Những khoảnh khắc sống cùng lịch sử

- Thứ Ba, 30/04/2024, 06:53 - Chia sẻ

Bộ phim tài liệu Điện Biên Phủ ra đời cách đây đúng 70 năm với những giá trị lịch sử và nghệ thuật đặc biệt đã được ghi nhận ngay từ ngày đầu ra mắt chiến sĩ, đồng bào. Đối với đạo diễn, NSƯT Nguyễn Tiến Lợi (1918 - 2008), người được giao trách nhiệm chính thực hiện bộ phim, ký ức những tháng ngày quay phim về chiến dịch Điện Biên Phủ theo ông đến những ngày cuối đời.

Đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi từng chia sẻ: “suy nghĩ và ấn tượng thì không bao giờ phai mờ trong tôi về những năm tháng mà mỗi con người phải qua nếm trải mới thấy hết được, và có những lúc không tin rằng mình có thể vượt qua cõi chết để được về với vợ con, gia đình, tồn tại đến ngày hôm nay. Trong hoàn cảnh ấy chính tình đồng đội, tình bạn chiến đấu đã nâng bước chúng tôi đi, vượt qua mọi thử thách chưa từng có trong cuộc đời của mỗi con người, để làm tròn trách nhiệm của người cầm máy quay, ghi lại những hình ảnh hào hùng nhất của lịch sử”.

Những khoảnh khắc sống cùng lịch sử -0
Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò tổ quay phim trước khi đi chiến dịch

Đoàn làm phim đến từ 5 đội quay được phân công nhiệm vụ cụ thể ngay từ những ngày đầu đi chiến dịch, gồm: đội vào quay ở địch hậu, đội theo cuộc phát động cải cách ruộng đất, đội quay hoạt động của nhân dân ở hậu phương, đội thường trực quay những hội nghị đột xuất, đội đi ra mặt trận. Mỗi đội có 3 người gồm 1 quay phim và 2 phụ quay, được trang bị 1 máy quay Paillard-Bolex 16 ly và 10 hộp phim. Riêng đội đi ra mặt trận được thêm 1 người là 4 và thêm 10 hộp phim.

Náo nức, hăm hở lên đường

Khoảng tháng 10.1953, một đội quay phim hành quân cùng một đại đội chiến đấu thuộc Đại đoàn 308, đơn vị chủ công của chiến dịch Điện Biên Phủ. Họ vượt sông Hồng trong đêm sương muối lạnh giá, từ Yên Bái vượt đèo, lội suối, băng qua những cánh đồng ở Nghĩa Lộ, tiến về hướng Tây Bắc - Điện Biên. Ngụy trang trên mình, họ đi lẫn vào đoàn quân trùng trùng điệp điệp. Từng đoàn dân công chen chân cùng bộ đội, súng đạn chen lẫn xe đạp thồ. Đêm đêm những đoàn xe vận tải, xe kéo pháo nối nhau lên mặt trận, cuộc hành quân vĩ đại được giấu kín trong bóng đêm.

“Đây là lần đầu tiên trong một trận đánh lớn, ta huy động nhiều xe, nhiều pháo như thế. Do đó, khi thấy bóng dáng của đoàn voi sắt đen sì, đoàn người trong đó có cả chúng tôi đều xúc động hồi hộp. Chúng tôi đứng dừng lại để ngắm nghía những hình tượng thật hùng dũng của đoàn người tiến ra mặt trận, lòng đầy tự hào về đất nước, con người Việt Nam”, đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi từng kể.

Quân địch đánh hơi thấy, cho ném pháo sáng; ngày cũng như đêm, đại bác, máy bay địch ném bom đánh phá dữ dội xuống các tuyến đường. Vượt qua mưa bom bão đạn, hết đêm này đến đêm khác, họ hành quân cùng dòng người từ mọi ngả đường của đất nước ra mặt trận. “Trong bối cảnh lịch sử hùng tráng như vậy, những bức tranh đậm nhạt nhiều màu sắc, lòng chúng tôi, những anh em trong đội làm phim đều thấy náo nức mừng vui, và trong mỗi người không ai bảo ai đều hăm hở bám sát đường, bám sát đoàn người, chỉ lo vì một nguyên nhân nào đó phải ở lại không được lên chiến trường vì chiến trường đã ở phía trước…”.

Nguồn cảm xúc mạnh mẽ

Tháng 1.1954, đội quay phim đã đứng trong biển sương mù trắng xóa bao phủ những dãy đồi núi trùng trùng điệp điệp của mặt trận Điện Biên Phủ. Những ngày trên chiến trường, họ đã sống như những người lính, với chiếc xẻng nhỏ trong tay tự đào những hố cá nhân, những vị trí để quan sát, nghiên cứu, ghi nhận toàn cảnh Điện Biên, dự kiến cho những cảnh quay sắp tới. Một nguồn cảm xúc mạnh mẽ đã tới đối với những người mới bước vào làm nghệ thuật điện ảnh, những nghệ sĩ/chiến sĩ thế hệ đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam còn rất non trẻ mới được thành lập theo Sắc lệnh số 147-SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 15.3.1953 thành lập “Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”. Với số người và số vốn phương tiện máy móc ít ỏi, họ được giao gánh vác ngay nhiệm vụ nặng nề: “thể hiện và giới thiệu một phần của đất nước Việt Nam từ Nam chí Bắc đương chuyển mình mạnh mẽ bằng nghệ thuật điện ảnh”.

Những khoảnh khắc sống cùng lịch sử -0
Đoàn làm phim tài liệu và nhiếp ảnh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Từ trái sang) hàng đầu: quay phim chính, đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi, quay phim Nguyễn Đăng Bảy, quay phim Nguyễn Phụ Cấn, quay phim Nguyễn Như Ái, quay phim Nguyễn Ngọc Quỳnh; hàng thứ hai: quay phim Nguyễn Hồng Nghi, quay phim Nguyễn Thụ, quay phim Phan Trọng Quỳ, nhiếp ảnh gia Triệu Đại, nhiếp ảnh gia Đinh Ngọc Thông; hàng thứ ba: ông Nguyễn Sinh, người dân tộc giúp đoàn mang vác dụng cụ

Bộ phim tài liệu Điện Biên Phủ đã thành công với sự hoàn chỉnh về cấu trúc thể loại. Bằng bố cục các tiểu đoạn, trường đoạn hợp lý và sự chân thật trong cách thể hiện, bộ phim đã làm tương phản các mặt trái của chiến tranh, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, nói lên được ý chí bất khuất của một dân tộc đứng lên bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Tác phẩm được quay trực tiếp tại chiến trường. Những người làm phim đã theo chân các chiến sĩ Điện Biên từ trận đánh đồi Him Lam đến trận đánh cuối cùng, thông qua thực tế chiến đấu để tư duy, nắm bắt, dần dần hình thành tác phẩm.

Trong phim có những hình ảnh máy bay địch thả dù tiếp viện, các chiến sĩ cắt rào dây kẽm gai… Để quay được những cảnh như vậy, khoảng cách giữa người cầm máy quay và quân địch rất gần. Phép màu nào đã giúp người quay phim mặt trận ghi được những hình ảnh mà có thể phải đánh đổi bằng cái chết như vậy? Đạo diễn Tiến Lợi khẳng định: “tình đồng đội và lòng tin vào chiến thắng đã giúp chúng tôi làm được việc đó. Nó không ở nghĩa hẹp trong mấy anh em điện ảnh với nhau mà mang một ý nghĩa rộng lớn hơn nhiều, là tình đồng bào, tình đồng chí, là tình bạn chiến đấu trong một chiến hào”.

Và bức ảnh lịch sử

Bằng sự dũng cảm, ngoan cường, sự tâm huyết, sáng tạo, tình yêu quê hương cùng tính ưu việt của nghệ thuật điện ảnh, những nghệ sĩ/chiến sĩ đã ghi lại được những hình ảnh thiêng liêng nhất của chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, sự đoàn kết một lòng của toàn dân tộc, làm nên tác phẩm điện ảnh tài liệu Điện Biên Phủ còn mãi với thời gian, giữ lại trọn vẹn cho mai sau những hình ảnh lịch sử quý giá nhất của dân tộc Việt Nam.

Ngày 8.5.1954, Đoàn làm phim tài liệu và nhiếp ảnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã có chung một tấm ảnh ngày chiến thắng ngay bên chiến hào. 11 nghệ sĩ trong ảnh là thế hệ đầu tiên bằng lòng yêu nước, sự dũng cảm, tài năng và tâm huyết đã xây dựng nền điện ảnh dân tộc với những mốc son trong hành trình sáng tạo nghệ thuật đồng hành với lịch sử đất nước.

Trong đó, NSƯT Nguyễn Tiến Lợi (1918 - 2008) là đạo diễn kiêm quay phim chính của đoàn làm phim tài liệu tham gia chiến dịch. Ông cũng là nghệ sĩ điện ảnh hiếm hoi sau này được trao tặng 2 Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật: năm 2007 với tác phẩm ảnh Xung phong (1947); năm 2012 với bộ phim tài liệu Điện Biên Phủ (1954). Năm 1973, bộ phim được trao tặng Giải thưởng Bông sen Vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 2.

Các nhà quay phim có mặt trong bức ảnh lịch sử năm 1954 còn có đạo diễn, NSND Nguyễn Hồng Nghi (1918 - 1991); đạo diễn, NSND Phan Trọng Quỳ (1924 - 1981); Đạo diễn, NSND Nguyễn Ngọc Quỳnh (1932 - 2010); quay phim, NSND Nguyễn Đăng Bảy (1923 - 2007); đạo diễn Nguyễn Thụ (1934 - 2002); đạo diễn, NSƯT Nguyễn Như Ái (1925 - 2004); quay phim, kỹ thuật Nguyễn Phụ Cấn. Các nghệ sĩ sau này đều được Đảng và Nhà nước trao tặng những phần thưởng và danh hiệu cao quý; các tác phẩm điện ảnh của họ đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ khán giả, đoạt nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế. Và tấm ảnh Đoàn làm phim tài liệu và nhiếp ảnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ - Những người chép sử bằng hình ảnh là niềm tự hào của điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

TS. Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh
#