Ký họa thời chiến

- Thứ Sáu, 10/05/2019, 08:05 - Chia sẻ
Ký họa đã trở thành loại hình mỹ thuật, mang sứ mệnh truyền tải hiện thực nóng hổi trong những năm kháng chiến. Chính tính thực làm cho khoảnh khắc bấy giờ sống mãi, biến ký họa trở thành một kiểu viết sử bằng tranh, lưu giữ ký ức.

Câu chuyện của người trong cuộc

“Chỉ có những người trong cuộc mới vẽ được như thế”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói như vậy nhân xem triển lãm ký họa của các họa sĩ Miền Nam tại Hà Nội năm 1967. Nhìn vào chân dung mỹ thuật Việt Nam hiện đại không thể không nhắc đến thể loại ký họa chiến tranh. Khởi đầu chính là những bức ký họa trong kháng chiến chống Pháp của thầy trò khóa Tô Ngọc Vân cho đến ký họa của các họa sĩ ở cả hai miền Nam và Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ở chính điều này, lịch sử mỹ thuật Việt Nam đã song hành với lịch sử dân tộc.


“Đường Trường Sơn theo dòng suối” (1995), thuốc nước trên giấy của họa sĩ Nguyễn Thanh Châu

Chẳng phải ngẫu nhiên mà ký họa chiến tranh lại trở thành thể loại chủ đạo của mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ Lê Thiết Cương phân tích, 30 năm chiến tranh (1945 - 1975) với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đương nhiên ký họa là thể loại vừa thích nghi vừa phù hợp với hoàn cảnh một cách hoàn toàn tự nhiên. Cuộc sống trong giai đoạn chiến tranh đầy khó khăn, gian khổ, họa phẩm thiếu thốn, thời gian không nhiều. Bên cạnh đó là nhịp sống luôn biến động, di chuyển, thay đổi liên tục nên các chất liệu như sơn dầu, sơn mài, lụa… đòi hỏi thời gian sáng tác lâu là không thể. Chỉ còn ký họa trên giấy bằng bút sắt, bút chì, than hoặc điểm mầu nước mới bắt kịp diễn biến của cuộc chiến.

Phần lớn tác giả của tranh ký họa là người lính. Họ vẽ mình và vẽ về chính cuộc sống của mình. Họ là một phần của cuộc chiến chứ không phải người ngoài, hay đứng ngoài nhìn vào. Tình yêu hội họa, sự say nghề và lòng yêu nước ở họ là một, yêu vẽ với yêu nước là một, hoàn toàn tự nhiên như hơi thở. Họa sĩ Lê Trí Dũng nhớ lại ngày tháng cuối cùng trong trường mỹ thuật sục sôi tinh thần ra chiến trường. Đường ra chiến trường, qua dải Trường Sơn, đối mặt với bao nhiêu cửa tử, các họa sĩ trở thành người lính thực thụ, ở một mặt trận khác, để ghi lại thời khắc khốc liệt mà hào hùng của đất nước.

Những bức ký họa chiến tranh đều có cái giá của sinh tử. Cho nên, qua mấy chục năm, nhưng khi xem lại vẫn cảm thấy như vừa vẽ xong, vẫn thấy “nóng”, vẫn thấy sống động, vẫn thấy đầy ắp không khí chiến tranh, vẫn “nghe” thấy tiếng đạn bom vang lên từ mỗi bức tranh.

Linh hồn của hội họa

Công chúng có cơ hội tận mắt chứng kiến những khoảnh khắc hào hùng một thời của đất nước thông qua hơn 200 bức ký họa trong triển lãm “Ký ức đường Trường Sơn”, đang diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại - VCCA Hà Nội. Các bức ký họa được sáng tác trực tiếp trong thời kỳ chiến tranh, trong đó nhiều ký họa trực tiếp trên tuyến đường Trường Sơn những năm 1960 - 1975 của cố họa sĩ Đào Đức, Hoàng Đình Tài; các họa sĩ Trần Huy Oánh, Chu Thảo, Lê Trí Dũng, Phạm Lực, Nguyễn Đức Dụ. Ngoài ra, một số tác phẩm của cố họa sĩ Nguyễn Thanh Châu và họa sĩ Nguyễn Đức Dụ được vẽ sau này dựa trên những tài liệu, ghi chép, ký họa thời chiến. Đấy chỉ là một phần trong kho ký họa về cuộc kháng chiến chống Mỹ, về đường Trường Sơn huyền thoại, nhưng người xem vẫn thấy đầy đủ về cuộc sống và chiến đấu của người lính cũng như những đoàn quân đã đi qua con đường này.

Mỗi tác phẩm ký họa là một góc nhìn chân thực, tái hiện một phần lịch sử chiến tranh. Theo họa sĩ Trần Huy Oánh, không chỉ nghệ thuật, ký họa quý ở nhiều giá trị tinh thần, ở cảm xúc lịch sử mà nó mang lại. Vì ký họa là họa sĩ vẽ cảm giác của mình trước cuộc sống chứ không phải tả chính xác cuộc sống đó. “Nhớ hồi mới vào chiến trường, tôi vẽ cái ô tô mà cả ngày không được. Tôi mới nghĩ, Hà Nội thiếu gì ô tô, sao đi cả nghìn cây số vào đây chỉ để vẽ cái ô tô? Xong rồi lại nghĩ, à không phải, tôi không vẽ ô tô mà là vẽ cuộc sống của cái ô tô, là cái cuộc sống gắn với bùn lầy, đá sỏi, bom đạn… Nghệ thuật gần cuộc sống thì nghệ thuật mới có linh hồn”. 

Vì vậy, ký họa giống như một lời nhắc nhớ giờ khắc chân thật đã qua, cũng là nói lên sứ mệnh của nghệ thuật trải qua các cuộc chiến tranh Việt Nam đã được nâng lên thành một loại hình hội họa. Tuy nhiên, thế hệ họa sĩ bây giờ ngày càng ít quan tâm đến ký họa như một loại hình độc lập mà thường chỉ coi nó như bản khởi thảo cho tác phẩm lớn. Họa sĩ trẻ Doãn Hoàng Lâm chia sẻ, khi mới ra trường, anh cũng như thế hệ của mình, không quan tâm đến ký họa mà chỉ thích tranh sơn mài, sơn dầu…, cho đến ngày ngộ ra rằng ký họa có giá trị của nó, kể câu chuyện và lịch sử theo một cách riêng. Đặc biệt, trong hoàn cảnh đất nước khốc liệt, tác giả của tranh ký họa chính là những người lính cầm bút vẽ, can trường, dũng cảm để lưu lại hơi thở của cuộc chiến.

 “Triển lãm tranh ký họa vì vậy là cách khơi cảm hứng để các bạn trẻ có thể phát triển trên truyền thống của ký họa chiến tranh”, họa sĩ Lê Thiết Cương nói.

Thái Minh