Không có sự phát triển bền vững nếu không có nền văn hóa mạnh

- Thứ Bảy, 17/02/2024, 07:34 - Chia sẻ

Ấn tượng với văn hóa, con người Việt Nam, đặc biệt là kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, thiên nhiên rộng khắp, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Jonathan Wallace Baker cho rằng kho báu này đang được phát huy tốt một phần nhờ những cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo cao nhất đất nước.

“UNESCO sẽ đồng hành với Việt Nam”

Theo kinh nghiệm của ông Jonathan Wallace Baker trong hơn 24 năm làm việc tại UNESCO, Việt Nam là một trong rất ít quốc gia hiện nay đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị và các vấn đề xã hội và đặt nó vào trung tâm của sự phát triển. Điều này được đánh giá cao vì chúng ta đã nhận thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của văn hóa trong những thời kỳ khó khăn khác nhau, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

Giảng viên, sinh viên quốc tế tham quan, tìm hiểu Làng nghề dệt đũi Nam Cao, Thái Bình - Ảnh: Hanhsilk
Giảng viên, sinh viên quốc tế tham quan, tìm hiểu Làng nghề dệt đũi Nam Cao, Thái Bình. Ảnh: Hanhsilk

Văn hóa, từ các di tích lịch sử, bảo tàng đến các hoạt động di sản sống và các loại hình nghệ thuật đương đại đang làm phong phú thêm cuộc sống của chúng ta theo vô số cách và giúp xây dựng cộng đồng hòa nhập, sáng tạo, kiên cường. Bảo tồn và bảo vệ thế giới di sản văn hóa, thiên nhiên cũng như hỗ trợ sự sáng tạo, các lĩnh vực văn hóa năng động là điều căn cốt để giải quyết những thách thức của thời đại, từ biến đổi khí hậu đến nghèo đói, bất bình đẳng, khoảng cách số và những tình huống khẩn cấp, xung đột đang diễn biến khó lường.

“UNESCO tin chắc rằng không có sự phát triển nào bền vững nếu không có một nền văn hóa mạnh mẽ. Tôi xin khẳng định UNESCO sẽ đồng hành với Việt Nam trong nỗ lực bồi đắp văn hóa vì sự phát triển bền vững”, ông Jonathan Wallace Baker khẳng định.

Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhằm xây dựng nền văn hóa phát triển đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Ông Jonathan Wallace Baker cho rằng, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo không đơn thuần là kênh tăng trưởng kinh tế mà là trọng tâm của một mô hình phát triển bền vững, toàn diện.

“Đất nước các bạn có cảnh quan lịch sử và văn hóa đan xen với các chủ thể năng động của công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Những ngành công nghiệp này không chỉ đóng vai trò là phương tiện cho sự thịnh vượng kinh tế mà còn bảo vệ truyền thống, thúc đẩy sự gắn kết xã hội và thúc đẩy các hoạt động bền vững”, ông Jonathan Wallace Baker nhận định.

Chiến lược và chính sách thống nhất

Bên cạnh các mô hình hiện có của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, để phát triển bền vững, Việt Nam cần tận dụng tốt hơn nữa tiềm năng văn hóa thông qua chiến lược và chính sách thống nhất.

Theo ông Jonathan Wallace Baker, các biện pháp được Nhóm công tác của Hệ thống Liên Hợp Quốc đề xuất trong Chương trình nghị sự phát triển của Liên Hợp Quốc sau năm 2015 có thể là điểm tham khảo hữu ích cho Việt Nam.

Trước hết, các nhà hoạch định chính sách nên tiếp tục quan tâm tích hợp văn hóa vào quản trị như xây dựng và thực hiện các chương trình phát triển, xây dựng pháp luật.

Thứ hai, thúc đẩy các ngành văn hóa và sáng tạo phát triển thành các tiểu ngành kinh tế mạnh mẽ tạo ra việc làm, phát triển địa phương và tinh thần kinh doanh đồng thời bảo vệ di sản văn hóa.

Thứ ba, tính bền vững của môi trường phải trở thành trọng tâm mới khi sự hiểu biết về môi trường bền vững được tích hợp nhất quán vào các hoạt động văn hóa và sáng tạo.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, cộng đồng địa phương cần giữ vị trí trung tâm trong các ngành văn hóa để xây dựng các mô hình phát triển thông qua đối thoại liên văn hóa và chuyển giao kiến thức nhằm gắn kết và trao quyền cho xã hội, đặc biệt là giới trẻ, các nhóm dễ bị tổn thương.

“Trên cơ sở bối cảnh cụ thể của Việt Nam và từng khu vực hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, cần làm phong phú thêm các khuôn khổ trên, bảo đảm các chính sách và ưu đãi phù hợp với địa phương, tối đa hóa sự phối hợp, tiến bộ”, ông Jonathan Wallace Baker lưu ý.

Minh Hà
#