Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ về chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới

Sớm đưa Luật Phòng, chống ma túy vào cuộc sống

- Thứ Hai, 20/12/2021, 06:02 - Chia sẻ
Luật Phòng, chống ma túy có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022 với nhiều quy định mới, sát với thực tiễn công tác phòng, chống đấu tranh tội phạm về ma túy, cũng như công tác quản lý cai nghiện ma túy. Với những quy định mới, luật sẽ góp phần thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 25.10.2017 về chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó đặt ra vấn đề cần tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy để đáp ứng yêu cầu về thể lực, sức khỏe người dân.

Gia tăng người nghiện ma túy

Thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho thấy, từ năm 2009 đến năm 2019, số người nghiện trong cả nước tăng 60% (từ 146.731 người lên 235.314 người); đến nay con số này đã tăng lên hơn 246.648 người có hồ sơ quản lý, tăng 11.636 người nghiện (4,7%) so với cuối năm 2020. Đơn cử, tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong 9 tháng năm 2020 số người nghiện ma túy hiện đang quản lý tại 16 cơ sở cai nghiện ma túy là hơn 14.000 người, tăng gần 15% so với năm 2019. Trong giai đoạn 2017 - 2019, số người nghiện ma túy tại TP. Hồ Chí Minh có hồ sơ quản lý tăng 5,7%/năm. Riêng số người nghiện chưa có hồ sơ quản lý ước tăng đến 70%.

Nguồn: INT

Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do sự xuất hiện nhiều loại ma túy mới, phổ thông, dễ sử dụng; trong khi đó đối tượng nghiện ma túy phức tạp, có tiền án, tiền sự, không tự giác khai báo và thiếu tư tưởng hợp tác với lực lượng chức năng; bản thân và gia đình người nghiện còn mặc cảm, tự ti khi có con em vi phạm nên hiệu quả tuyên truyền, giáo dục chưa cao. Hơn nữa, công tác cai nghiện còn nhiều hạn chế như công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn; đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chủ yếu kiêm nhiệm, không được đào tạo bài bản, hiệu quả không cao, nhiều địa phương chỉ làm hình thức, điều kiện về cơ sở vật chất không có hoặc không bảo đảm; công tác quản lý sau cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện không còn phù hợp...

Điều đáng nói, một số vấn đề mới của thực tiễn đang đặt ra chưa có quy định kịp thời điều chỉnh, như: chính sách ưu đãi đối với lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, cai nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, một số loại thuốc có chứa chất ma túy, tiền chất chưa đưa vào kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 triệt xóa trên 80% số “điểm nóng” về ma túy. Kiểm soát chặt chẽ 100% các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; xóa bỏ cơ bản và bền vững việc trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy.

Luồng gió mới 

Nhằm góp phần nâng cao thể trạng, sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, cùng với Nghị định số 98/NĐ-CP ngày 26.12.2014 về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống kiểm soát và cai nghiện ma túy, Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 25.10.2017 cũng đề ra giải pháp tập trung chỉ đạo công tác phòng chống, cai nghiện ma túy nhằm nâng cao thể trạng, sức khỏe người dân đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Với tinh thần trên, khắc phục những lỗ hổng trong quản lý cũng như xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, đồng thời tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã bổ sung nhiều quy định mới: Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy trong 1 năm tại gia đình (gia đình tổ chức kèm cặp, giáo dục); Đối với người nghiện ma túy thì bắt buộc phải đi cai nghiện; quy định việc đưa trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi vào cai nghiện bắt buộc; đồng thời quy định khá chi tiết về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy...

Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Trần Ngọc Túy cho biết, để khắc phục khoảng trống đối với người nghiện ma túy từ 12 tuổi đến 18 tuổi, Luật Phòng chống ma túy năm 2021 quy định những đối tượng này được tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại các cơ sở cai nghiện cho đến khi gia đình, người giám hộ không đăng ký cai nghiện nữa nhưng các em vẫn còn nghiện thì lúc đó sẽ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đây là điểm nhân văn, thể hiện sự quan tâm, chăm lo nhưng cũng là biện pháp theo dõi, quản lý chặt chẽ hơn đối với trẻ em nghiện, bảo đảm quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy được quy định tại Điều 28, Luật Trẻ em: “Trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức sử dụng, sản xuất, vận chuyển, mua, bán, tàng trữ trái phép chất ma túy”...

Bình luận về vấn đề này, các chuyên gia luật cũng như ngành chức năng cho rằng: Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 được kỳ vọng là một luồng gió mới, đáp ứng yêu cầu cấp thiết, khách quan để thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới. Tuy vậy, để các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 được triển khai có hiệu quả, đòi hỏi các cấp, ngành chức năng cần có sự quyết tâm, trách nhiệm cao trong việc phối hợp. Đặc biệt, bên cạnh việc đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý, phòng chống tội phạm liên quan đến ma túy, cũng cần có chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp này để bảo đảm tính răn đe.

Bảo Hân