Khi nhà viết kịch là chính khách

- Chủ Nhật, 09/06/2019, 08:16 - Chia sẻ
Ở tuổi ngoại bát tuần, nhà viết kịch xông xáo, niềm tự hào một thời của sân khấu Việt, đồng thời của nữ ĐBQH Khóa IX-X sở hữu một “gia tài” đáng nể về những tiếng nói nhiệt thành mà bà đã tâm huyết đóng góp vào đời sống cũng như trong nghệ thuật.

1. Thanh Hương đến với sân khấu khá sớm. Từ những ngày là học sinh PTTH trong kháng chiến chống Pháp ở quê hương Nghệ An, bà đã cho thấy năng khiếu và say mê kỳ lạ về viết, diễn kịch. Tốt nghiệp 9 năm trung học kháng chiến, bà xung phong đi dân công giao thông, được giao làm đội trưởng văn nghệ công trường làm đường miền Tây Nghệ An. Tại đây, năm 1954, năm 17 tuổi, Thanh Hương đã sáng tác vở kịch đầu tay mang tên “Chuyện anh Đôi”. Thành công bất ngờ của vở kịch tự biên tự diễn có lẽ đã giúp Thanh Hương tự tin chọn trở thành một nhà viết kịch chuyên nghiệp. 8 năm sau vở kịch tuổi hoa niên đáng nhớ ấy, năm 1962, Thanh Hương đã là tác giả vở diễn của một đơn vị sân khấu chuyên nghiệp nổi tiếng, vở “Mùi hoa bưởi” của Đoàn Chèo Cổ Phong, Hà Tây. Thành công của “Mùi hoa bưởi” giúp Thanh Hương từ năm 23 tuổi đã được chuyển công tác về Vụ Nghệ thuật Bộ Văn hóa rồi Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam với tư cách một nhà viết kịch chuyên nghiệp, trở thành đồng nghiệp của các tên tuổi lớn của sân khấu Việt Nam hồi ấy như Thế Lữ, Nguyễn Đình Nghi, Trúc Đường, Kính Dân, Tào Mạt, Hoài Giao, Xuân Trình, Tất Đạt…

Từ ấy cho đến năm 1992, năm Thanh Hương trúng cử ĐBQH Khóa IX, từ một nhà viết kịch chuyên nghiệp chuyển sang làm chính khách chuyên nghiệp (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ 2 khóa), trong thời gian 30 năm, nhà viết kịch xuất thân từ cô dân công hỏa tuyến xứ Nghệ ấy đã kịp có một “gia tài” nặng ký: Hơn 30 kịch bản được các đơn vị sân khấu nổi tiếng dàn dựng, thu hút người xem, ghi dấu ấn tại các kỳ liên hoan hội diễn. Thành công của các vở diễn mà Thanh Hương là tác giả như Đôi bạn, Tình xuyên đại dương (Nhà hát Kịch Trung ương), Ngôi sao ban ngày, Bản tình ca màu xanh, Thung lũng tình yêu, Đỉnh cao và vực thẳm, Đời người giấc mộng (Đoàn Kịch nói Hà Nội), Niềm hạnh phúc không tên (Đoàn Cải lương Kim Phụng), Vàng, Khi tình yêu lên tiếng (Đoàn Kịch nói Quảng Ninh), Bài ca người mẹ (Đài Tiếng nói Việt Nam), Mảnh đất hồi sinh (Đài Truyền hình Việt Nam)… đã ghi đậm cái tên Thanh Hương trong ký ức khán giả và đồng nghiệp sân khấu, từ những năm cuối kháng chiến chống Mỹ cho tới những năm đầu sự nghiệp đổi mới, một thời đáng tự hào của sân khấu và văn học nghệ thuật Việt Nam.

