GDP năm 2008 của cả nước là 6,23%, thì 4 vùng kinh tế trọng điểm tăng trưởng trên 13%. Công nghiệp tăng trưởng 16,4%, chiếm 91,87% công nghiệp của cả nước; Nông nghiệp chiếm 67,8%; Dịch vụ chiếm 95,7%. Bình quân GDP đầu người cao gấp đôi so với bình quân của cả nước. Thu ngân sách chiếm 89% ngân sách của cả nước. Xuất khẩu chiếm 96,7% xuất khẩu của cả nước. |
Theo báo cáo, Nghị quyết 30 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội đã được các địa phương đã thực hiện nghiêm túc. Các chỉ số kinh tế quý I của các địa phương đã có chuyển biến tích cực, cá biệt một số địa phương có tốc độ tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2008 như Tiền Giang tăng 9%; Tây Ninh tăng 6,7%... Nhiều địa phương đã thành lập Tổ công tác theo dõi tiến độ thực hiện các gói giải pháp kích cầu của Chính phủ để đánh giá tình hình, kịp thời giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay từ đầu năm UBND TP đã đề ra 9 nhóm giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp. Nhờ vậy mà công tác triển khai Quyết định 30 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn gặp nhiều thuận lợi, đến nay đã giải ngân được hơn 24.400 tỷ đồng. TP cũng đã xây dựng và hoàn chỉnh chương trình xúc tiến thương mại trên địa bàn thành phố, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới và thúc đẩy xuất khẩu; Bảo đảm đủ lượng hàng hóa thiết yếu cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân, góp phần bình ổn giá. Tuy nhiên, trước diễn biến bất lợi và khó lường của nền kinh tế thế giới, nền kinh tế trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy các bộ, ngành và Chính phủ tiếp tục theo dõi sát tình hình thế giới để có những điều chỉnh chính sách vĩ mô phù hợp.
Đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm
Một trong những nút thắt trong tăng trưởng kinh tế đối với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm hiện nay là thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng; nhiều dự án trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là vướng mắc về thủ tục giải ngân và đền bù giải phóng mặt bằng. Điển hình là dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Dung Quất, các đường vành đai vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế trọng điểm khu vực đồng bằng sông Cửu Long... Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Minh Chiếu kiến nghị: Chính phủ xem xét ứng vốn ngân sách trung ương để đầu tư hoàn thành những công trình quan trọng, cấp bách. Đối với các dự án đang nằm trong diện khảo sát, thiết kế cần giao ngay cho địa phương lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng. Như vậy ngay sau khi hoàn tất thiết kế dự án có thể đưa vào triển khai thực hiện tức thì, giảm khâu chờ đợi giải phóng mặt bằng; Đối với các dự án đầu tư có mức vốn dưới 10 tỷ đồng đề nghị ủy quyền cho Chủ tịch UBND thành phố xem xét, quyết định việc chỉ định thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, cấp bách.
Tăng cường liên kết các địa phương trong vùng
Các địa phương cũng kiến nghị Chính phủ sớm có quy hoạch tổng thể vùng, sớm xem xét và phê duyệt các đề án bổ sung khu công nghiệp, khu đô thị để địa phương có định hướng phát triển, hạn chế được tình trạng chồng chéo trong xúc tiến kêu gọi đầu tư giữa các tỉnh. Đồng thời đề nghị các địa phương trong vùng nên tăng cường liên kết, bởi việc tăng cường liên kết sẽ rất có ý nghĩa trong giải quyết hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ. Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Trần Ngọc Thới dẫn chứng: tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được Chính phủ giao đầu tư cảng biển số 5, và hiện cảng biển đã sắp được hoàn thành. Thế nhưng hệ thống giao thông kết nối giữa các tỉnh lại đang trong tình trạng thiếu đồng bộ, thường xuyên bị ùn tắc, nên dù cảng biển có hoàn thành cũng khó giúp cho việc lưu thông hàng hóa tốt hơn. Nên chăng, Chính phủ xem xét những cụm dự án ưu tiên để đồng thời đầu tư xây dựng và hoàn thành cùng giai đoạn. Như vậy hiệu quả đầu tư và hiệu quả kinh tế sẽ được tăng lên.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương trong việc ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội. Để 4 vùng kinh tế trọng điểm thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương thường xuyên tổng kết, đánh giá theo tháng, theo quý, phát hiện sớm những vướng mắc, khó khăn, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ. Các địa phương cần sử dụng tối đa vai trò của Văn phòng điều phối, mạng lưới điều phối vùng kinh tế trọng điểm để tăng tính liên kết trong vùng, tránh sự chồng chéo trong đầu tư và thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát ngay quy hoạch các vùng để có quy hoạch tổng thể, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long – vùng mới được xác định là vùng kinh tế trọng điểm, bởi “không có quy hoạch chúng ta sẽ như người cụt tay, rất khó phát triển”. Phó thủ tướng cũng lưu ý các địa phương tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm bởi đây là thời điểm thích hợp, vừa tạo được việc làm, giá thành rẻ, vừa là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo.