Xuất khẩu giảm, cạnh tranh tăng nếu Mỹ áp thuế
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, mặc dù chính sách thuế đối ứng của Mỹ chưa chính thức thực thi, nhưng đã tạo ra áp lực đáng kể đối với các Chính phủ, doanh nghiệp đa quốc gia và đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Nguy cơ bất ổn trong chính sách thương mại toàn cầu đang hiện hữu và ngày càng rõ nét.

Trong bối cảnh đó, việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh với các doanh nghiệp xuất khẩu vô cùng khó khăn. Đây là tình huống chưa từng có tiền lệ và rất hiếm khi xảy ra. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 29% tổng kim ngạch xuất khẩu với các mặt hàng chủ lực như gỗ, điện tử, dệt may... Nếu chính sách thuế đối ứng được triển khai, tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kéo theo sự đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm việc làm và gây ra nhiều hệ lụy cho thương mại toàn cầu.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhận định, đề xuất áp thuế đối ứng của Mỹ đối với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đang tạo ra những thách thức đáng kể đối với nền kinh tế.
Thứ nhất, nếu Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng hóa của Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta có thể giảm do nhu cầu yếu đi; đồng thời, khối doanh nghiệp FDI, kể cả từ Mỹ, có thể bị ảnh hưởng bởi tâm lý nhà đầu tư, rủi ro chính sách toàn cầu và xu hướng khuyến khích sản xuất tại Mỹ.
Thứ hai, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng, cùng với việc kiểm soát xuất khẩu, điều tra trốn thuế, xác minh nguồn gốc xuất xứ và trung chuyển hàng hóa… có thể khiến Việt Nam đối mặt với rủi ro bị áp thuế đối ứng và bị hạn chế xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao.
Thứ ba, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với hàng hóa từ các quốc gia khác đang dư cung, đặc biệt là Trung Quốc; đồng thời, chi phí logistics có thể gia tăng, cùng với các rủi ro khác liên quan đến lãi suất và tỷ giá.
Trong kịch bản cơ sở, nếu Mỹ áp thuế đối ứng khoảng 20 - 25% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, ước tính doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải trả thêm khoảng 55 tỷ USD mỗi năm; ngược lại, nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống 0% cho hàng hóa từ Mỹ, tổn thất do giảm thu thuế ước khoảng 1,2 tỷ USD.
Tận dụng các FTA, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu nhập khẩu
Dù đứng trước nhiều khó khăn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công vẫn nhìn nhận đây là thời điểm để Việt Nam tái định vị vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong nguy có cơ, các doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi và nâng cao sức chống chịu.
Từ những tác động mà chính sách thuế đối ứng của Mỹ có thể gây ra, ông Phạm Tấn Công cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng; đồng thời, cần tận dụng hiệu quả hơn nữa 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết để mở rộng sang các khu vực ít rủi ro hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tập trung phát triển thị trường nội địa, xác định đây là một trong những trụ đỡ vững chắc để nâng cao sức đề kháng trong bối cảnh hiện nay.
Về phía Nhà nước, cần đẩy mạnh hợp tác song phương với Mỹ, khẳng định Việt Nam là một đối tác đáng tin cậy - đặc biệt trong các lĩnh vực "xanh, sạch"; khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư trực tiếp vào Mỹ. Để tăng cường khả năng cạnh tranh và ứng phó linh hoạt với các biến động toàn cầu, cần nâng cao năng lực thể chế, cải thiện kết cấu hạ tầng, phát triển hệ thống logistics và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Theo TS. Cấn Văn Lực, các doanh nghiệp nên tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí và tín dụng để tối ưu chi phí; đồng thời, cần chủ động nắm bắt xu hướng chuyển đổi kép - gồm xanh hóa và số hóa - nhằm xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp). Ngoài ra, doanh nghiệp cần đa dạng hóa các yếu tố như thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm, dịch vụ và nguồn vốn - để thích ứng với chuyển đổi xanh và mô hình kinh doanh tuần hoàn; bên cạnh đó là nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện, từ công nghệ, nhân lực đến quản trị rủi ro và minh bạch trong xuất xứ hàng hóa.
Các doanh nghiệp cũng nên tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới và việc nâng cấp quan hệ song phương với các đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Malaysia, New Zealand và Singapore. Việt Nam hoàn toàn có cơ hội mở rộng xuất khẩu sang các thị trường đang tìm nguồn cung thay thế, cũng như đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần tăng nội lực và đáp ứng được các tiêu chuẩn mới để nâng cao sức chống chịu.
Theo bà Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội (Amcham Hanoi), Amcham đang tập trung vào hai hướng chính để hỗ trợ doanh nghiệp đối phó với nguy cơ áp thuế đối ứng từ Mỹ. Thứ nhất, đẩy mạnh đàm phán giữa các bên liên quan. Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp thực thi ba nhóm giải pháp chính đã được Chính phủ xác định, gồm: thu hẹp thặng dư thương mại với Mỹ; kiểm soát xuất xứ hàng hóa; giải quyết các rào cản kỹ thuật.
Đối với việc thu hẹp thặng dư thương mại, đang ở mức trên 100 tỷ USD, Chính phủ đã xem xét việc giảm thuế suất với một số mặt hàng nhập khẩu và tăng cường nhập khẩu từ Mỹ. Đây là hai hướng đi có tính bổ trợ lẫn nhau nhằm làm giảm sự mất cân đối thương mại.
Về kiểm soát xuất xứ hàng hóa, phía Mỹ quan ngại Việt Nam đang sử dụng nguyên liệu từ một số nước có thuế suất cao để sản xuất hàng hóa, sau đó xuất khẩu sang Mỹ thông qua con đường trung chuyển. Điều này có thể tạo lỗ hổng khiến hàng hóa nước thứ ba "mượn đường" Việt Nam để né thuế. Do vậy, bà Hà lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đa dạng hóa nguồn nhập khẩu nguyên liệu, tránh phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất, để hạn chế rủi ro bị đánh thuế hoặc điều tra xuất xứ.
Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cuộc đàm phán 90 ngày với Mỹ là cơ hội quan trọng để Việt Nam giải trình rõ nghi ngờ về việc lẩn tránh xuất xứ hàng hóa Trung Quốc, qua đó giúp duy trì xuất khẩu ổn định sang thị trường này.
Bà Lan nhấn mạnh, dù thuế đối ứng là rủi ro nhưng cũng là cơ hội để tái định vị quan hệ thương mại song phương. Việt Nam có 17 FTA nhưng với Mỹ chỉ có BTA và BTA+, hợp tác vẫn ở mức thông thường. Do đó, cần đẩy nhanh đàm phán để hàng hóa Mỹ được đối xử như từ một quốc gia có FTA với Việt Nam, bao gồm cả hàng rào thuế và phi thuế quan.
Ngoài ra, bà Lan đề xuất cần tăng tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi cung ứng xuất khẩu sang Mỹ, phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm đưa Việt Nam thoát khỏi vai trò gia công đơn thuần, tiến tới vị thế cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.