Vận hành hiệu quả Bệnh viện dã chiến

- Thứ Ba, 01/06/2021, 16:52 - Chia sẻ
Sau khi đi và hoạt động, Bệnh viện Dã chiến số 2 ở Bắc Giang đã đón tiếp và điều trị cho rất nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ngoài công tác chuyên môn về khám, chữa bệnh thì các vấn đề về điều hành bệnh viện, kiểm soát nhiễm khuẩn cũng được coi là chìa khóa giúp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh dịch.
Các chuyên gia và lực lượng chức năng liên tục theo dõi Bệnh viện Dã chiến thu dung và điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bắc Giang.
Các chuyên gia và lực lượng chức năng liên tục theo dõi Bệnh viện Dã chiến thu dung và điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bắc Giang.

Phát hiện sớm người có triệu chứng nặng

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 2 BS Nguyễn Như Phố, sau hơn 4 ngày đi vào hoạt động tại, Bệnh viện dã chiến số 2 tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang đã trở thành nơi thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 lớn nhất miền Bắc. Đội ngũ chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai có mặt ngay từ khi bệnh viện còn trong quá trình lắp đặt, trực tiếp thực hiện tập huấn nhân lực và tham gia thiết kế, vận hành bệnh viện này.

Tính đến ngày 30.5 Bệnh viện dã chiến số 2 Bắc Giang đã tiếp nhận hơn 620 bệnh nhân, có 223 cán bộ nhân viên (trong đó 73 bác sĩ, điều dưỡng 121, bộ đội 17, công an 12) và được chia 4 ca 5 kíp, được cung cấp đầy đủ trang thiết bị, trang phục để đi vào trong khu điều trị cách ly.

Hiện nay do số bệnh nhân ngày một tăng, nên số lượng bác sĩ và điều dưỡng cũng đang tiếp tục được điều động và tăng cường. Trong sáng ngày 1.6, đã có 3.000 cán bộ y tế, sinh viên các trường đại học y dược có mặt tại Bắc Giang và 27.000 cán bộ y tế, chuyên gia, học viên, sinh viên ngành y sẵn sàng tới chống dịch tại hai địa phương Bắc Ninh và Bắc Giang. Cùng với đó, các chuyên gia đầu ngành về điều trị trong cả nước của Tiểu ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Hội đồng chuyên môn thường xuyên, liên tục hội chẩn trực tuyến các ca bệnh nặng, dồn tâm sức để bàn thảo, đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất cho người bệnh.

Tham mưu về công tác điều hành, bác sĩ Ngô Đức Hùng, chuyên gia hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai, người trực tiếp tập huấn nhân lực cho Bệnh viện Dã chiến số 2 cho hay, hiện bệnh viện này có 4 mảng quan tâm là hành chính, chuyên môn, chống nhiễm khuẩn và hậu cần. Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến vô cùng khó lường, theo bác sĩ Ngô Đức Hùng, hơn 500 bệnh nhân nhập viện trong 1 ngày là số lượng rất lớn. Do vậy, 1 trong những nhiệm vụ hành chính nặng nề là phải lấy dữ liệu, thông số bệnh nhân hàng ngày và quá trình theo dõi.

“Công việc chuyên môn tại đây nặng nhưng không quá phức tạp vì bệnh nhân chỉ có 1 bệnh. Nhiệm vụ của đội chuyên môn là lọc xem bệnh nhân nào có dấu hiệu nặng, phát hiện sớm để chuyển đi bệnh viện điều trị, giao cho nhóm chuyên môn trực đã được huấn luyện để phát hiện bệnh nhân nặng. Vấn đề là cần kết nối nhóm chuyên môn và nhóm hành chính, phối hợp bên trong và bên ngoài hợp lý, an toàn” - bác sĩ Ngô Đức Hùng chia sẻ.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy tỷ lệ nhiễm Covid-19 trong nhân viên y tế cao hơn rất nhiều so với người dân thường. Trong khi cán bộ y tế chỉ chiếm 3% dân số toàn cầu, có tới khoảng 14% các ca nhiễm được báo cáo cho WHO là thuộc nhóm cán bộ y tế. Vì vậy, việc bảo vệ nhân viên y tế là mấu chốt trong việc bảo đảm cho một hệ thống chăm sóc, điều trị và phòng chống dịch được vận hành trôi chảy.

Kiểm soát tốt nhiễm khuẩn tại bệnh viện

Theo Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Bạch Mai TS Trương Anh Thư, kiểm soát nhiễm khuẩn là một phần quan trọng trong việc củng cố công tác phòng, chống dịch và phải được xem là ưu tiên hàng đầu để bảo vệ bệnh nhân và nhân viên y tế.

TS.BS Trương Anh Thư cũng cho biết, chủng virus biến thể Ấn Độ lần này có thời gian ủ bệnh và lây lan nhanh hơn các chủng cũ. Mật độ công nhân tại các ổ dịch quá đông, môi trường làm việc không bảo đảm thông khí, nhiều người di chuyển chung xe và dùng chung nhà vệ sinh. Do vậy, số ca mắc bệnh tại Bắc Giang rất cao. Trước thực trạng này, việc bảo vệ nhân viên y tế - lực lượng quan trọng nhất trong công tác phòng, chống dịch là yêu cầu sống còn. Đặc biệt, tại các bệnh viện đang diễn ra điều trị cho các bệnh nhân có diễn biến nặng như Bệnh viện Dã chiến số 2 thì công tác này lại càng phải chú trọng.

Là người đã từng có mặt tại những điểm nóng chống dịch, TS Trương Anh Thư nhận xét rất khách quan rằng, bên cạnh những mặt đã làm được, hiện tại tỉnh Bắc Giang vẫn còn tồn tại một số điểm hạn chế, cần sớm được khắc phục. Thứ nhất, hầu hết công tác kiểm tra, giám sát về tuân thủ thực hành phòng, chống dịch bệnh chưa được chú ý và yếu ở nhiều bệnh viện. Thứ hai, nhân lực để làm vệ sinh môi trường còn thiếu, với lý do các công ty vệ sinh môi trường cũng e ngại về dịch bệnh, hoặc có tham gia thì họ đưa ra phí rất cao.

Trong thời gian tới, nếu tỉnh Bắc Giang quyết liệt khắc phục được những điểm hạn chế này, thì vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ được giải quyết thỏa đáng, qua đó củng cố thêm niềm tin địa phương sẽ sớm khống chế và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Nhằm giúp Bắc Giang làm tốt hơn về kiểm soát nhiễm khuẩn, Bộ Y tế đã cử nhiều chuyên gia tới nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo cho đội ngũ làm kiểm soát nhiễm khuẩn chuyên trách tại địa phương. Đối tượng tập huấn mở rộng dần từ các bệnh viện ưu tiên, tuyến tỉnh, thành phố đến các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện…

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã có Quyết đinh số 5188/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hướng dẫn bao gồm các nguyên tắc kiểm soát lây nhiễm chung và các biện pháp kiểm soát cụ thể như phân luồng tiếp nhận và sàng lọc người bệnh, xử lý dụng cụ y tế, dụng cụ ăn uống, đồ vải, xử lý thi hài.

____________

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ)

Tùng Dương