Chợ quê - một nét văn hóa của làng Việt

- Thứ Bảy, 11/08/2007, 00:00 - Chia sẻ
Nhắc đến làng quê không thể không nhắc đến cái chợ. Chợ là nơi lưu giữ tổng thể những nét văn hoá cũng như tục lệ của người dân nơi đó. Tưởng chừng cái chợ chỉ là sự hiện hữu cụ thể người ta vẫn nhìn thấy, vẫn biết nhưng bản chất văn hoá bên trong của nó thì ít người biết được.

      Chợ quê thường nằm trên một mảnh đất rộng, có thể ở vị trí trung tâm hoặc ở làng. Chợ không phải quá lớn mà nó phù hợp với không gian chung của làng. Khách đi chợ cũng như người bán hàng đều là dân trong làng, hoặc ở các làng xung quanh. Sản phẩm ở chợ cũng có đủ thứ, các loại rau quả, các loại thực phẩm, đồ vật. Hầu hết các sản phẩm đó đều là “cây nhà, lá vườn” của người dân quê. Chính vì vậy chỉ cần nhìn vào chợ quê người ta cũng có thể thấy đời sống kinh tế của người dân trong làng. Hình thành trên cơ sở nền kinh tế nông nghiệp tự cung, tự cấp chợ làng chính là mô hình thu nhỏ của một nền kinh tế xưa cũ. Song nhìn về góc cạnh văn hoá thì chợ làng giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong tâm thức mỗi người.
      Chợ quê thường họp rất sớm, nhiều làng chợ họp từ 5 giờ sáng, cũng có làng muộn hơn. Không phải ngẫu nhiên mà chợ được họp sớm như vậy, đó là tính chất công việc, thói quen của người dân quê. Người dân thường đi chợ rất sớm, mua thức ăn cho cả ngày để còn đi làm ruộng, cấy cầy, chăn trâu, chăn bò. Cũng do ảnh hưởng thói quen đó mà chợ làng thường chỉ họp vào buổi sáng và tan rất sớm và khoảng 9 hay 10 giờ thì chợ đã tan. Không phải làng nào cũng có chợ, chợ thường tập trung ở một làng trung tâm của xã. Đó là những chợ làng lớn. Còn nhiều làng, trong các ngõ nhỏ vẫn tồn tại những cái chợ nhỏ được gọi là chợ thôn hoặc chợ xóm. Ở nhiều vùng quê còn có chợ phiên, chợ phiên cũng chính là một phần văn hoá thu nhỏ của chợ quê. Chợ phiên thường mở theo định kỳ, có chợ một tháng mở một lần, cũng có chợ mấy tháng mới mở một lần. Điều này do quy định cũng như tục quán của mỗi làng. Chợ phiên thường chỉ bán chuyên một mặt hàng nào đó nhưng cũng có khi bán tổng thể các mặt hàng. Sản phẩm của chợ phiên thường phong phú và đa dạng hơn chợ làng ngày thường. Chợ không chỉ dừng lại ở việc buôn bán và trao đổi hàng hoá, đây còn là những nét văn hoá làng được thể hiện qua đời sống hàng ngày của người dân quê.
      Người dân trong làng đã quen với tiếng mời mua hàng của các bà hàng rau, hàng thịt... Tiếng nói chuyện, ở góc nọ, góc kia của chợ, thậm chí cả tiếng chửi nhau của người bán và người mua. Đó là những cảm xúc rất thường nhật, là cái hiện hữu vô hình nhưng lại không thể thiếu. Người dân quê quen mặt  hết các bà bán hàng, vì họ chẳng phải ai xa lạ, không là người trong làng thì cũng là người làng khác. Mà có là người làng khác thì cũng trong một xã, họ quen nhau. Vì vậy hôm nay thấy bà bán rau không đi, chị bán thịt vắng mặt người ta lại hỏi thăm nhau. Thông qua hoạt động mua, trao đổi thông tin mà chợ trở thành nơi các phong tục văn hoá khác nhau tìm đến tiếng nói chung. Một phần đời sống của người dân quê được khắc hoạ và thể hiện qua cái chợ làng. Những chuyện hàng ngày của mỗi gia đình, mỗi người đều được thông tin qua cái chợ. Người làng đi chợ cũng là dịp để họ gặp nhau, hỏi thăm nhau. Hầu hết câu chuyện chỉ xoay quanh con trâu, mảnh ruộng, chuyện cấy cầy nhà nông. Nhắc đến chợ làng phải nhắc đến chợ làng những ngày Tết. Chợ làng ngày Tết còn là dịp gặp gỡ của những người xa xứ. Người Việt có một đặc điểm dù đi đâu, làm gì và ở đâu thì hết năm thường về quê ăn Tết. Người  xa quê thích nhất được đi sắm tết ở chợ làng, họ muốn mua những nải chuối quê, những quả cau, lá trầu để cúng tổ tiên. Rồi họ đổ nhau đi mua lá dong, lá chuối về gói bánh chưng, bánh gai, mớ rau, củ hành để ăn trong ba ngày tết. Tất cả đều là sản phẩm của những người dân quê. 
      Chợ quê đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển văn hoá làng. Nó không chỉ tồn tại như một sự việc được tái hiện hàng ngày mà nó còn là một nét văn hóa được truyền từ đời này qua đời khác. Hiện nay chúng ta đang xây dựng và khôi phục văn hoá làng với những phong tục tín ngưỡng của nó. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hoá, Bộ VH-TT: Để bảo vệ các di sản văn hoá không có điều kiện nào tốt hơn để bảo tồn giá trị di sản đó bằng chính môi trường sản sinh ra nó. Toàn bộ môi trường không gian, tập tục nhân văn ở các làng, trong đó chợ làng là một đối tượng di sản cần bảo vệ. 
      Nền kinh tế thị trường đã khiến nhiều chợ quê đang mai một dần đi, thay vào đó là những phố thị, những chợ lớn và các siêu thị. Nhưng có một điều mà các chợ lớn hiện nay không thể có; đó là tình làng, nghĩa xóm, là bản sắc văn hoá nông thôn. Chợ quê một nét văn hoá đặc trưng và độc đáo của làng quê Việt.

Đào Tố