Trò chuyện đầu tuần

Đánh thức vẻ đẹp di sản Việt

- Thứ Hai, 22/07/2024, 06:45 - Chia sẻ

Văn hóa Việt với những giá trị đặc sắc được lưu giữ qua nhiều thời kỳ đến ngày nay còn hiển lộ trên nhiều công trình kiến trúc, hiện vật, lắng đọng trong các câu chuyện… đã trở thành cảm hứng cho các sáng tác nghệ thuật. Nghệ sĩ trẻ NGUYỄN THANH VŨ chia sẻ về hành trình tìm lại vốn cổ và sáng tạo nhằm thể hiện niềm tự hào, quảng bá di sản quý báu của cha ông.

Điểm mặt gọi tên linh thú trong văn hóa Việt

- Con đường nào đưa một nghệ sĩ trẻ như Vũ đến với đề tài về văn hóa truyền thống?

- Tiếp xúc với văn hóa lịch sử từ khi còn ở giảng đường đại học, tôi có cơ duyên nghiên cứu đề tài khoa học về kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng ở TP. Hồ Chí Minh. Khi đến với di sản, tôi như được truyền cảm hứng và thán phục tài nghệ và thành tựu của tiền nhân, những người đã làm nên tuyệt tác dù không có sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật hiện đại.

Họa sĩ Nguyễn Thanh Vũ
Họa sĩ Nguyễn Thanh Vũ

Ngắm nhìn những công trình kiến trúc, hiện vật còn lại cho đến hôm nay, tôi thấy đó không chỉ là vẻ đẹp mà còn là dấu ấn của thời đại, chứng nhân lịch sử qua bao thăng trầm. Tôi cho đó là kỳ tích, thôi thúc bản thân phải làm gì đó để tôn vinh, quảng bá di tích, di sản ấy.

- Tiếp nối bộ sưu tập tranh "Kỳ ẩn Việt Nam" giới thiệu kiến trúc cổ ở khắp mọi miền đất nước, bộ tranh về các hình tượng linh thú trong văn hóa người Việt từ thời Lý đến nay vừa được ra mắt. Anh có thể chia sẻ cảm hứng, lý do thực hiện bộ sưu tập này?

- Tôi mong muốn mọi người có thể điểm mặt gọi tên những linh thú trong văn hóa, lịch sử Việt Nam, dù chưa thể vẽ hết, ví dụ, 12 con giáp cũng được coi là linh thú trong văn hóa Việt.

Bên cạnh đó, tôi cũng muốn truyền tải sức sống mãnh liệt và tính thiêng của các hình tượng này, cùng với câu chuyện và ý nghĩa mà các linh thú đại diện. Ví dụ trong tứ linh, long tượng trưng cho quyền lực; lân tượng trưng cho phúc lành, quy tượng trưng cho sự trường thọ và phụng tượng trưng cho sự sang quý. Đó đều là những giá trị về mặt tinh thần mà ông cha từ đời xưa đã đúc kết và gửi gắm, mở rộng ra còn là những giá trị về mặt phong thủy, tín ngưỡng.

Mỗi linh thú tượng trưng và mang ý nghĩa hướng đến những điều lành trong cuộc sống, mang theo niềm tin của người Việt. Qua những tác phẩm của mình, tôi hy vọng mọi người có thể rút ra suy nghĩ hay cảm xúc, từ đó có ứng xử khác với di tích, di sản. Tôi cho rằng, một đất nước vững mạnh là một đất nước có bề dày lịch sử, một thế hệ vững mạnh là một thế hệ hiểu được và có thái độ đúng đắn với di sản tiền nhân để lại.

- Qua thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, vẻ đẹp nào của hình tượng linh thú qua các thời kỳ được anh đưa vào tác phẩm của mình?

