"Viết" lên di sản, tạo nên bản sắc

- Thứ Năm, 01/12/2022, 06:04 - Chia sẻ

Những sáng tạo của hôm qua là di sản của hôm nay, qua thời gian tạo nên những lớp trầm tích văn hóa. Đến hiện tại, cách người trẻ sáng tạo, viết lên di sản sẽ tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại mới.

Cuộc gặp gỡ xưa - nay

Từng có một thời, nhiều người nghĩ di sản là những gì đã cũ, của một thời kỳ đã qua. Điều này vô hình trung cản trở tiếp cận truyền thống trong phát triển. Khi định kiến ấy được gỡ bỏ, kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng rộng lớn bước đầu được khai thác trong các dự án nghệ thuật, thiết kế phục vụ cuộc sống đương đại.

Trưng bày đèn lồng lấy cảm hứng từ tranh dân gian của họa sĩ Nguyễn Xuân Lam. Ảnh: Ng. Phương

Tại tọa đàm “Từ di sản tới Thiết kế - Nghệ thuật” mới đây, các nghệ sĩ chia sẻ kinh nghiệm, thể nghiệm về việc khai thác, biến các di sản văn hóa Việt Nam thành tác phẩm nghệ thuật ở các dạng thức, chất liệu khác nhau.

Từng có nhiều dự án đưa truyền thống vào nghệ thuật đương đại, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn nỗ lực đối thoại và viết tiếp giá trị di sản. Chẳng hạn, dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” do ông làm giảng viên hướng dẫn và giám tuyển, sinh viên ngành lụa và sơn mài, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, được tiếp xúc với nghệ nhân cuối cùng của tranh Hàng Trống, tiếp thu các kỹ thuật cơ bản và sáng tạo lấy cảm hứng từ chính dòng tranh này cũng như có thể tương tác ngay với chính không gian ngôi đình Nam Hương, tọa lạc trên phố Hàng Trống, Hà Nội. Dự án kích thích sự quan tâm của giới trẻ và cộng đồng trước những vấn đề sống còn của các giá trị di sản văn hóa, cổ vũ nghệ sĩ trẻ trên con đường sáng tác độc lập phía trước luôn quan tâm đến các giá trị di sản văn hóa truyền thống, văn hóa dân tộc.

Gần đây, dự án Tiên - Rồng được nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn khởi xướng với tinh thần học hỏi, nghiên cứu những giá trị nghệ thuật và hoa văn từ hình tượng tiên nữ rất phổ biến trong các mảng chạm khắc đình làng, một đề tài được yêu thích trong nghệ thuật và không gian của đồng bằng Bắc Bộ xưa. Qua việc tìm hiểu hình tượng này từ góc độ tiếp cận liên ngành mang tính biểu tượng, văn hóa học, lịch sử... nhiều ý tưởng của các nghệ sĩ đã được phát triển thành tác phẩm mỹ thuật, nghệ thuật thị giác.

6 năm qua, họa sĩ Nguyễn Xuân Lam đã có nhiều thử nghiệm lấy cảm hứng từ tranh dân gian nói riêng và di sản Việt Nam nói chung, kết hợp với cách thức biểu đạt mới cùng những câu chuyện cá nhân của một người trẻ. Họa sĩ trẻ chia sẻ: “Khi tìm về truyền thống, có nghệ sĩ tập trung vào kỹ thuật xưa để vẽ nội dung mới, có người chọn tạo hình xưa, như tạo hình tranh dân gian được các nghệ nhân truyền lại hàng trăm năm... Vô tình bắt gặp vẻ đẹp của tranh dân gian, tôi không muốn tranh dân gian chỉ là nét đẹp vào ngày Tết xưa, được trưng bày trong bảo tàng mà có thể đi vào đời sống hiện đại”. Bởi vậy, Xuân Lam đã thực hiện các dự án “Vẽ lại tranh dân gian”, đưa tranh dân gian kết hợp với công nghệ trong “Cuộc gặp gỡ xưa - nay”... trên cơ sở tôn trọng di sản quá khứ nhưng có sáng tạo, sử dụng yếu tố truyền thống và gia tăng thể nghiệm của bản thân.

Còn theo ông Lê Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa diều Việt Nam, kho tàng văn hóa vật thể phi vật thể của Việt Nam vô cùng lớn, có thể khai thác để phục vụ đời sống đương đại. Thực tế, nhiều hình tượng dân gian đã được đưa lên cánh diều, từ đó quảng bá văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Nhiều người nhìn nét trang trí đã nhận ra họa tiết đặc trưng Việt Nam. 

Sáng tạo trên nền di sản

PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng: Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, có hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú. Dù vậy, thời gian trước, sự sáng tạo vẫn khá rời rạc. Đến hiện tại, đã có một số dự án sáng tạo thành công, định vị bản sắc.

Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Phạm Thị Lan Anh khẳng định, nguồn lực văn hóa và sáng tạo gắn với thiết kế, nghệ thuật nhằm tái tạo, hướng tới chức năng mới, phát triển bền vững, nhưng không làm mất đi giá trị di sản vốn có. Hiện nay, với hệ thống di sản dày đặc, Hoàn Kiếm là một trong những quận đi đầu của Hà Nội phát triển sáng tạo, gắn với nhiều chương trình, sự kiện nghệ thuật, thiết kế.

Còn theo nghệ sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh, người sáng lập Lên Ngàn Cultural Agency, với thị trường nội địa hơn 100 triệu dân, Hà Nội có hơn 10 triệu dân, phần lớn đang trong độ tuổi lao động, có nhu cầu tìm kiếm tri thức, không gian văn hóa. Đây là cơ hội cho các cá nhân, hội nhóm làm trong lĩnh vực sáng tạo thể hiện mình, thành công trong tương lai...

Trên quan điểm tìm về tương lai từ quá khứ, cùng nhau kiến tạo bản sắc mới tiếp tục kết nối với quá khứ, các dự án của Lên Ngàn hướng đến thế hệ trẻ với sự phát triển từ chất liệu văn hóa bản địa của Việt Nam, tạo ra tác phẩm mang đậm màu sắc, hơi thở đương đại. “Văn hóa hiện đại chỉ có thể phát triển, tồn tại trên cơ sở của truyền thống, thông qua mối quan hệ với quá khứ để thể hiện sự tồn tại của mình, và ngược lại, truyền thống muốn tồn tại phải được hiện đại hóa” - nghệ sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh nhận định.

Kinh nghiệm của Lên Ngàn là cần có khả năng thu hút, giữ chân nhân tài (nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà văn hóa, nghiên cứu) và sự liên kết giữa các thành phần này khi thực hiện các dự án. Để làm được như vậy, cần có sự kết hợp chặt chẽ liên ngành, đưa văn hóa có chỗ đứng trong lòng công chúng và có thể vượt qua biên giới. Ngoài sáng tạo của nghệ sĩ, nghệ nhân, sự tham gia của nhà nghiên cứu, công chúng để xây dựng hệ sinh thái sáng tạo, cần có vai trò điều tiết của Nhà nước qua cơ chế, chính sách, môi trường thông thoáng, cởi mở.

Tránh tình trạng khai thác triệt để di sản, biến không thành có để phong cấp di sản đôi khi vẫn diễn ra hiện nay, ông Lê Thanh Bình cho rằng, cần cân đối giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản, người làm văn hóa phải vừa có tâm, vừa có tuệ, hiểu về lịch sử, truyền thống, di sản của cha ông, từ đó lựa chọn những gì tinh túy nhất để sáng tạo, đóng góp vào việc định vị bản sắc thời hiện đại.

Thảo Nguyên