Khi con phố chia làm 2 thế giới

- Thứ Tư, 25/04/2007, 00:00 - Chia sẻ
Tuổi thơ Harry Bernstein gắn liền với con phố nghèo của người Do Thái tại thị trấn Lancashire. Ở đó, người theo đạo Thiên chúa sống một bên còn người Do thái ở phần còn lại. Chỉ có 1 đoạn đường mà xa xôi ngàn dặm. The invisible wall (Bức tuờng vô hình) là những hồi ức của tác giả nói về sự khác biệt giữa 2 nền văn hóa không thể dung hòa và những sự hiểu lầm đã bóp méo cuộc sống của 2 tộc người.

      Bố mẹ của Bernstein cũng như nhiều người hàng xóm đến từ Nga và Ba Lan đều là dân tị nạn ở Anh. Thời điểm bấy giờ, phong trào chống chủ nghĩa Xê-mít đang lên cao. Sự miệt thị đối với những người dân Do thái rất rõ rệt. Những người theo Thiên chúa giáo- thường hay trêu ghẹo, lăng mạ thậm chí còn đánh đập những đứa trẻ Do thái trên đường chúng đến trường- chỉ bị coi đó là “cơn nóng giận” nhất thời. Những người Thiên chúa giáo có những cửa hàng riêng và được làm việc trong các xưởng dệt. Còn người Do thái thì thường làm những công việc có thu nhập thấp như ở tiệm may hay cầm đồ. Nhà Bernstein rất nghèo. Bố lại là một người nát rượu. Tiền kiếm được chỉ để ông uống rượu mặc cho vợ phải đi xin ăn để nuôi 2 đứa con gái và 3 đứa con trai. Đêm đêm, cậu em trai Harry ngủ phía cuối giường của 2 ông anh luôn phải lo tránh né những cái đá vô tình của các anh.
      Trong cuốn sách đầu tay của mình, nguời đàn ông 96 tuổi này dường như đưa người đọc vào một câu truyện cổ tích. Những câu chuyện thường nhật trong cuộc sống gia đình tác giả và hàng xóm đuợc đưa vào cuốn sách sinh động. Bernstein kể về quá khứ đau khổ của mình rất nhẹ nhàng, không một chút ủy mị. Những điều thú vị về thời thơ ấu, sự sợ hãi, nghèo khổ đều được tác giả thi vị hóa. Ví dụ như việc mẹ giặt đồ được miêu tả như một trò chơi. Bà đứng dưới gác và lần lượt 5 đứa trẻ ném đồ của chúng xuống cho bà. “Một số thứ thì bà bắt được. Còn những đồ khác thì trùm lên cả đầu, lên mặt bà hoặc rơi rải rác xung quanh. Sau khi thu dọn, bà vá, sửa lại những chỗ bị rách, hỏng rồi giặt đến tận đêm khuya dưới ánh đèn ga”.
      Nhưng ký ức trẻ thơ của ông còn là những hình ảnh, cảm xúc đáng sợ muốn lãng quên. Ông có một người chị gái học rất giỏi. Bà đã giành được học bổng của một trường học ở địa phương. Nhưng trong ngày đầu tiên ra trường, bà đã bị bố ông giật tóc, lôi đến tiệm may, bắt làm việc. Rồi ấn tượng về sự phân biệt chủng tộc cũng in đậm trong ông khi người anh trai- một người có ước mơ cháy bỏng là trở thành nhà báo, đã bị chủ một tờ báo ở Manchester nhục mạ khi đến phỏng vấn. “Hãy về với những nơi mà nó thuộc về anh, là tiệm quần áo, cầm đồ hay những khu chợ. Nó sẽ tốt hơn đối với anh”. Lily- người chị gái của ông- lại rơi vào chuyện rắc rối trong tình cảm kiểu như thiên tình sử Romeo và Juliet. Bà đem lòng yêu con trai của một người chủ cửa hàng ở địa phương. Người con trai đó theo Thiên chúa giáo và đó là điều cấm kị. Việc làm này như một sự khiêu khích với văn hóa và tôn giáo và có thể phải trả giá bằng mạng sống của mình. Mẹ của Bernstein rất lo lắng và đã viết thư cho họ hàng ở Mỹ để xin vé tàu, cho Lily sang nhập cư tại Mỹ. “Tôi không muốn con gái tôi phải chết, hãy giúp tôi”- là những dòng mà người mẹ đau khổ đã viết trong lá thư. 
      Những tình huống hay đối thoại trong sách thì một đứa trẻ 5 tuổi khó có thể nhớ được, nhưng với kinh nghiệm và kỹ năng của mình, Bernstein đã khéo léo sử dụng các câu chuyện của những nhân vật mà ông biết rõ, kể cả những người thân trong gia đình mình, để nói lên được bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ.

Cao Đỗ Văn
Theo New York Times