
Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Truyền thông môi trường Trần Phong - Tổng cục Môi trường cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15.1.2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đến nay, Bộ TN - MT đã ký kết 9 nghị quyết liên tịch với các tổ chức chính trị - xã hội cấp Trung ương, 3 quy chế phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng. Sau khi ký kết các nghị quyết liên tịch trên, Bộ cũng đã có văn bản hướng dẫn, đôn đốc các Sở TN - MT thực hiện các nghị quyết liên tịch phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương.
Tính đến tháng 9.2012, đã có 49/63 Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố đã hoàn thành báo cáo về việc phối hợp liên tịch về bảo vệ môi trường với các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn. Điều đáng nói, trong số đó có nhiều chương trình mang lại kết quả và có ý nghĩa lớn như: phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng và thực hiện các quy ước, cam kết bảo vệ môi trường ở các địa bàn dân cư, tổ chức các phong trào có sức lan tỏa lớn kêu gọi toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, cùng hưởng ứng các sự kiện môi trường của quốc gia và quốc tế như Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành về công tác bảo vệ môi trường… Một số mô hình đã đem lại hiệu quả tích cực như “Phân loại rác thải hộ gia đình”, “Quỹ quy vòng vốn vệ sinh và cải thiện nhà ở”, “Mái nhà xanh”, “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon”, xây dựng các tổ tự quản bảo vệ môi trường…
Theo đánh giá của các đại biểu và một số chuyên gia thì các hình thức phối hợp đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức về môi trường và ý thức bảo vệ môi trường của đại bộ phận nhân dân. Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho biết: Nghị quyết số 41- NQ/TW và một số nghị quyết liện tịch của Bộ với các tổ chức chính trị - xã hội như một biện pháp quan trọng để phát huy sức mạnh cộng đồng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Điển hình như Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh từ năm 2007 đến nay đã trực tiếp đầu tư cho 13 xã, phường, thị trấn thực hiện nội dung bảo vệ môi trường dưới cấp độ của cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”. Liên minh các Hợp tác xã tỉnh Hà Tĩnh xây dựng và nhân rộng mô hình Hợp tác xã môi trường, trong đó hỗ trợ mỗi mô hình 150 triệu đồng mua xe vận chuyển rác thải, quy hoạch vùng bãi rác, nhất là thu gom và xử lý chất thải rắn ở cơ sở. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hưng Yên phối hợp với Sở TN - MT đề ra kế hoạch tuyên truyền về môi trường hàng năm, riêng năm 2011 và 9 tháng năm 2012 đã phát 500 tin, bài đề cập về môi trường trong chương trình thời sự hàng ngày và chuyên mục “Môi trường với cuộc sống”, được đông đảo người dân quan tâm và đồng tình. Hội Nông dân tỉnh An Giang xây dựng 9 câu lạc bộ tham gia thu gom rác thải nông nghiệp, vận động 12.000 hộ dân đăng ký “hộ gia đình cam kết tham gia bảo vệ môi trường”...
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, các mô hình bảo vệ môi trường còn đơn điệu, tính bền vững chưa cao, chưa có nhiều hình thức phong phú... Hoạt động kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị xã hội với các chủ trương, chương trình, dự án bảo vệ môi trường tại địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Chủ tịch Hội Bảo vệ TN - MT Nguyễn Ngọc Sinh cho biết vai trò quan trọng của cộng đồng trong bảo vệ môi trường chưa được đánh giá đúng mức. Cộng đồng còn thiếu thông tin cần thiết về môi trường, chưa tạo được cơ chế tối thiểu cho việc chủ động tham gia, chưa tăng cường được năng lực để cộng đồng có đủ sức bảo vệ môi trường như các quy định hiện hành của pháp luật yêu cầu. Do đó, cần phải có bước đột phá trong việc phát huy sức mạnh cộng đồng bảo vệ môi trường.
Để khắc phục những khó khăn trên, rút kinh nghiệm thực tế từ sự phối hợp trong thời gian qua, các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chương trình liên tịch về bảo vệ môi trường năm 2013 và những năm tiếp theo. Thứ trưởng Bộ TN - MT, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết, Tổng cục Môi trường đã nhận được đề xuất của 19 tỉnh, thành phố với 176 chương trình, dự án. Trong đó có thể kể đến những chương trình nổi bật như: Xây dựng mô hình khu dân cư thực hiện hài hòa giữa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường của tỉnh Điện Biên; Xây dựng thí điểm và nhân rộng mô hình khu dân cư thân thiện với môi trường của TP Đà Nẵng; Tập huấn kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Xây dựng mô hình hộ chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường của tỉnh Hà Nam.
Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vừa phức tạp, cấp bách, có tính đa ngành và liên vùng rất cao, vì vậy cần sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, toàn thể nhân dân nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân với bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường - Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh.
8 hoạt động trọng tâm triển khai năm 2013 - Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 15.4.2004 của Bộ Chính trị và Luật Bảo vệ môi trường năm 2005; - Đẩy mạnh tuyên truyền Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2010 - 2020; - Hoàn thiện việc xây dựng và nhân rộng các mô hình tiên tiến về bảo vệ môi trường theo hướng bền vững; - Tăng cường năng lực cho cán bộ môi trường, cán bộ làm công tác truyền thông môi trường của các tổ chức chính trị - xã hội địa phương; - Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội đối với các chủ trương, biện pháp, chương trình... tạo điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ, tích cực, chủ động thực hiện chủ trương, pháp luật, chính sách về bảo vệ môi trường; - Tăng cường sự đồng thuận của nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường thông qua việc giải quyết tốt các tranh chấp, khiếu kiện, xung đột lợi ích giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường; - Đổi mới phương thức hoạt động, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả các chiến dịch, phong trào, cuộc vận động cộng đồng tham gia BVMT; - Đẩy mạnh xã hội hóa BVMT để tạo ra nhiều nguồn lực, nâng cao nhận thức và năng lực cho các thành viên, hội viên, làm cho họ tham gia BVMT một cách tự nguyện, tích cực và có hiệu quả. |