43 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2018)

Gò Nổi vươn mình

- Thứ Bảy, 28/04/2018, 09:06 - Chia sẻ
Dọc mảnh đất miền Trung đầy nắng gió, những năm kháng chiến chống Mỹ, từng tấc đất đều thấm đẫm máu và nước mắt. Cùng với nhiều nơi khác, chiến trường Quảng - Đà là một trong những chiến trường ác liệt, chứng kiến sự càn quét điên cuồng của Mỹ - Diệm với các loại vũ khí tối tân, sức tàn phá kinh hoàng. “Nhất Củ Chi - Nhì Gò Nổi”, trong ký ức những người con vùng cù lao này vẫn vẹn nguyên những trận càn, hố bom, nhưng vẫn quật cường vươn lên trong gian khó.

Mảnh đất trung kiên

Những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi về Gò Nổi - tên gọi thân thuộc của 3 xã Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam). Gò Nổi, như chính cái tên của mình, là vùng cù lao được bao bọc, nuôi dưỡng bằng sự màu mỡ, phì nhiêu của ba con sông Thu Bồn, Chiêm Sơn và Bến Giá. Trên mảnh đất địa linh này, biết bao người con ưu tú đã được sinh ra, làm nên tên tuổi một vùng quê yêu nước, hiếu học.

Trong số những hiền tài đất Quảng, vùng Gò Nổi có nhiều tên tuổi nổi bật, như: Tổng đốc thành Hà Nội Hoàng Diệu, chí sĩ Trần Cao Vân, Phạm Phú Thứ, Phan Thành Tài… Nơi đây cũng ghi danh 3 trong số 5 danh sĩ làm nên kỳ tích “Ngũ phụng tề phi” lẫy lừng đất Quảng, là tiến sĩ Phạm Liệu, Phạm Tuấn, phó bảng Dương Hiển Tiến. Gò Nổi cũng là nơi sinh ra những anh hùng, liệt sĩ trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm như y sĩ - liệt sĩ Lê Đình Dương, bác sĩ - cư sĩ Lê Đình Thám, nhà hoạt động cách mạng Phan Thanh, Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi), các anh hùng Trần Thị Lý, Nguyễn Trọng Nghĩa, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Quang Vinh...

Suốt thời kỳ chống đế quốc Mỹ, Gò Nổi ghi dấu bao chiến công của quân và dân Quảng Nam, được xem là chiếc nôi của cách mạng Khu V. Như một cách diễn đạt sự khốc liệt của cuộc chiến, người dân đất Quảng vẫn truyền tụng câu: “Nhất Củ Chi - Nhì Gò Nổi”, để nói phẩm chất anh hùng của những người con quyết một lòng phụng sự Tổ quốc, non sông, “một tấc không đi, một ly không rời”… 

Cựu chiến binh Đặng Văn Hùng (xã Điện Phong) vẫn chưa thể nào quên những trận mưa bom quân đội Mỹ rải xuống sau sự kiện Mậu Thân 1968. Ông bảo, ngày ấy, Gò Nổi chỉ có những hố bom, làng xóm, ruộng vườn bị tàn phá tiêu điều, không một mái tranh còn vẹn nguyên. Người già và trẻ em thì được đưa đi sơ tán, còn lại quyết bám trụ chiến đấu đến cùng. Hết thế hệ này đến thế hệ khác nối tiếp nhau bảo vệ quê hương. Gò Nổi trở thành vành đai quan trọng cho cách mạng, cái nôi của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Khu V, một biểu tượng bi hùng của tấm lòng thủy chung son sắt với lý tưởng đất nước, dân tộc. 

Vẫn nhớ như in những ngày kháng chiến, nguyên Chủ tịch Mặt trận xã Điện Quang Phan On rưng rưng cho biết: Lúc bấy giờ, Điện Quang - quê hương Chương Dương - Hoàng Diệu, vùng đất “Ngũ phụng tề phi” quê ông cùng với Điện Trung, Điện Phong là mục tiêu ưu tiên tận diệt của giặc Mỹ, vì là nơi cũng cấp lương thực chủ lực cho bộ đội. Tiêu diệt được những hạt nhân cách mạng Gò Nổi là chặn đứng nguồn chi viện cho cách mạng khu V, nên chúng cày xới điên cuồng. “Sau năm 1975, quê tôi chỉ là một vùng mênh mông cát trắng. Hàng trăm hộ dân trong cảnh không điện, không đường, không trạm, đời sống hết sức khó khăn, vất vả”, ông Phan On nhớ lại.

Còn với nguyên Trưởng ban An ninh xã Điện Phong Trương Xuân Châu, thời khắc Gò Nổi vùng lên giành chính quyền cùng cả nước đến giờ vẫn vẹn nguyên. Suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ, Gò Nổi như lá cờ đầu của tinh thần bất khuất, ngoan cường.


