Bản sắc và hội nhập - câu chuyện sống còn

- Thứ Hai, 20/05/2019, 07:50 - Chia sẻ
Từ năm 1986 đến nay, giao lưu, hội nhập với khu vực và quốc tế đã đem đến diện mạo mới cho mỹ thuật Việt Nam. Càng tiếp biến với nghệ thuật quốc tế, câu chuyện bản sắc trong thực hành của nghệ sĩ lại càng trở nên quan trọng.

Chia sẻ với văn hóa nhân loại

Toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ và ngày càng sâu rộng. Ngoài tạo thêm nguồn lực ngoại sinh để cách tân, phát triển, toàn cầu hóa cũng tạo ra thách thức trong việc gìn giữ bản sắc quốc gia, dân tộc. Tại Hội thảo “Bản sắc và hội nhập trong mỹ thuật Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI” do Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tuần qua, các nhà khoa học, nghiên cứu phê bình mỹ thuật, họa sĩ, nhà điêu khắc đã chia sẻ ý tưởng, quan niệm cũng như phương pháp tiếp cận, nghiên cứu, sáng tác mỹ thuật Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ số ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống. Qua góc nhìn mỹ thuật, có thể thấy được sáng tạo mang tính dân tộc - hiện đại trong giai đoạn này.


“Specula” (2015), sơn mài của Nguyễn Oanh Phi Phi, Singapore Biennale Nguồn: Matthew Dakin

Ở giai đoạn đầu của thời kỳ Đổi mới (1986) đó là sự học hỏi, tiếp thu để sáng tác nghệ thuật phản ánh những vấn đề thời cuộc, hiện thực đất nước. Sau đó, những vấn đề nảy sinh trong xã hội đương đại đã trở thành chất liệu để nghệ sĩ khai thác, sáng tác, bằng các loại hình nghệ thuật mới như sắp đặt, trình diễn, video... Đặc biệt, trong hơn 10 năm trở lại đây, các nghệ sĩ đã bắt đầu chủ động thực hành và tìm kiếm cơ hội tham gia học hỏi nâng cao khả năng hội nhập quốc tế với những luật chơi mới. Nhiều ý kiến cho rằng, càng hội nhập quốc tế, câu chuyện bản sắc trong thực hành nghệ thuật của nghệ sĩ càng quan trọng, tới mức sống còn.

Một xu hướng phổ biến mà phần đông họa sĩ sử dụng khi đề cập đến vấn đề bản sắc là hình tượng hóa các biểu tượng mang tính bản sắc văn hóa địa phương hay các biểu tượng được cho là phổ quát về văn hóa dân tộc. Một số thể hiện trên các chất liệu truyền thống của hội họa, đồ họa hay điêu khắc và coi đó là mục đích cuối cùng của quá trình sáng tác. Nhóm nghệ sĩ khác cố gắng theo đuổi các dự án nghệ thuật nhấn mạnh vào quá trình thực hiện với phương pháp tiếp cận đa dạng theo xu hướng liên ngành như vẽ, in ấn, ký họa, nhiếp ảnh, sử dụng đồ vật có sẵn, tạo tác cùng nghệ nhân…

Không quá khó để nhìn thấy thời gian qua những tên tuổi của nghệ sĩ Việt Nam hoặc gốc Việt Nam thành danh trên quốc tế như Lê Quang Đỉnh, Jun Nguyễn Hatsushiba, An Mỹ Lê, Nguyễn Oanh Phi Phi, Ưu Đàm Trần Nguyễn... Từ thực tế sáng tác cũng như giao lưu với các họa sĩ trong và ngoài nước, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nhận thấy, trong thế giới phẳng, câu chuyện “bản địa” trong mối tương quan đa chiều với các vấn đề phổ quát tầm quốc tế chính là “chìa khóa” để mang câu chuyện dân tộc, nền văn hóa tới những giá trị chia sẻ chung của nhân loại. Mẫu số chung này nhìn lại cũng thấy rất rõ ở các nghệ sĩ tầm quốc tế.

Ý thức về bản sắc

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Minh, quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, từ lâu vấn đề bản sắc và hội nhập đã đặt ra yêu cầu bức thiết phải có chính sách hữu hiệu để bảo tồn, phát huy bản sắc mỹ thuật dân tộc. Xem xét một cách toàn diện, xác định nội hàm bản sắc mỹ thuật dân tộc là vấn đề không đơn giản, nhưng nếu không làm như vậy thì thật khó lý giải thấu đáo để có nhận thức đúng đắn. “Bản sắc trong mỹ thuật là chất Việt ở cái hồn lẫn vào trong chứ không ở bề mặt. Đồ giả hay lối sao chép mô típ, bắt chước, dùng màu cổ rồi nhồi vào nội dung mới, đó là lối gia công truyền thống phục vụ tiêu dùng và hình thức, bóp chết dần truyền thống”.

Chính vì ranh giới giữa hiện đại và truyền thống, giữa sáng tạo từ truyền thống hay lai căng, cực kỳ mỏng manh và giá trị của nó phần lớn phụ thuộc vào lối tư duy, tư tưởng của cá nhân nghệ sĩ, cho nên nhận diện một tác phẩm nghệ thuật mang bản sắc dân tộc hay không, không hề dễ dàng. Cũng có ý kiến cho rằng, trong quá trình hội nhập, vấn đề bản sắc có thể không hẳn được đặt ra như nhiệm vụ của nghệ sĩ trong sáng tạo tác phẩm, bởi đặc trưng của thực hành nghệ thuật lúc này là sự quan tâm đến cái riêng cá nhân trong bối cảnh quốc tế.

Nói như vậy, nếu nhìn cởi mở hơn, vẫn có thể nhận thấy các mức độ khác nhau của biểu hiện bản sắc ở sự hàm chứa những di sản từ quá khứ, tư duy từ căn tính dân tộc, tư duy về thế giới đang diễn ra xung quanh... Để thấy rằng, sáng tạo nghệ thuật dù có thế nào đi nữa, nghệ sĩ cũng ít nhiều phản chiếu căn cước quốc gia, dân tộc. Giờ đây, bối cảnh cuộc sống thay đổi, cái nhìn về bản sắc có thể khác đi, song giá trị, xu hướng thẩm mỹ của một quốc gia bao giờ cũng tác động đến phong cách nghệ sĩ, mà xét cho cùng thì đó mới là bản sắc cốt lõi, như phần chìm của tảng băng văn hóa.

Có điều, làm thế nào tạo môi sinh cho tính thẩm mỹ phát huy giá trị? Trả lời câu hỏi này thật sự khó khăn nhưng không phải không làm được. “Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi rất rõ của đời sống mỹ thuật theo chiều hướng ngày càng đa dạng. Chấp nhận, tạo điều kiện, môi trường kích thích những sáng tạo như vậy là cần thiết để định vị nền mỹ thuật Việt Nam trên bản đồ mỹ thuật thế giới” - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, PGS. TS. Lê Văn Sửu nhấn mạnh.

Thái Minh