Châu Âu sau bánh lái

- Chủ Nhật, 29/09/2019, 09:43 - Chia sẻ
Đi qua mỗi góc phố, mỗi ngôi nhà trong thành phố có lịch sử hơn 1.000 năm này, tôi đều cảm thấy có những con người vô hình lẩn quất đâu đó, trên mỗi chiếc ghế để không...

Nín thở trên autobahn

Lái xe qua Đức lần đầu, ai cũng háo hức với autobahn - được xem là con đường tự do (tốc độ) nhất thế giới. Thực ra tự do cũng chỉ có đoạn và những lúc ấy xe mình không mạnh, cỡ vài trăm mã lực, thì bị nạt cho nép vào làn trong với xe tải ngay. Và vì tự do theo mỗi người lái nên tai nạn cũng rất hay xảy ra ở autobahn. Hôm rồi, tôi đi một đoạn cao tốc phía đông từ Frankfurt mà gặp 3 vụ đụng đuôi nhau, nắp capo tung bay. Báo hại mỗi lần như thế, cả trăm xế hộp xếp hàng y cầu Kênh Tẻ ở Sài Gòn mỗi sáng

Mà autobahn Đức năm nay thấy xuống cấp nhiều, lắm chỗ ngăn sửa, cảm giác cầm lái vì thế cũng mất sướng hơn. Vậy nên tò mò xong rồi thì có thể bỏ autobahn mà đi quốc lộ để thưởng thức làng quê Đức đẹp đẽ và thơ mộng một cách chặt chẽ, làng này ngăn cách với làng kia bằng những cánh rừng. Vậy là đi quốc lộ mà cứ như đi vào rừng. Và cứ qua vài làng lại có thể gặp một thị trấn cổ, từ thế kỷ X, từng là kinh đô xứ Franconia, với cái pháo đài lừng lững bên dòng sông Main thơ mộng, cung điện Residence hoành tráng, tại thị trấn Wurzburg, được nhận bằng Di sản văn hóa UNESCO. Vì chót đút đồng 1€ vào cây tính tiền trung tâm mà nó hào phóng cho tới 3 giờ đậu xe nên khó mà rời chân đi, nhất là nếu chưa xách theo mấy chai vang Franconia béo là đặc sản của vùng này. 

“Đồng phục” trên đường phố

“Đi dạo khu vực trung tâm thành phố như đi giữa làng đại học. Hầu hết các tòa ngang dãy dọc đồ sộ cổ kính đều là trường đại học. Bước qua cánh cổng một trường đại học cứ như đi vào bảo tàng, lại như ra công viên...”

Tiếp tục lăn bánh qua biên giới: Cộng hoà Séc, dù chẳng có barie nào mà cứ như sang một thế giới khác. Con đường 50 - 70km không ngọn đèn đường. Cây bên đường được tận dụng làm cột mốc, gắn biển phản quang luôn, rất tiện và rất ngộ.

Nơi ở trọ đầu tiên trên hành trình khám phá “thiên đường”, buổi tối, nhìn dãy nhà vườn trên khu đất đồi nhìn xuống dòng sông Vltara đáng lẽ phải lãng mạn lắm, thì lại “đồng phục” (giống nhau y chang), hơi mất hứng. May sáng ra ngắm kỹ thấy cũng đáng yêu bởi vẻ đẹp chân phương, hồn hậu mà ẩn trong đó vẫn có sự tinh tế của một chiều sâu văn hóa, đặc biệt trong thẩm mỹ phối màu.

Để phân biệt với sự cầu kỳ, vương giả, quý tộc của các bạn Italy, Pháp, Anh, chúng tôi gọi vui đây là vẻ đẹp của... Ngỗng! Không có sự sang trọng điệu đà của thiên nga, nhưng ngỗng có cái đáng yêu ngộc ngệch của ngỗng. Và vì ngỗng nên trên đường toàn thấy hội “xe cỏ”: Citroen, Skoda, Opel, Kia, Nissan..., hiếm lắm mới thấy một chiếc BMW đời cũ, còn Mercedes hầu như mất dạng.

Xe hơi muốn vào trung tâm thành phố phải chui qua một cái cổng nhỏ từng chiếc một và phải có giấy phép thông hành mới được vào. Lột khỏi những “cái áo đồng phục” (nhà đồng phục, chung cư đồng phục), thành cổ Cesky Krumlov, nơi tòa lâu đài được dựng lên sừng sững trên vách núi bên con sông Vltara từ thế kỷ XIII và nhà hát mang phong cách Baroque nguyên bản được xây dựng từ thế kỷ XVII, khu phố cổ Latran quanh co đường đá… - tất cả đã hoàn hảo một một thiên đường có thật, một thiên đường thật gần gũi và nhu mì. Khách du lịch đông, nhưng lạ cái, hầu như mọi ồn ào xô bồ tới đây đều bị “cảm hóa”…

“Đua đường làng”

Nối thành phố di sản này tới thị trấn di sản khác là những “đường đua làng”. Với những kẻ đường đi cũng quan trọng như đích đến, thì chỉ muốn hét lên một tiếng cho đỡ… ngạt thở sau bao ngày nhúc nhích trong thành phố.

