Ngay từ năm 2020, Đồng Hới đã chủ động phối hợp với các bên liên quan tổ chức khảo sát và đánh giá hiện trạng phát sinh và quản lý rác thải, qua đó xác định các nguyên nhân chính gây thất thoát rác thải nhựa ra môi trường, từ sinh hoạt dân cư ven sông, biển đến hoạt động kinh doanh tại chợ dân sinh. Dựa trên kết quả khảo sát, thành phố đã ban hành Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa giai đoạn 2024 – 2025, xác định rõ mục tiêu, giải pháp, đối tượng ưu tiên can thiệp và lộ trình triển khai.
Một trong những mô hình nổi bật là chương trình “Ngư dân đưa rác về bờ”, trong khuôn khổ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”, với sự chủ trì của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF Việt Nam) và các đối tác địa phương thực hiện.

Chương trình “Ngư dân đưa rác về bờ” đã huy động sự tham gia tự nguyện của 600 tàu thuyền tại các xã ven biển Bảo Ninh, Quang Phú, phường Hải Thành. Với sự đồng hành của phụ nữ địa phương, đoàn thanh niên và các nhóm nòng cốt, mô hình này không chỉ giúp thu gom hơn 21 tấn rác thải từ biển, mà còn góp phần nâng cao nhận thức và hành vi của cộng đồng ngư dân về bảo vệ môi trường biển. Chương trình đã góp phần đưa Đồng Hới trở thành điểm sáng trong nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm nhựa ở khu vực miền Trung.
Song song, các hoạt động phối hợp với Thành đoàn và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã tạo nên phong trào rộng khắp về giảm thiểu rác nhựa trong cộng đồng. Từ mô hình “Ngôi nhà xanh tiết kiệm sinh thái” được nhân rộng tại 15/15 xã, phường đến chiến dịch tuyên truyền, đổi rác lấy quà, giáo dục phân loại rác tại nguồn, các sáng kiến này không chỉ thúc đẩy tinh thần sống xanh, mà còn góp phần gây quỹ giúp đỡ các đối tượng yếu thế.

Trong lĩnh vực giáo dục, mô hình “Trường học giảm rác thải nhựa” được triển khai bài bản, có hệ thống từ năm 2021. Đến nay, nội dung giảm nhựa đã được lồng ghép trong chương trình giảng dạy tại hơn 30 trường học trên địa bàn thành phố, thông qua các hoạt động tích hợp bài giảng, thực hành phân loại rác và truyền thông học đường sinh động.
Với định hướng phát triển gắn với bảo vệ môi trường, Đồng Hới cũng đặc biệt chú trọng cải thiện hệ thống thu gom, xử lý rác thải. Dự án đã hỗ trợ bổ sung các trang thiết bị thiết yếu cho hệ thống thu gom của thành phố như 50 thùng rác 240l, 30 thiết bị thu gom rác bãi biển, cải tạo máy sàng lọc rác bãi biển và dự kiến cung cấp 10 thiết bị thu gom rác tái chế ven biển, góp phần nâng cao hiệu quả thu gom và giảm thất thoát rác ra môi trường. Hệ thống thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, một loại chất thải nguy hại, cũng được đầu tư xây dựng bài bản với 99 bể chứa nhỏ và 5 bể tập trung tại 4 xã/phường, cùng 7 xe đẩy tay và 30 bộ bảo hộ lao động, đảm bảo việc thu gom an toàn và đúng quy định.

Đáng chú ý, trong năm 2024, Đồng Hới đã xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tầm nhìn đến năm 2030, với sự tham gia nghiên cứu của các chuyên gia từ Đại học Khoa học - Đại học Huế. Đề án này là bước đi chiến lược, làm cơ sở để thành phố triển khai đồng bộ các hoạt động phân loại, thu gom, xử lý chất thải phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường 2020 và định hướng phát triển bền vững của tỉnh Quảng Bình.
Với những kết quả toàn diện và bền vững, thành phố Đồng Hới đã và đang khẳng định vai trò tiên phong trong hành trình xây dựng đô thị biển văn minh, không rác thải nhựa – một hình mẫu có thể nhân rộng ra các địa phương khác trong cả nước.