Gò Nổi nhìn từ cầu Câu Lâu trên Quốc lộ 1A là vùng cù lao rộng lớn, đất đai phì nhiêu, xanh ngắt một màu
Ảnh: Tuấn Nguyên

Lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới

Xây dựng Gò Nổi thành vùng du lịch cộng đồng sinh thái

Gò Nổi là vùng cù lao phì nhiêu, lại là mảnh đất địa linh nhân kiệt, với những di tích lịch sử - văn hóa có giá trị và nhiều danh nhân qua các thời kỳ. Với những điều kiện thuận lợi này, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đang mạnh dạn xây dựng Gò Nổi thành vùng du lịch cộng đồng sinh thái để tạo thêm sản phẩm du lịch, điểm đến mới với kỳ vọng đánh thức tiềm năng mảnh đất này, kết nối với những vùng đất di sản của Quảng Nam nói riêng, miền Trung nói chung. Tour du lịch khám phá vùng Gò Nổi được thị xã Điện Bàn triển khai thử nghiệm có thể bắt đầu từ phố cổ Hội An bằng đường thủy. Du khách lênh đênh trên dòng sông Thu Bồn, ghé thăm làng du lịch cộng đồng Triêm Tây, cơ sở đất nung Lê Đức Hạ, gỗ Nguyễn Văn Tiếp, làng nghề Đông Khương (xã Điện Phương)…

Bước ra từ đổ nát của chiến tranh, bằng trái tim của những con người quật cường, Gò Nổi nay đã hồi sinh thành vùng nông thôn trù phú. Hơn 40 năm là khoảng thời gian đủ minh chứng cho những khát vọng, nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thị xã Điện Bàn nói chung, 3 xã cù lao Gò Nổi nói riêng. Có thể nhận thấy, xây dựng NTM là một cuộc cách mạng mới đối với 3 xã vùng Gò Nổi. Không chỉ làm thay đổi hình thức sản xuất, đem lại đời sống ấm no, cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho khu vực nông thôn, NTM đã làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người dân, khẳng định vai trò chủ thể của họ.

Theo tỉnh lộ 610B, chúng tôi đến xã Điện Phong, vùng đất khó khăn nhất của Gò Nổi. Với địa hình phức tạp, bị sông ngòi chia cắt, dân cư chia nhiều khu vực, đất đai sản xuất phân tán nhỏ lẻ, ảnh hưởng đến dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng... Tuy nhiên, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã thực sự mang đến diện mạo mới cho vùng đất trung kiên thuở nào. Đồng thuận với chủ trương lớn của Nhà nước, người dân đã tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi và đóng góp hàng chục tỷ đồng xây dựng các thiết chế khác. Xây dựng NTM ở Điện Phong thật sự tạo đòn bẩy cho kinh tế không ngừng phát triển, đời sống nhân dân sung túc hơn.  

Trên quê hương Điện Quang, vùng đất mà ngay từ năm đầu giải phóng, khi người dân trở về làng cũ, lãnh đạo xã đã vận động nhà nhà lấp hố bom, khai hoang phục hóa, mở ra những tuyến đường và quy hoạch nên những khu dân cư đồng bộ. Được tỉnh Quảng Nam chọn làm xã điểm xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những tuyến đường bê tông liên thôn, xã; hệ thống kênh mương đồng ruộng, điện lưới, thủy lợi... đã góp phần thay đổi căn bản diện mạo vùng quê. Chỉ sau 4 năm, Điện Quang trở thành xã điểm đầu tiên hoàn thành nông thôn mới trên toàn tỉnh Quảng Nam với 19/19 chỉ tiêu hoàn thành, về đích trước 1 năm so với kế hoạch.

Cũng như Điện Quang và Điện Phong, định hướng đúng về lợi thế, xã Điện Trung đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả xuất hiện. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chuyển biến tích cực, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân. Đến năm 2017, kinh tế xã có sự tăng trưởng khá, bình quân đạt 11,23%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,03% năm 2015 xuống còn 2,06 % vào cuối năm 2016 (Nghị quyết đến năm 2020 là 2,5%); bình quân thu nhập đầu người tăng từ 22 triệu đồng năm 2015 lên 31,350 triệu đồng cuối năm 2017.   

Gò Nổi hôm nay, hạ tầng cơ sở đầu tư xây dựng khang trang. Các khu dân cư được quy hoạch bài bản; chăn nuôi, trồng trọt ngày càng phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững. Những thôn NTM kiểu mẫu ngày càng nhiều. Cùng với phát triển kinh tế, cơ sở vật chất, đời sống văn hóa của người dân Gò Nổi cũng được quan tâm. Nhiều công trình, di tích được xây dựng, trùng tu. NTM thực sự là đòn bẩy để vùng quê Gò Nổi phát triển mạnh mẽ.

Gần nửa thế kỷ, trải qua bao biến thiên của lịch sử, mảnh đất Gò Nổi vẫn tiếp tục đi đầu trong việc nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, xây dựng nông thôn khang trang, giàu đẹp. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, Gò Nổi đang chuyển mình mạnh mẽ, vươn lên cùng sự phát triển chung của tỉnh Quảng Nam và cả nước.

TUẤN NGUYÊN