- Linh thú của từng triều đại mang họa tiết khác nhau. Họa tiết đó vừa đánh dấu thành tựu của triều đại, vừa là cơ sở để sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật khác mà đến bây giờ hậu thế vẫn còn sử dụng rất nhiều. Ví dụ triều đại Lý - Trần sử dụng hoa sen, lá bồ đề làm họa tiết trang trí vì 2 triều đại này chịu nhiều ảnh hưởng từ Phật giáo; triều Lê sử dụng họa tiết đao lửa của nghệ thuật Đông Kinh - Lam Kinh, triều Nguyễn lại mạnh về nghệ thuật khảm sành và pháp lam...

Qua nghiên cứu tôi cũng cảm nhận linh thú Việt Nam có tính khoan hòa, gần gũi với con người. Đó là lý do tôi vẽ linh thú Việt Nam trong trạng thái nhắm mắt, để thể hiện tính hiền từ.

Chắt lọc giá trị truyền thống

- Từ trải nghiệm của bản thân, theo anh, người trẻ tìm về văn hóa dân tộc có khó khăn, thuận lợi gì?

- Khi tìm về văn hóa truyền thống, có thể nói thuận lợi rất nhiều: tôi được gặp gỡ nhiều người, đi nhiều nơi, biết được những di sản tiền nhân để lại với rất nhiều điều mình chưa biết tới.

Triển lãm bộ sưu tập
Triển lãm bộ sưu tập "Từ tính tứ linh" tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội

Nhưng khó khăn cũng trùng trùng. Bởi khi làm về đề tài văn hóa lịch sử, chúng ta thường nhận được nhiều ý kiến trái chiều của giới chuyên môn, đặc biệt là giới văn hóa. Đồng thời, phải chắt lọc tư liệu. Tôi quan niệm, lịch sử là một dòng chảy, gồm chính sử (những câu chuyện chính thống), huyền sử (những câu chuyện tâm linh huyền bí) và dã sử (những câu chuyện được lưu truyền trong dân gian). Tôi không đánh giá câu chuyện nào đúng, câu chuyện nào sai, mà chắt lọc, chọn cái phù hợp để đưa vào tác phẩm. Tuy vậy, sự tràn lan về thông tin trong bối cảnh hiện nay, chọn lọc cái nào cho phù hợp cũng là thách thức.

Khi nắm được thông tin, tôi đi thực tế để tận mắt chứng kiến và cảm nhận, lấy cảm hứng sáng tác. Chẳng hạn để thực hiện bộ sưu tập về linh thú trong văn hóa Việt, tôi dành một năm khảo sát nhiều nơi từ Nam ra Bắc, nghe những câu chuyện kể, quan sát linh thú, nhìn ngắm những vệt hao mòn của thời gian trên các công trình kiến trúc…

Muốn nghiên cứu linh thú triều Nguyễn phải đến các di tích ở Huế; hay đến Hoàng Thành Thăng Long tìm hiểu về văn hóa Lý - Trần. Với linh thú trong dân gian, tôi tới những ngôi đình làng. Tôi cũng sang Campuchia và Thái Lan để tìm hiểu văn hóa của người Chăm ở các vùng miền… Trong hành trình đó còn có cái khó nữa là di tích của triều Nguyễn đến nay hầu như nguyên vẹn để tìm hiểu, nhưng công trình, hiện vật thời Lý - Trần - Lê không còn nhiều dấn ấn để tiếp cận.

- Sau bộ sưu tập tranh về linh thú Việt, anh có ý tưởng tiếp theo nào về đề tài văn hóa?

- Tôi quan niệm khi làm nghề, 3 từ khóa luôn song hành là văn hóa, nghệ thuật và lịch sử. Với tôi, đề tài, cảm hứng về văn hóa luôn phong phú, khai thác không biết bao giờ hết.

Sau bộ sưu tập về linh thú, tôi ấp ủ xây dựng một bộ sưu tập khác giới thiệu về nghệ thuật ca cổ của Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ chuyển thơ thành nhạc, còn tôi sẽ chuyển nhạc thành tranh, tạo cơ hội để người trẻ biết những bài ca cổ xưa được truyền lại cho tới ngày nay.

- Xin cảm ơn anh!

Ngọc Phương thực hiện
#