5 phim tài liệu về biển đảo - Bằng chứng về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam

- Thứ Ba, 03/06/2014, 08:32 - Chia sẻ
5 phim tài liệu đề tài biển đảo được Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương công chiếu cuối tuần qua, khiến người xem cảm phục trước sự dũng cảm, kiên cường của quân và dân ngày đêm giữ đảo, giữ biển. Những bộ phim này cũng góp thêm tiếng nói, bằng chứng đanh thép khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đầu sóng ngọn gió (30 phút) do cố NSND Nguyễn Ngọc Quỳnh đạo diễn từng đoạt Huy chương vàng tại Liên hoan phim quốc tế Moscow 1967, sau đó tiếp tục giành Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ I - năm 1970. Phim nói về cuộc chiến đấu của nhân dân trên một hòn đảo ngoài khơi vịnh Bắc Bộ, ngày đêm quyết liệt đánh trả máy bay Mỹ đến bắn phá đảo. Đầu sóng ngọn gió đã nêu bật hình tượng kiên cường của người Việt Nam ở nơi đầu sóng ngọn gió. Đó là những dân chài quyết không lùi bước trước khó khăn để giữ biển, giữ đảo. Ra đời muộn hơn 20 năm, Trường Sa tháng 4 năm 1988 (20 phút) của NSND Lê Mạnh Thích mô tả chân thực và xúc động cuộc sống của các chiến sỹ tàu HQ505 và chiến sỹ trên đảo Sinh Tồn, ngày đêm vật lộn với bão sóng, đề phòng bọn cướp biển, chịu đựng mọi gian khổ, thiếu thốn để hoàn thành nhiệm vụ giữ đảo.


Cảnh trong phim Andre Menras - Một người Việt
Bên cạnh những thước phim quý về đề tài biển đảo của hai đạo diễn gạo cội nói trên, khán giả còn được xem Đảo Lý Sơn (20 phút) của đạo diễn Công Thành Đức, Andre Menras - Một người Việt (30 phút) và Biển của người Việt (44 phút) của đạo diễn Đào Thanh Tùng, góp thêm chứng cứ khẳng định chủ quyền Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đảo Lý Sơn, sản xuất năm 2009, khắc họa hình ảnh những cư dân đảo chất phác, kiên cường bám biển xây dựng quê hương. Đây cũng là nơi xuất quân của hải đội Hoàng Sa bảo vệ chủ quyền đất nước dưới thời phong kiến. Được sản xuất năm 2011, Andre Menras - Một người Việt kể về ông Andre Menras, một người Pháp có cảm tình đặc biệt với Việt Nam, với tên Việt là Hồ Cương Quyết. Ông là nhân chứng lịch sử trong nhiều giai đoạn cách mạng nước ta, từng nhiều lần đến đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, gặp gỡ ngư dân và thực hiện bộ phim tài liệu Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát. Ông cũng đã đi nhiều nước kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân nhằm giúp ngư dân Lý Sơn tiếp tục bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Trong khi đó, Biển của người Việt (2012) công bố những bằng chứng thép, đặc biệt nhấn mạnh việc sử dụng những sử liệu, cứ liệu của chính người Trung Quốc như Đại Nam nhất thống toàn đồ triều Minh 1820 - 1841, bản đồ dầu khí năm 1979 của Trung Quốc, bản đồ bưu chính Trung Hoa… để chứng minh 2 vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trong suốt 500 năm qua.

Nhớ lại quá trình thực hiện Đảo Lý Sơn hơn 5 năm trước, đạo diễn Công Thành Đức kể, khi ấy cuộc sống trên đảo còn rất khó khăn, không có điện, lương thực phụ thuộc vào đất liền. Dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề chài lưới và trồng tỏi. Đoàn làm phim may mắn khi gặp một số gia đình là hậu duệ của những thủy binh Hoàng Sa, Trường Sa năm xưa. Họ còn lưu giữ được nhiều sắc phong, bằng khen của cha ông do vua nhà Nguyễn phong tặng những người có công tuần tiễu, bảo vệ Trường Sa và Hoàng Sa. Đó là những tư liệu vô cùng quý giá, khẳng định quyền làm chủ biển đảo của nhân dân ta từ hàng trăm năm nay, mà không phải đoàn làm phim nào cũng có duyên gặp được. Khi chúng tôi chuẩn bị rời đảo thì bất ngờ gặp bão lớn, phải ở lại hơn 10 ngày. Đó là 10 ngày đầy ắp kỷ niệm, chúng tôi đã cảm nhận thế nào là bão gió biển khơi và càng thêm thấm thía tình đất, tình người Lý Sơn.

Đề tài về chủ quyền biển đảo luôn hấp dẫn các nhà làm phim. Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương Phạm Thị Tuyết, đây cũng là mảng đề tài khó, nghệ sỹ ngoài đam mê cần có tài năng và trải nghiệm cuộc sống. Với những người làm phim tài liệu, trước  vận mệnh của đất nước chúng tôi luôn nhận thấy trách nhiệm của mình. Mảng đề tài về người lính, về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc sẽ được chúng tôi tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Hãng chuẩn bị quay Biển xanh màu lá, dựa theo tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Thủy. Hãng cũng đã gửi 3 kịch bản đề tài biển đảo lên Cục Điện ảnh, chờ thẩm định, trong đó 2 kịch bản do đạo diễn Đào Thanh Tùng viết, là Đất nước giữa biển khơi, nói về người Việt đặt dấu ấn khẳng định chủ quyền trên các hòn đảo được ghi chép lại từ xưa; và Vòng tròn bất tử, xoay quanh những người lính Gạc Ma hy sinh để giữ đảo.

Cao Sơn