Ký ức như điện ảnh, điện ảnh như ký ức - cặp phạm trù này phản ảnh lẫn nhau và qua nhiều thời kỳ cùng lưu giữ một nền văn hoá, một không khí, hay một tinh thần trí tuệ của một nơi chốn.
Hình ảnh Hà Nội được lưu giữ, thể hiện qua nhiều bộ phim ở các thời kỳ. Các phim được chiếu trong rạp Khăn Quàng Đỏ đậm chất Hà Nội trong chiến tranh (Em bé Hà Nội, 1974) và sau Đổi mới (Hãy tha thứ cho em, 1992), nếu được đặt trong một đối thoại với một bộ phim có bối cảnh chính là Hà Nội vừa hoàn thành năm 2024 Culi không bao giờ khóc, ta có thể thấy được sự tiếp nối và thay đổi của cảm quan Hà Nội trong sáng tác nghệ thuật qua các thế hệ.
Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, tọa đàm “Sáng tạo hình ảnh Hà Nội trong điện ảnh các thời kỳ” là cuộc gặp gỡ của những nhân vật có ảnh hưởng trong việc định hình hình ảnh Hà Nội trong điện ảnh. Tọa đàm có sự tham gia điều phối bởi nhà văn Nguyễn Trương Quý, một nhà “Hà Nội học” thế hệ mới; các khách mời là lớp diễn viên tài năng thuộc các thế hệ đầu tiên của điện ảnh Việt Nam và Hà Nội: diễn viên, NSND Minh Châu, diễn viên Lan Hương (phim Em Bé Hà Nội), nhà sản xuất Nghiêm Quỳnh Trang của bộ phim Culi không bao giờ khóc.
Diễn ra vào ngày 16.11, tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, đây là dịp người tham gia cùng các nhà làm phim, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu bàn về vai trò của điện ảnh như một phép lưu giữ ký ức về văn hóa và con người Hà Nội, cùng nhau khám phá mối liên hệ giữa ký ức tập thể, bối cảnh đô thị, và hình ảnh con người Việt Nam qua các gương mặt điện ảnh, từ đó mở ra những trao đổi nhằm kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai.