giới chuyên môn đánh giá cao về thiết kế tạo dáng và khả năng biểu đạt. Một tổ hợp âm nhạc có sắc thái riêng, ngôn ngữ riêng, diện mạo và thần thái riêng. GS Mỹ học âm nhạc Nhạc viện Hà Nội, Dương Viết Á nhấn mạnh: So với các Lạc Cầm trước, Lạc Cầm 16 là đỉnh cao khoa học âm nhạc và tạo dáng thẩm mỹ. Đây là một nhạc khí không chỉ độc đáo về thủ pháp hoà trộn âm sắc truyền thống mà nhạc sỹ còn sáng chế ra một loại âm sắc mới lạ của hệ đàn phím gõ như đàn piano, gần gũi với âm sắc dân tộc, hoà trộn nhuần nhị với âm sắc đàn bầu, đàn tranh, đàn ghi ta phím lõm, đưa đến hiệu quả âm nhạc cao và giữ nguyên bản sắc âm nhạc truyền thống Việt Nam.
      Hiện Việt Nam có 4 cây Lạc Cầm. 3 cây Lạc Cầm 12, 13, 15 vừa được nhạc sỹ Mác Tuyên trao tặng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Giám đốc Bảo tàng Cách mạng, Triệu Văn Hiển chia sẻ: Lạc Cầm không chỉ là một nhạc cụ quý, độc đáo cần được lưu giữ, trưng bày trong Bảo tàng để giới thiệu rộng rãi với bạn bè quốc tế và các thế hệ mai sau.
      Còn Lạc Cầm 16 sẽ đi vào đời sống âm nhạc. Các nghệ sỹ không rành cơ khí lỡ nhìn xuống gầm đàn có khi choáng bởi những thanh, những ống, những tai hồng, pêđan, nhưng chỉ cần hướng dẫn qua, họ “mê” luôn, bởi đây là nhạc cụ dễ tập luyện và có thể chơi được ngay. Với công năng đa dạng lại dễ sử dụng như thế, Giám đốc Trung Tâm bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc, GS Hoàng Chương có cơ sở để tin tưởng tiếng Lạc Cầm sẽ bay cao, bay xa. Cũng như nhận định của Phó chủ tịch Hội đồng âm nhạc Quốc tế Unesco, GS Trần Văn Khê: Lạc Cầm nói được tiếng nói của dân tộc mình. Nếu cây đàn này đưa ra thế giới biểu diễn thì đó là niềm hãnh diện của chúng ta. Được biết, tới đây, Lạc Cầm 16 sẽ tái xuất hiện trước công chúng Thủ đô chào mừng ngày bầu cử Quốc hội Khóa XII.

Thái Sơn