Trái với autobahn, “đường đua làng” chỉ cho phép tốc độ tối đa là 90km/h nhưng cảm giác đã hơn trên cao tốc nhiều vì những đường cong và các biển báo giảm tốc liên tục khi qua làng và thị trấn, phần lớn chẳng có vạch làn đường.

Thành phố già lắm người trẻ

Quốc lộ phía Nam Czech, giáp ranh biên giới Áo, cứ thỉnh thoảng lại thấy biển báo mời chào tạt qua Linz với Wien không đầy trăm km, không kìm nén lại rất dễ bị dụ dỗ. Băng qua những vùng đồi, thảo nguyên, rừng, đồng bằng, liên tục thay đổi độ cao, đường cong, tốc độ và background. Không thiếu đường cong và chân trời mênh mông như đường ở Pháp (cái này đường Đức thiếu nghiêm trọng), tuy không cong sexy bằng. Nhưng lại chuyển điệu từ cong mênh mông sang rừng gấp khúc theo một tiết tấu hứng khởi (cái này đường làng Pháp lại thiếu) và tự do (rừng mọc tùm lum theo kiểu tự nhiên chứ không ra dáng qui hoạch chặt chẽ như Đức).

Lần đầu tiên tới một thành phố già (nghìn tuổi), mà theo truyền thuyết thì người khai sinh thành phố này chính là Julius Caesar danh tiếng, nhưng đường phố lại toàn người trẻ.

Olomouc, từng là kinh đô của đất nước Moravia, một trong 3 vùng đất tạo thành nên Tiệp Khắc - Czech ngày nay. Từng là điểm kết nối quan trọng giữa Prague và cố đô Ba Lan Krakow trong suốt 3 thế kỷ, nếu so sự đồ sộ và cổ kính của các công trình kiến trúc, Olomouc chỉ xếp sau Thủ đô Prague. Nhưng độ trẻ trung thì không thành phố nào trên thế giới sánh được với nơi này. Bởi lẽ đây là thành phố đại học lớn nhất nước Tiệp. Và nếu tính tỷ lệ sinh viên/cư dân thành phố thì Olomouc là thành phố có tỷ lệ sinh viên cao nhất thế giới.

Đi dạo khu vực trung tâm thành phố như đi giữa làng đại học. Hầu hết các tòa ngang dãy dọc đồ sộ cổ kính đều là trường đại học hết. Các dinh thự hành chính cửa hàng cửa hiệu đều... bẹp dúm.

Và bước qua cánh cổng một trường đại học thì, ôi chao, như vào bảo tàng, lại như ra công viên... Lạ nhất là có sinh viên (đoán vậy) mắt dí vào sách trong khuôn viên trường nhưng tay lại đang... rung cái xe nôi...

Quá khứ và đương đại

Thành phố Ba Lan đầu tiên tôi dừng bánh xe là cố đô Krakow, kinh đô Ba Lan từ thế kỷ XVI, một thành phố đỉnh cao về học thuật, kinh tế, văn hóa và nghệ thuật của quốc gia, thành phố Di sản văn hóa UNESCO và Thủ đô văn hóa châu Âu năm 2000.

Nhưng những hình ảnh đập vào mắt đầu tiên lại là một quá khứ đau thương. Krakow chính là nơi S.Spielberg đã quay bộ phim ám ảnh một cách nặng nề - “Bản danh sách Schindler”, một trong những tác phẩm điện ảnh hay nhất mọi thời (xếp hạng của Viện phim Mỹ). 

Buổi sáng đầu tiên ở Krakow, tôi đi bộ tới Oskar Schindler’ Enamel Factory, là nơi doanh nhân Oskar Schindler đã cứu sống hàng nghìn người Do Thái gốc Ba Lan bằng cách thuê họ vào làm trong nhà máy của ông trong thời kỳ người Do Thái bị phát xít Đức tàn sát. “Lõi” của nhà máy cũ vẫn còn nguyên, và trở thành 2 bảo tàng quan trọng của thành phố. Một bên là bảo tàng nguyên trạng lịch sử đau thương của Krakow trong thế chiến. Và một bên là Bảo tàng nghệ thuật đương đại. 

Và con đường dẫn tới “Nhà máy” này cũng đưa du khách đi qua một tác phẩm sắp đặt đương đại nằm ngay tại nơi trong thời kỳ 1941 - 1943 chính là xóm dân Do Thái. Cả ngàn người Do Thái đã bị giết trong 3 năm này. Tác phẩm là những cái ghế sắt, trống không...

Đi qua mỗi góc phố, mỗi ngôi nhà trong thành phố có lịch sử hơn 1.000 năm này, tôi đều cảm thấy có những con người vô hình lẩn quất đâu đó, trên mỗi chiếc ghế để không...

Tuỳ bút của Thủy Phạm