Bùng cháy ngọn lửa của tình yêu và khát vọng!

- Thứ Tư, 13/04/2022, 06:54 - Chia sẻ
Nguồn: ITN

(Về bài thơ “Hoa mộc miên giữa đá” của Nguyễn Hồng Vinh)

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, đất trời và lòng người quyện hòa nguồn năng lượng mới, sau những tháng ngày chung sức gồng mình vượt qua mọi gian khó của dịch dã, thiên tai. Ở các miền quê Bắc Bộ, vào dịp này, hoa mộc miên (tên gọi khác là hoa gạo) bung nở dưới nắng, trở thành nguồn cảm hứng dồi dào của thi ca, nhạc, họa. Trong bài thơ “Hoa mộc miên giữa đá”, đăng trên Báo Đại biểu Nhân dân, số ra ngày 03.4.2022, nhà thơ Hồng Vinh đã sáng tạo một tứ thơ độc đáo, giúp người đọc khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của hoa và người đang nuôi dưỡng khát vọng cháy bỏng dựng xây cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

Ở khổ thơ thứ nhất, bằng những nét chấm phá tài tình, nhà thơ đã vẽ nên bức họa bằng ngôn từ ấn tượng. Hoa vươn mình từ đá, thổi hồn vào đá, để rồi cùng sáng bừng lên cột cờ Lũng Cú ở cực bắc Tổ quốc mang đến cho người đọc những suy tưởng đa chiều về tình yêu quê hương, đất nước:

Đồng Văn ngày tháng Tư

Hoa mộc miên rực đỏ

Giữa triền đá bạt ngàn

Sáng cột cờ Lũng Cú

 Cuộc sống luôn có những cách thức riêng để tạo nên sự cân bằng huyền diệu. Nếu ai đã từng đến Đồng Văn, trải nghiệm điều kiện tự nhiên khắc nghiệt với mây mù quanh năm vờn đá, mới cảm nhận và lý giải được vì sao những bộ trang phục của đồng bào nơi đây lại rực rỡ sắc màu đến thế! Phải chăng đó chính là gương mặt của khát vọng, tiềm ẩn sức sống mãnh liệt của những con người “sống trên đá, chết vùi trong đá”?! Bởi vậy, mộc miên trên cao nguyên bạt ngàn đá xám Đồng Văn là một biểu tượng nghệ thuật giàu tính thẩm mỹ, đầy sức gợi về vẻ đẹp của loài hoa bình dị mà chứa đựng những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Sinh sôi từ khô cằn đá núi, cây mộc miên vươn mình rắn rỏi, nâng đỡ những đài hoa cháy hết mình sau mùa đông dài giá buốt, phô dáng kiêu hãnh trên nền trời xanh lồng lộng. Với hình ảnh những em thơ vô tư đùa vui trên dải biên cương rực hồng sắc hoa, ngập tràn sức sống, tác giả khéo khắc họa một khung cảnh yên bình, tươi sáng ở biên cương địa đầu Tổ quốc:

Mọc lên từ khe đá

Cây vươn chạm mặt trời

Biên cương hồng ánh lửa

Trẻ nhảy nhót đùa vui

Vẻ đẹp lạ kỳ, mê đắm của hoa mộc miên trên cao nguyên đá là khởi đầu dòng cảm xúc dạt dào của nhân vật trữ tình. Hoa mộc miên trong dân gian vốn là biểu tượng của tình yêu đôi lứa, của lời hẹn ước thủy chung. Nhà thơ đã khai thác triệt để giá trị biểu tượng hiện diện trong văn hóa, đồng thời sáng tạo nên những tầng vỉa ý nghĩa mới mẻ. Hình ảnh người cha lên đường ra trận và ngày khải hoàn trở về quê hương đều đúng vào mùa hoa mộc miên, là ẩn dụ về hạnh phúc vẹn toàn của lứa đôi sau bao tháng ngày đằng đẵng mong chờ:

Năm mươi năm thoắt trôi

Cha lên đường ra trận

Ngày về lại xóm thôn

Đường rải đầy hoa gạo!

Những mùa mộc miên năm xưa đã trở thành chứng nhân của tình yêu, là nguồn sức mạnh giúp người cha vượt qua mưa bom, bão đạn. Và cũng chính sắc hoa tình yêu ấy đã hun đúc, nuôi dưỡng khát vọng nối chí cha anh, để rồi tròn bốn mươi năm sau ngày “cha lên đường ra trận”, người con trai trở thành người chiến sĩ mang quân hàm xanh nơi biên cương điệp trùng núi đá, cùng đồng đội vượt đèo cao, suối sâu, sương giá… để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền Tổ quốc, cuộc sống bình yên của Nhân dân:

Mười năm rồi ngày ấy

Anh rời đồng lúa xanh

Lên điệp trùng núi đá

Băng suối, đèo, khe, thung…

Chính nơi đây, người lính ấy đã gặp lại hoa mộc miên, gặp lại quê hương và cả miền ký ức tự hào về người cha. Qua mười mùa hoa, những điều thiêng liêng ấy đã trở thành động lực để anh “bám trụ” biên cương, xây dựng hạnh phúc của riêng mình. Đó là “tổ ấm” cùng đồng đội chung lý tưởng hiến dâng tuổi trẻ và vun đắp tình yêu nồng ấm đang đơm hoa kết trái tại chính quê hương thứ hai của mình:

Đồn biên phòng – tổ ấm

Gắn phần đời trẻ trung

Mười mùa hoa mộc miên

Dệt thủy chung, hẹn ước…

Khổ thơ cuối là kết tinh tư tưởng nghệ thuật sâu sắc của bài thơ. Những mùa hoa mộc miên vươn lên từ đá núi là sự hiện diện của sức sống, của bản lĩnh và tình yêu con người với quê hương, xứ sở. Những nhân tố ấy đã hợp thành sức mạnh để đá nở hoa, để con người vững vàng vượt qua mọi giông bão cuộc đời. Hoa của đá, hoa của lòng người cùng hội tụ, tô thắm lá cờ Tổ quốc rạng rỡ tung bay giữa bình minh nơi biên viễn, là hình ảnh thơ đầy xúc động. Đứng dưới lá cờ thiêng liêng trong khung cảnh hùng vĩ ấy, người lính trẻ lắng lòng, khắc ghi lời cha nhắn gửi:

Ngắm lá cờ đỏ thắm

Phần phật giữa bình minh

Vẳng lời cha nhắn gửi:

Giữ sắc hoa mãi bền!

Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ trong bài “Tiếng hát sang xuân” của nhà thơ Tố Hữu: Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí, chung câu quân hành. Ở bài thơ “Hoa mộc miên giữa đá”, hoa đã không chỉ mang vẻ đẹp của tình yêu đôi lứa, mà trở thành suối nguồn vô tận của tình yêu đất nước. Suối nguồn ấy thấm trong từng mạch đất, trong từng nhịp đập trái tim, để nuôi dưỡng khát vọng dựng xây đất nước Việt Nam giàu mạnh, hòa bình. “Giữ sắc hoa mãi bền” chính là thông điệp của nhà thơ: hãy cùng nhau bảo vệ bản sắc của văn hóa Việt Nam, nhân lên những phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam – cội nguồn sức mạnh trường tồn của dân tộc ta. Cảm ơn nhà thơ Hồng Vinh đã cho bạn đọc được trải nghiệm những xúc cảm thẩm mỹ đặc biệt trong những ngày hoa mộc miên đang phô sắc, thắp lửa tin yêu và hy vọng!

                                                        Hà Nội, tháng Tư năm 2022

Thanh Sơn