Hiến pháp là đạo luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước, phản ánh ý chí, nguyện vọng, lợi ích của toàn dân tộc. Hiến pháp mới được QH Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu với tuyệt đại đa số ĐBQH biểu quyết tán thành. Vấn đề hiện nay là thẩm thấu tinh thần và nội dung của Hiến pháp vào mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân để triển khai Hiến pháp trong thực tiễn.
Chế định văn hóa, giáo dục đã kế thừa những quy định trong Hiến pháp năm 1992 nhưng được thể hiện lại một cách tổng quát, phản ánh những quan điểm, định hướng về phát triển văn hóa, giáo dục được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng. Những vấn đề cụ thể về văn hóa sẽ do các văn bản luật chuyên ngành quy định để phù hợp với sự phát triển của thực tiễn. Ngoài ra, Hiến pháp mới tiếp tục xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc phát triển văn hóa, giáo dục cũng như tạo điều kiện, phát huy các nguồn lực khác đầu tư cho văn hóa, giáo dục.
Trên cơ sở kế thừa 5 điều quy định về văn hóa trong Chương III Hiến pháp năm 1992 (từ Điều 30 – đến Điều 34), Hiến pháp năm 2013 đã tổng hợp thành một điều là Điều 60 gồm 3 khoản quy định một cách tổng quát về chế định văn hóa, trong đó tiếp tục nhấn mạnh vai trò của Nhà nước và xã hội trong việc chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại (khoản 1). Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần và tiếp cận thông tin của người dân, Nhà nước và xã hội không ngừng chăm lo, phát triển văn học, nghệ thuật và các phương tiện thông tin đại chúng (khoản 2). Nhận thức được vai trò to lớn của gia đình là cái nôi hình thành nếp sống văn hóa, Hiến pháp mới đã bổ sung một khoản quy định về việc Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân (khoản 3).
Ngoài ra, trong Chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Hiến pháp khẳng định mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa.
Như vậy, chế định về văn hóa trong Hiến pháp được quy định ngắn gọn, súc tích trong một điều nhưng đã bao quát được các khía cạnh của văn hóa; thể hiện được vai trò của Nhà nước trong việc phát triển toàn diện nền văn hóa Việt Nam mới, đồng thời cũng nhấn mạnh được quyền của người dân trong việc hưởng thụ, tiếp cận và tham gia vào đời sống văn hóa.
Về giáo dục, Hiến pháp quy định công dân có quyền và nghĩa vụ học tập và tiếp tục khẳng định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Hiến pháp cũng quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý; ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hóa và học nghề.
Như vậy, chế định về giáo dục trong Hiến pháp được quy định tại 2 điều là Điều 39 khẳng định quyền và nghĩa vụ học tập của người dân và Điều 61 thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với việc phát triển giáo dục và đào tạo, coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; đã khái quát được hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm các cấp học, các loại hình nhà trường; phát triển giáo dục đồng đều giữa các vùng miền, ưu tiên những vùng ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; quan tâm đến đối tượng là người khuyết tập và người nghèo. Ngoài ra, xã hội hóa giáo dục cũng ưu tiên thực hiện nhằm huy động được những nguồn lực khác trong xã hội đầu tư cho giáo dục và đào tạo.
Sau khi Hiến pháp được QH thông qua thì nhiệm vụ quan trọng là tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, bảo đảm cho từng chế định của Hiến pháp thực sự đi vào đời sống, tạo sự chuyển biến sâu rộng và tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc triển khai thi hành Hiến pháp có hai nội dung cơ bản là tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp và rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản pháp luật phù hợp với Hiến pháp.
Mục đích của việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Hiến pháp nhằm nâng cao nhận thức và niềm tin của người dân về Hiến pháp để hình thành ý thức tự giác, tôn trọng và chấp hành Hiến pháp, bảo đảm Hiến pháp được tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành trong mọi tầng lớp nhân dân..., đồng thời thông qua công tác tuyên truyền để đấu tranh với các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng việc ban hành Hiến pháp để xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Đối với lĩnh vực văn hóa, giáo dục, cần nhấn mạnh đến những thay đổi cơ bản trong Hiến pháp mới, trong đó vấn đề quyền của công dân được học tập, được hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa. Ngoài ra, Hiến pháp tiếp tục khẳng định vai trò của Nhà nước, xã hội trong việc chăm lo, phát triển văn hóa, giáo dục.
Song song với việc tuyên truyền, phổ biến, giải thích Hiến pháp, cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản pháp luật phù hợp với Hiến pháp. Đối với lĩnh vực văn hóa, cần xác lập danh mục các luật liên quan đến văn hóa, rà soát tính thống nhất với Hiến pháp, bao gồm các luật: Di sản văn hóa, Báo chí, Điện ảnh, Xuất bản. Xác định lộ trình xây dựng Luật về nghệ thuật biểu diễn, Luật Thư viện, Luật Tiếp cận thông tin, đồng thời nghiên cứu, đề xuất xây dựng những dự án luật khác phù hợp với yêu cầu đặt ra của Hiến Pháp và của tình hình thực tế.
Đối với lĩnh vực giáo dục, cần rà soát hệ thống các luật trong lĩnh vực giáo dục, đảm bảo tính thống nhất với Hiến pháp như: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Dạy nghề. Nghiên cứu xây dựng Luật Nhà giáo, hoàn thiện Đề án xây dựng, triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, Triển khai thi hành Nghị quyết về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Đồng thời với việc rà soát hệ thống các văn bản luật liên quan đến văn hóa, giáo dục, cần tiến hành rà soát hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành luật và các văn bản khác có liên quan để bảo đảm tính thống nhất với những thay đổi của Hiến pháp mới. Ngoài những nội dung trên, để Hiến pháp mới được triển khai sâu, rộng và hiệu quả cao rất cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước, người dân và xã hội để cùng vào cuộc triển khai thi hành Hiến pháp.