 “Nếu sân khấu Việt Nam được vinh dự coi là một trong những loại hình nghệ thuật đi đầu, “cánh chim báo bão” của công cuộc đổi mới thì công lớn thuộc về ba vở kịch “Tôi và chúng ta” của Lưu Quang Vũ, “Mùa hè ở biển” của Xuân Trình và “Vàng” của Thanh Hương”.

2. Thanh Hương vừa là nhân chứng vừa là người góp phần tạo nên cái thời mà bây giờ nhớ lại người ta thường gọi là thời hoàng kim của sân khấu Việt Nam. Đó là thời sân khấu rất hạnh phúc vì thấy mình thực sự có ích, cần thiết cho cuộc sống của đất nước. Các buổi diễn sân khấu dù là kịch nói hay ca kịch truyền thống, dù ở rạp hát trung tâm thành phố hay các sân bãi ngoài trời, bao giờ cũng đông chật khán giả. Sân khấu được bàn nhiều không chỉ trên báo chí truyền thông mà còn ở trong công sở, ở các quán nước bình dân, trên các chuyến tàu xe. Đó là thời các đơn vị sân khấu hết sức hào hứng đi và diễn, còn các tác giả rất hào hứng đi và viết. Nhiều tác giả sân khấu luôn có mặt ở những điểm nóng, những nơi được coi là những tuyến đầu, những nơi gian truân nguy hiểm nhất của cuộc sống, cuộc chiến đấu, sẵn sàng trả giá cho những trang viết bằng chính mạng sống của mình. Và Thanh Hương là một trong những nhà viết kịch xông xáo nhất thời ấy.

Những năm chống Mỹ, bà từng có mặt ở Hợp tác xã Đại Phong nổi tiếng, tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh, vào tận các cổng trời trên đường Trường Sơn rồi có mặt ở Sài Gòn những ngày đầu giải phóng… Sau 1975, bà lại từng ăn dầm nằm dề ở công trình Thủy điện sông Đà, Viện Cây trồng và Rau quả, Viện hạt nhân Đà Lạt, các mỏ Cọc 6, Mông Dương vùng mỏ Quảng Ninh, đến với các thủy thủ viễn dương ở Hải Phòng, vào các làng quê Duy Xuyên, Quảng Nam… Thanh Hương thường tự nhận nếu không có những chuyến đi thực tế, bà không thể nào sáng tác nổi. Nói theo cách nói thời ấy thì những chuyến đi thực tế không chỉ giúp bà có cảm hứng và vốn sống để sáng tác mà còn giúp bà “sáng mắt sáng lòng”, có khả năng nhận diện cuộc sống đúng thực chất, có dũng khí để yêu ghét phân minh, biết ca ngợi người đáng ca ngợi, phê phán kẻ đáng phê phán. Sức mạnh, sức hấp dẫn lớn nhất của các tác phẩm kịch Thanh Hương chính là ở khả năng đó và vở  “Vàng” trên sân khấu Đoàn Kịch nói Quảng Ninh là một minh chứng.

Nếu sân khấu Việt Nam được vinh dự coi là một trong những loại hình nghệ thuật đi đầu, “cánh chim báo bão” của công cuộc đổi mới thì công lớn thuộc về ba vở kịch “Tôi và chúng ta” của Lưu Quang Vũ, Đoàn Kịch nói Hà Nội; “Mùa hè ở biển” của Xuân Trình, Đoàn Kịch nói Hà Nam Ninh; và “Vàng” của Thanh Hương, Đoàn kịch nói Quảng Ninh. Không hẹn mà gặp, cả ba vở này đều được các tác giả viết năm 1984, xuất hiện trên sân khấu năm 1985, trước Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ VI một năm, và đều gây tiếng vang lớn bởi sự dũng cảm công phá không thương tiếc cơ chế tập trung quan liêu bao cấp cả ở sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, ca ngợi những con người đi đầu mở đường cho cơ chế mới, cơ chế người lao động được thực sự làm chủ xưởng máy, ruộng đồng, làm chủ cuộc đời mình. Trong ba vở kịch có tính chất “phá xiềng” này, “Vàng” của Thanh Hương là quyết liệt nhất, khi không ngần ngại phanh phui cuộc sống nghèo đói bế tắc kiệt cùng của người công nhân mỏ và kết thúc bằng vụ sập hầm lò, cái chết của một nữ công nhân lương thiện và người giám đốc dám thay đổi tư duy, thay đổi phương thức sản xuất được công nhân tuyệt đối ủng hộ không chỉ bị cách chức mà còn bị ngồi tù. “Đổi mới hay là chết” chính là thông điệp cực nóng mà người xem nhận được từ “Vàng” của nhà viết kịch gốc Nghệ trong “đêm trước của sự nghiệp đổi mới”.

3. Giờ đây, đọc lại các vở kịch của Thanh Hương viết từ 20, 30, 40 năm trước, tôi vẫn ngạc nhiên vì sức sống vượt thời gian của chúng. Ngay cả một vở tưởng đã quá cũ kỹ như vở “Đôi bạn”, viết hơn 50 năm trước về phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc, vở kịch của Thanh Hương vẫn chất chứa nỗi đau, sự bất hạnh cũng như niềm vui, niềm hạnh phúc rất thật, không bao giờ cũ của con người.

Hay như vở “Ngôi sao ban ngày” được Thanh Hương hoàn thành ngay sau chuyến bà gửi hai đứa con thơ cho cơ quan Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam để vào sống với thanh niên xung phong và bộ đội cầu đường Trường Sơn năm 1972, cái năm ác liệt nhất của Đường 20 Quyết Thắng, của Phu La Nhích, Tà Lê, Lùm Bùm, Chà Là… Đây là một trong những vở kịch dài đầu tiên về đề tài Trường Sơn, chỉ sau “Đỉnh cao phía trước” của nhà viết kịch Tào Mạt. Tuy vậy, cho đến nay, theo tôi, “Ngôi sao ban ngày” vẫn là một trong những vở kịch xúc động nhất, hiện đại nhất về đề tài Trường Sơn. Vở kịch xúc động vì đã làm sống lại một cách chân thật cuộc sống anh hùng, bi thương của các chiến sĩ Trường Sơn.

Rồi hàng loạt vở kịch Thanh Hương viết những năm 1980 - 1990, giai đoạn sung mãn của tài năng kịch lớn này, những Bản tình ca màu xanh, Đỉnh cao và vực thẳm, Tình xuyên đại dương, Thung lũng tình yêu, Vàng, Niềm hạnh phúc không tên, Hoa đất, Khi tình yêu lên tiếng, Đời người giấc mộng... Dù viết về lĩnh vực nào, vùng đất nào, thời điểm nào của lịch sử đất nước, loạt kịch này đều rất chân thật, sinh động, mới mẻ, bất ngờ, hấp dẫn và đều đem đến cho người đọc, người xem những bài học nhân sinh thiết thân khó quên; rất đáng để được chỉnh sửa, dàn dựng lại trong tình trạng khan hiếm kịch bản gay gắt như hiện nay.

*       *
*

Có rất nhiều điều để nói về Thanh Hương. Đó là một người mẹ đơn thân đầy mạnh mẽ. Một nữ ĐBQH Đặng Thị Thanh Hương tận tụy, xông xáo, sắc sảo, quyết liệt ở thời kỳ đầu đổi mới. Nhưng, với tôi, trước hết và sau cùng, Thanh Hương là một nhà viết kịch và một nhà viết kịch xuất sắc, một niềm tự hào của sân khấu Việt Nam. Đó là người đã đi thẳng từ sàn diễn quần chúng đến sân khấu chuyên nghiệp. Đó là người luôn cho thấy sân khấu cần cuộc đời và cuộc đời cần sân khấu như thế nào.

Nguyễn Thế Khoa