Cơ hội phát triển ngành giám tuyển tại Việt Nam

- Thứ Bảy, 13/04/2024, 13:59 - Chia sẻ

Giám tuyển gần đây trở nên quen thuộc, gắn với các dự án, triển lãm mỹ thuật... Sự phát triển của thị trường nghệ thuật Việt Nam đang tạo cơ hội và khả năng phát triển ngành nghề này.

Sáng 13.4, hội thảo chuyên ngành giám tuyển lần thứ nhất với chủ đề “Thực hành giám tuyển tại Việt Nam từ năm 2000 - nay: Cơ hội và thách thức” đã diễn ra tại Hà Nội.

Hội thảo quy tụ 17 diễn giả là các giám tuyển, người thực hành nghệ thuật, nhà nghiên cứu cũng như đại diện các tổ chức nghệ thuật công và tư đã và đang hoạt động, đóng góp tích cực cho quang cảnh chung của nghệ thuật khắp cả nước.

Cơ hội phát triển ngành giám tuyển tại Việt Nam -1
Hội thảo đặt mục tiêu trở thành nền tảng thảo luận cởi mở và có tính phản biện

Tại chuyên đề 1 “Phả hệ thuật ngữ “curator” tại Việt Nam qua các thời kỳ và quan niệm về công việc giám tuyển”, các nghệ sĩ đã cho thấy một cách nhìn về lịch sử phát triển của công việc “giám tuyển” thông qua truy vết sự đa dạng trong các lựa chọn chuyển ngữ thuật ngữ “curator”, và cách dùng thuật ngữ này nói chung từ đầu những năm 2000 đến nay.

Nghệ sĩ Nguyễn Như Huy tập trung diễn giải công việc giám tuyển cả về lịch sử thực hành lẫn giải thích từ nguyên. Ông so sánh, nếu như phê bình nghệ thuật truyền thống là một lĩnh vực nghiên cứu dựa trên câu hỏi về bản chất của nghệ thuật, thì thực hành giám tuyển là một khái niệm mở về một dạng thực hành tập trung nắm bắt nghệ thuật qua các phương cách xuất hiện đa dạng của nó.

Ở một chừng mực nào đó, thực hành giám tuyển còn khiến nghệ thuật xuất hiện trong những phương cách mới mẻ chưa từng có, và vì thế, nó còn được đồng nghĩa với chính sự sáng tạo nghệ thuật. 

Cơ hội phát triển ngành giám tuyển tại Việt Nam -0
Cùng với sự phát triển của thị trường nghệ thuật Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, thuật ngữ "giám tuyển" được dùng một cách nhuần nhuyễn và quen thuộc

Còn theo nghệ sĩ Vũ Đức Toàn, có những từ lạ xuất hiện trong bối cảnh thời kỳ đầu chập chững của nghệ thuật đương đại Việt Nam. Trước năm 2000, "curator" là một từ lạ, và sau đó từ "giám tuyển" ra đời như cách gọi cho từ lạ ấy. Cùng với sự phát triển của thị trường nghệ thuật Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, thuật ngữ "giám tuyển" được dùng một cách nhuần nhuyễn và quen thuộc...

Trong khi đó, với nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển như là một thực hành thử nghiệm phương thức đối thoại với nơi chốn. Trong quá trình thực hành giám tuyển hơn 10 năm song hành cùng những dự án nghệ thuật cá nhân, công việc giám tuyển đến như một cách tự nhiên, giống như một thực hành mang tính nghệ thuật... Các thảo luận cũng làm rõ công việc của giám tuyển, vị trí, vai trò của giám tuyển trong nền nghệ thuật Việt Nam hiện nay...

Trong khuôn khổ hội thảo, các nghệ sĩ cũng tập trung bàn thảo về Xây dựng cơ sở hạ tầng và cộng đồng như một thực hành giám tuyển; Tính “tác giả” trong công tác giám tuyển; Viết như một chiến lược giám tuyển; Triển lãm như một địa bàn viết sử, với các dẫn chứng cụ thể từ các dự án nghệ thuật -  giám tuyển tại Việt Nam.

Thông qua những trao đổi này, hội thảo mong muốn xác định cơ hội và khả năng giúp mở rộng và phát triển ngành nghề này tại Việt Nam, đồng thời tạo tiền để cho sự ra đời các chương trình tập trung vào thực hành giám tuyển trong tương lai.

Ng. Phương
#