Lan tỏa giá trị văn hóa cộng đồng

- Thứ Tư, 07/06/2023, 06:28 - Chia sẻ

Giữa phố cổ Hà Nội nhộn nhịp, nơi góc nhỏ yên tĩnh, phảng phất mùi trầm hương và ngập tràn sắc màu của núi rừng Tây Bắc, một nhóm phụ nữ người Dao Tiền chăm chú hướng dẫn các bạn trẻ vẽ sáp ong, làm thổ cẩm. Ẩn chứa sau đó là câu chuyện về giữ gìn, lan tỏa văn hóa của đồng bào dân tộc…

“Hoa rừng, hương đất”

Chuỗi sự kiện Hoa rừng, hương đất diễn ra cuối tháng 5 vừa qua tại 66 Hàng Trống, Hà Nội, đem đến trải nghiệm thú vị cho công chúng. Tại đây, những phụ nữ dân tộc Dao Tiền ở xóm Sưng, xã Cao Sơn, Đà Bắc, Hòa Bình trực tiếp trình diễn quy trình vẽ sáp ong lên vải - một trong những kỹ thuật truyền thống đặc biệt của dân tộc này.

Trải nghiệm in sáp ong trên vải dưới sự hướng dẫn của bà con dân tộc Dao Tiền ở xóm Sưng - Ảnh: Chie
Trải nghiệm in sáp ong trên vải dưới sự hướng dẫn của bà con dân tộc Dao Tiền ở xóm Sưng. Ảnh: Chie

Hoạt động nằm trong dự án lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống của người Dao Tiền xóm Sưng, được khởi xướng bởi nhóm sinh viên Khoa Truyền thông và văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao, hợp tác cùng Doanh nghiệp xã hội Chie Dù pù dù pà. Trước đó, nhóm bạn trẻ đã trực tiếp đến xóm Sưng tìm hiểu về nghề thêu dệt thổ cẩm và hướng dẫn bà con cách làm truyền thông cho các sản phẩm thủ công truyền thống.

Thành viên nhóm dự án Phạm Hồng Quân cho biết, cùng với sự phát triển của công nghệ, cuộc sống của bà con Dao Tiền đã có nhiều thay đổi. Chúng ta cần làm gì để hòa nhập nhưng không hòa tan các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc? Cùng với bảo tồn, việc quảng bá để mọi người cùng coi trọng và có ý thức gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa cũng rất quan trọng.

“Thực tế không phải ai cũng có cơ hội, tiền bạc để được lên tận bản, vào tận nhà trải nghiệm văn hóa của đồng bào Dao Tiền. Nhóm nghĩ ra ý tưởng đưa văn hóa, đưa bà con cùng những sản phẩm mà họ làm xuống Hà Nội, để mọi người, nhất là các bạn trẻ được tiếp cận, tìm hiểu về bản sắc của dân tộc này”, Hồng Quân nói.

Không chỉ nhận biết một số kỹ thuật làm thổ cẩm, thông qua trải nghiệm theo từng hoa văn, những câu chuyện về bản sắc của đồng bào dân tộc cũng từ đó mà lan tỏa. Như chia sẻ của sinh viên Lê Phương Anh: “Đến với sự kiện này, tôi rất ấn tượng khi được tìm hiểu về chiếc khăn truyền thống của người Dao Tiền, trên đấy có họa tiết gọi là hoa văn hạnh phúc. Hoa văn ấy sử dụng hai màu chỉ đỏ và trắng, màu đỏ tượng trưng cho con gái, màu trắng tượng trưng cho con trai, mang lời chúc, hẹn ước của người mẹ cũng như cả gia đình rằng người con gái sau khi đi lấy chồng sẽ được sống một cuộc sống hạnh phúc, đủ nếp đủ tẻ”.  

Kết nối và chia sẻ

Mỗi họa tiết, hoa văn trang trí thổ cẩm đều mang ý nghĩa gắn liền với nguồn cội, đời sống văn hóa, tinh thần của người Dao Tiền. Các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào được làm từ chất liệu sẵn có trong tự nhiên, với bí quyết được truyền từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, một thời gian dài, những giá trị đặc sắc chỉ được biết đến trong không gian cộng đồng Dao Tiền, vốn đứng trước nguy cơ mai một khi lớp trẻ không còn mặn mà với nghề của ông cha.

Chia sẻ giá trị đến với nhiều người hơn, bởi vậy cũng là mong muốn của nhiều bà con Dao Tiền ở xóm Sưng bây giờ; chị Lý Thị Hằng, xóm Sưng, cho biết: “Tôi cảm thấy việc lan tỏa các giá trị truyền thống của dân tộc là vấn đề rất cấp thiết, quan trọng. Chị em chúng tôi làm ra các sản phẩm thổ cẩm không những để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong gia đình mà còn muốn chia sẻ các giá trị văn hóa, các câu chuyện, ý nghĩa của nó để cộng đồng, mọi người biết tới nhiều hơn”.

Để mọi người biết tới cái hay, cái đẹp trong văn hóa dân tộc cũng là mục tiêu hướng đến của Doanh nghiệp xã hội Chie Dù pù dù pà khi đồng hành với bà con các dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Dao Tiền, phát triển sản phẩm từ nghề dệt thổ cẩm. Thay vì chỉ làm trang phục truyền thống như trước, phụ nữ Dao Tiền sẽ tạo nên các sản phẩm đa dạng như túi, ví, khăn, tặng phẩm… để bán cho khách du lịch. Giám đốc Chie Dù pù dù pà Trương Thị Thu Thủy cho rằng, khi bà con phát triển sản phẩm mang lại giá thành cao hơn, tính ứng dụng tốt hơn, bán được nhiều hơn cho khách thì bà con sẽ vui hơn, thoải mái hơn và quan trọng nhất là có niềm tin với công việc mình làm. Từ đó, cộng đồng có động lực duy trì nghề truyền thống cũng như thoải mái hơn trong chia sẻ văn hóa của mình.

“Sự kiện Hoa rừng, hương đất hay nhiều chương trình cùng bà con đưa thổ cẩm và câu chuyện xoay quanh thổ cẩm xuống phố chính là cách góp phần giúp bà con chủ động hơn trong quảng bá sản phẩm đến nhiều người hơn. Tuy dự án quy mô nhỏ, song điều chúng tôi nhận thấy là nó thực sự mang tính trọn vẹn, giúp giới thiệu được toàn phần giá trị văn hóa của đồng bào, khi mọi người có thể tìm hiểu kỹ hơn cả những câu chuyện văn hóa đằng sau sản phẩm của bà con. Đấy chính là động lực để sắp tới chúng tôi cố gắng phát triển thêm nhiều chương trình như thế”, bà Trương Thị Thu Thủy nói.

Thái Minh